Dừng thi chứng chỉ IELTS: Tốt nghiệp và tuyển sinh 2023 có bị ảnh hưởng?

11/11/2022 14:00

Theo đại diện nhiều trường đại học, việc tạm dừng thi chứng chỉ IELTS và chứng chỉ quốc tế khác trước mắt sẽ chưa ảnh hưởng nhiều đến tiến độ đào tạo, tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, nếu lâu dài thì một số bộ phận sinh viên sẽ bị tác động và nhà trường phải điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tuyển sinh 2023.

Dừng thi chứng chỉ IELTS: Tốt nghiệp và tuyển sinh 2023 có bị ảnh hưởng?
Một số trường đại học cũng đã chuẩn bị phương án cho tốt nghiệp và tuyển sinh đầu vào năm 2023 nếu việc dừng thi chứng chỉ IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ kéo dài. Ảnh: SPKT

Lo lắng tốt nghiệp, vào đại học

Thông tin tạm dừng thi IELTS và nhiều chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho tới khi có thông báo mới đang khiến không ít người học hoang mang, lo lắng khi kế hoạch ôn thi, dự thi đã được lên từ nhiều tháng trước. Đặc biệt, việc có chứng chỉ quốc tế sẽ thuận lợi trong xét tuyển đại học 2023 và xin việc tại các tổ chức nước ngoài hay đi du học.

Thuỷ Tiên – một sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM cho biết khá lo lắng khi mục tiêu của Tiên là sẽ thi trong thời gian tới để nộp hồ sơ tốt nghiệp và có một bản lý lịch đẹp xin việc.

“Là sinh viên năm cuối nên em muốn có được hồ sơ thật ưng ý, đạt chuẩn ngoại ngữ để có cơ hội việc làm tốt. Tuy nhiên, việc tạm dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà chưa biết khi nào mở lại khiến em đang không biết sẽ làm như thế nào. Có lẽ, em sẽ tham khảo kỳ thi VSTEP trong nước để đảm bảo được các điều kiện nộp hồ sơ”, Tiên nói.

Còn Hải Yến - học sinh lớp 12 tại TPHCM thì lo lắng khi mục tiêu của em là đạt IELTS 6.5 để thuận lợi nộp hồ sơ xét tuyển sớm để vào đại học.

Việc tạm dừng thi IELTS và nhiều chứng chỉ khác mà chưa biết thời gian quay trở lại đã tạo nên không ít lo ngại về tiến trình đào tạo và xét tuyển đại học.

Các trường đại học chuẩn bị phương án

Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, chuẩn đầu ra ngoại ngữ các chương trình đào tạo giảng dạy được quy định dựa vào tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. Sinh viên phải có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (TOEIC, IELTS), tiếng Nhật (JLPT, NATTEST, JLAN) hoặc chứng chỉ tương đương để được xét tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường cũng có Trung tâm Phát triển ngôn ngữ (tiếng Anh) và Trung tâm Hướng nghiệp và Đào tạo Việt Nhật (tiếng Nhật) tổ chức thi chứng chỉ cho sinh viên bám theo chuẩn đầu ra.

Trao đổi với Lao Động, ông Huỳnh Tôn Nghĩa – Phó trưởng Phòng Đào tạo nhà trường cho hay hiện tại, ngoài việc nộp chứng chỉ quốc tế về trường thì sinh viên có thể tham gia các kỳ thi ngoại ngữ do các trung tâm trong trường tổ chức để đảm bảo chuẩn đầu ra. Vì thế, trong trường hợp thi các chứng chỉ bên ngoài bị gián đoạn trong thời gian dài thì nhà trường sẽ tăng cường tổ chức các kỳ thi nội bộ để đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên. Do đó, ông cho rằng sẽ không bị động trong kế hoạch đào tạo và nhà trường cũng không hạ chuẩn đầu ra. Tuy vậy, nếu dừng lâu cũng sẽ khiến một số đối tượng nhỏ sinh viên bị ảnh hưởng.

“Trong trường hợp các kỳ thi dừng lâu thì sẽ ảnh hưởng tới những sinh viên sẽ xin làm việc ở các công ty nước ngoài hoặc tiếp tục du học. Ngoài ra, khi xét tuyển đầu vào thì nhà trường có sử dụng kết quả chứng chỉ IELTS nên tuỳ thuộc vào thời gian gián đoạn sẽ có điều chỉnh đề án tuyển sinh phù hợp. Tôi mong rằng các trung tâm sẽ sớm được hoạt động trở lại để không gián đoạn kế hoạch của học viên và nhà trường”, ông Nghĩa chia sẻ.

Nhiều trường đại học
Nhiều trường đại học xét tuyển đầu vào đại học bằng chứng chỉ IELTS. Ảnh: Huyên Nguyễn

Một lãnh đạo một trường đại học khác tại TPHCM yêu cầu sinh viên tốt nghiệp có chứng chỉ IELTS hoặc chứng chỉ quốc tế tương đương thì cho biết nhiều sinh viên cũng lo lắng về việc này và có hỏi nhà trường, tuy nhiên, đơn vị này cũng vẫn chờ đợi những thông tin tiếp theo của Bộ GDĐT và của các trung tâm để có lộ trình phù hợp.

“Hiện tại mọi thông tin còn quá mới và chúng tôi chưa có căn cứ để điều chỉnh phương án cũ”, vị lãnh đạo trường cho hay.

Phía Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Đào tạo cũng thông tin thông thường mỗi năm trường chỉ xét tuyển tiêu chí IELTS cho các ngành Kinh tế, Ngoại ngữ,… cho khoảng vài chục sinh viên.

“Nếu thí sinh không có bằng IELTS thì Trường Đại học Bách Khoa cũng sẽ có kiểm tra đầu vào tiếng Anh để kiểm tra đầu vào của sinh viên và để thuận tiện trong việc phân lớp tiếng Anh”, ông Kiên cho biết.

Còn PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết ở thời điểm hiện tại đơn vị này đã hoàn tất tuyển sinh năm 2022 nên có thể hoàn toàn yên tâm, không bị ảnh hưởng khi hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông báo tạm dừng. “Về việc tuyển sinh năm 2023 (thông thường sẽ rơi vào khoảng tháng 3 hàng năm), các trường vẫn còn khoảng 4-5 tháng để lên phương án, tính toán trong trường hợp 2 Hội đồng Anh và IDP chưa thể tổ chức thi IELTS trở lại cho thí sinh”, bà Hiền cho hay.

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Dừng thi chứng chỉ IELTS: Tốt nghiệp và tuyển sinh 2023 có bị ảnh hưởng?
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO