Nhiều trường hợp nguy kịch
Trước đó, Bệnh viện Quốc tế City TP.HCM đã cứu sống ông Oum Sokun (48 tuổi, quốc tịch Campuchia) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, nguyên nhân bị hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc do dị ứng thuốc.
Thời điểm nhập viện, ông Oum Sokun bị hôn mê sâu, suy hô hấp nặng phải thở máy kiểm soát, phù toàn thân, không có nước tiểu, hồng ban xuất huyết chằng chịt trên người cùng với hoại tử da nghiêm trọng.
Theo người nhà, ông Sokun bị cảm nên tự ra nhà thuốc tây mua thuốc về uống. Ít giờ sau, ông cảm thấy mệt, khó thở, khắp người nổi ban đỏ, phù toàn thân. Sau 5 ngày điều trị tại Campuchia, tình trạng bệnh nặng dần nên người nhà xin chuyển qua Bệnh viện Quốc tế City.
Tại đây, hội đồng y khoa xác nhận bệnh nhân bị hội chứng Stevens-Johnson (một loại phản ứng da nặng) và hoại tử thượng bì nhiễm độc nguyên nhân do dị ứng thuốc. Bệnh đã diễn tiến tổn thương đa cơ quan như hệ thần kinh trung ương, thận, mắt, tim, gan, đường tiêu hóa...
Bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy kiểm soát, chạy thận nhân tạo cấp cứu, truyền máu… đồng thời nâng đỡ chức năng gan, chích thuốc kích thích tủy xương tăng sinh hồng cầu - bạch cầu, tập vật lý trị liệu… Sau một thời gian dài điều trị và sau khi rút ống mở khí quản, sức khỏe bệnh nhân cơ bản ổn định.
Trường hợp khác là ông P.Đ.T. (56 tuổi, ngụ quận Tân Phú) nhập Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu trong tình trạng nổi mề đay toàn thân, khó thở, tụt huyết áp và ngất. Các xét nghiệm cho thấy men gan của bệnh nhân tăng cao gấp nhiều lần, gan và thận suy cấp tính. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc phản vệ. Sau khi được xử trí cấp cứu ban đầu, ông T. đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân kể mình bị tiểu rắt, tiểu buốt. Vì ngại đi khám, ông đã ra nhà thuốc “khai bệnh” và mua thuốc tự điều trị. Người bán thuốc bảo ông bị viêm tiết niệu, bán cho ông bảy ngày thuốc, chia vào bảy bịch ni-lông nhỏ gồm nhiều viên khác nhau.
Ông T. về uống thuốc đến hết ngày thứ bảy mới xuất hiện dấu hiệu bất thường. Ban đầu chỉ là mẩn ngứa nhẹ, sau đó tình trạng diễn tiến rất nhanh. Bệnh nhân bị nổi mề đay toàn thân, khó thở và choáng tới mức ngất đi nên được gia đình đưa đi cấp cứu.
Chiếm phần lớn là kháng sinh do lạm dụng
PGS Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai - cho biết hiện nay nhiều người dân thường lạm dụng thuốc, tự ý dùng thuốc khi chưa biết rõ tình trạng bệnh lý hoặc qua mách bảo của người khác, khiến việc bị dị ứng thuốc ngày càng nhiều hơn.
Khi tự ý dùng thuốc, uống thuốc, tiếp xúc với thuốc có thể gây dị ứng thuốc như ù tai, sẩn ngứa, ban, mụn gây khó chịu trên da, tổn thương các cơ quan nội tạng, sốc phản vệ, thậm chí tử vong trong thời gian rất ngắn.
Những người có cơ địa dị ứng (bản thân hoặc người ruột thịt đã từng mắc bệnh dị ứng như: dị ứng thuốc, hen phế quản, viêm mũi dị ứng, chàm, dị ứng mỹ phẩm..), người làm trong ngành y, dược thường xuyên tiếp xúc với thuốc sẽ dễ mắc dị ứng hơn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy, người bị bệnh gout, động kinh và một số bệnh khác có yếu tố gen di truyền trên tế bào bạch cầu khi sử dụng một số loại thuốc cũng dễ bị dị ứng hơn.
Có một số nhóm thuốc rất dễ gây dị ứng như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng viêm, nhức đầu thuốc chữa bệnh gout, co giật, động kinh. Trong đó, tình trạng bị dị ứng do thuốc kháng sinh là phổ biến nhất vì thuốc này được sử dụng và lạm dụng nhiều nhất.
Bác sĩ Trần Thiên Tài - Trưởng Đơn vị Dị ứng, Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược - cho biết các triệu chứng dị ứng thuốc có thể từ nhẹ tới nặng tùy cơ địa mỗi người. Nếu dị ứng thuốc nhẹ, bệnh nhân chỉ cảm thấy ngứa, nổi mề đay. Đôi khi phản ứng thoáng qua đến mức bệnh nhân không để ý hoặc trùng lắp, dễ nhầm lẫn với các nguyên nhân khác.
Các triệu chứng dị ứng thuốc nặng cần lưu ý là sưng đỏ, nổi mề đay toàn thân, khó thở, vùng da nổi ban tổn thương nặng với những bóng nước như bị phỏng và lột ra. Tiếp đến là những tổn thương cấp tính ở các cơ quan nội tạng như gan và thận, thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được cứu chữa kịp thời.
Bác sĩ Tài khuyến cáo người dân, không nên tự ý mua thuốc điều trị bệnh mà chưa được bác sĩ chỉ định và kê toa. Nếu bản thân từng bị dị ứng sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó thì cần ghi chú lại và nói cho bác sĩ biết để được kê loại thuốc khác thay thế.
Trong quá trình sử dụng thuốc, nếu thấy xuất hiện bất cứ dấu hiệu khác thường nào phải lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và can thiệp kịp thời.