Đừng 'thả' con bơi trong thế giới công nghệ số

Thủy Nguyên| 29/09/2022 17:52

Thời đại công nghệ số, ngày càng nhiều cha mẹ giao cho con các phương tiện hiện đại: điện thoại, ipad, máy tính… Ngoài những lợi ích tích cực, phục vụ cho việc liên lạc, tìm kiếm thông tin đáp ứng việc học tập, các thiết bị công nghệ số cũng đang dẫn dắt trẻ vào mê cung mạng xã hội với nhiều thông tin thiếu kiểm soát.

Khi trẻ nghiện công nghệ số

Xuất hiện tại tiệc sinh nhật 10 tuổi của bạn mình, hai cô bé Minh Phương và Thảo Hân liên tục lấy điện thoại ra “chụp ảnh selfie” và cắm cúi ngồi lướt net, chat trên zalo, facebook như người lớn. Không riêng hai cô bé, buổi tiệc khoảng 20 bạn nhưng có đến gần ½ số bạn tham dự đều cầm theo điện thoại và mải mê ngồi bấm. Các bạn trai chơi game, các bạn gái ngồi lướt facebook…

Chị Thu Ngọc, chủ nhân tổ chức bữa tiệc mừng cho con gái phải nhắc các bạn cất điện thoại và trò chuyện cùng nhau. Thế nhưng, nội dung buổi trò chuyện của những đứa trẻ 10 tuổi cũng khiến các vị phụ huynh “hết hồn” nhìn nhau. “Tụi nhỏ nó bàn cô này sửa mũi đẹp xấu, tik tok đang có trào lưu múa cột, con giáp thứ 13 bị chửi trên mạng xã hội… Nó còn cập nhật hơn cả người lớn. Mình ngồi nghe mà điếng hồn!”, chị Ngọc cho biết. Chị cũng tâm sự thêm, khi tiệc tàn, các bạn về hết, chị hỏi con gái thì cô bé hồn nhiên trả lời: “Mẹ không biết chứ cả lớp con giờ tụi nó được sử dụng điện thoại thoải mái, xem tivi, laptop quá chừng chứ không phải như nhà mình đâu! Con mang tiếng làm lớp trưởng mà giờ quê xệ so với tụi nó!”. Nghe con gái nói, chị Ngọc vừa thương vừa thấy đúng là không thể giao phó hoàn toàn các thiết bị công nghệ số cho con. Chị phải giải thích cho con và động viên bé để con không thấy mình lạc lõng so với các bạn.

shutterstock_237002497-1.jpg
Nhiều trẻ đã quá quen với việc sử dụng các thiết bị công nghệ số.

Ngày nay, trẻ em có rất nhiều điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông. Cha mẹ đi làm, thời gian ở nhà không ai kiểm soát khiến trẻ được tự do hơn trong việc xem các kênh truyền hình và internet. Nhiều cha mẹ, vì để tiện liên lạc, đưa đón con nên cũng trang bị điện thoại cho con. Điện thoại thông minh hiện nay giá thành không đắt, không ít phụ huynh cho rằng vừa phục vụ việc học của con vừa đáp ứng việc liên lạc nên dễ dàng sắm cho con. Nhiều gia đình có điều kiện hơn còn trang bị riêng ipad, laptop để phục vụ việc học của con. Mục đích trang bị cho con là tốt nhưng những tác hại không ngờ của việc thiếu kiểm soát thế giới mạng đầy rẫy thông tin đang khiến nhiều trẻ rơi vào trạng thái nghiện mạng xã hội, bị bủa vây bởi những thông tin bẩn.

Đằng sau thế giới mạng xã hội

Trong đợt dịch Covid 19, khi phải học online, nhiều trẻ được cha mẹ tin tưởng giao cho các thiết bị công nghệ để phục vụ việc học. Thế nhưng, không ít trẻ đã tận dụng cơ hội đó để vào youtube, kết bạn zalo, thậm chí truy cập cả những web đen thiếu lành mạnh.

988905-phone-1.jpg
Các thiết bị công nghệ số luôn có sức hút mạnh mẽ đối với trẻ.

Anh Thành Hưng (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ tình hình lớp con gái anh thời điểm học online: “Các ba mẹ cho con dùng tài khoản zalo để học, các bạn này tự ý lập nhóm riêng với nhau. Cá biệt, các bạn còn gửi nhau những đường link bậy bạ. Một bạn trong nhóm mách với phụ huynh, chị này hoảng hốt trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm để cô nhắc nhở các phụ huynh khác kiểm soát con mình”. Cũng theo anh Hưng, thời điểm này, khi đã đi học trực tiếp lại, các bạn vẫn theo đà cũ sử dụng zalo, tạo tài khoản facebook để “chat chít, tán gẫu với nhau”.

Một nghiên cứu của Viện Mediascope cho thấy trẻ 6 tuổi dành nhiều thời gian xem tivi hơn thời gian nói chuyện với cha mẹ chúng. Sự ngây thơ ở trẻ mất dần đi. Bác sĩ Joe Mcilhaney, Chủ Tịch của Viện Y Học về Sức Khỏe Giới Tính trích dẫn số liệu cho thấy “trung bình trẻ em và thanh thiếu niên xem truyền hình từ khoảng 3 đến 4 tiếng mỗi ngày. Và cứ mỗi một giờ đồng hồ họ xem truyền hình, thì có khoảng 6.7 cảnh gồm các đề tài về tình dục, và khoảng 10% của những cảnh này trình chiếu các cặp lứa đôi đang làm tình với nhau”. Chính vì vậy mà theo một nghiên cứu đã thống kê thì 3 hoặc 4 trẻ vị thành niên cho rằng các chương trình và phim ảnh trên tivi khiến chúng thấy sex là một điều hết sức bình thường. Những trẻ ở độ tuổi 13 – 15 xếp hạng các chương trình giải trí là nguồn cung cấp thông tin khá nhiều về sex và sức khỏe giới tính. Cũng theo ước tính của hiệp hội tâm lý Mỹ thì mỗi năm, thanh thiếu niên tiếp xúc với 14.000 tài liệu tham khảo về tình dục trên truyền hình.

boy-watching-tv.jpg
Trẻ 6 tuổi dành thời gian xem tivi nhiều hơn nói chuyện với cha mẹ.

Những vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra không còn xa lạ với chúng ta qua các câu chuyện được báo, đài đề cập. Trẻ mang thai khi ở tuổi vị thành niên chỉ vì những bộ phim khiêu dâm tràn lan trên mạng internet, trẻ phạm tội giết người từ những thú vui chơi game và các bộ phim bạo lực… Đây là những câu chuyện chúng ta vẫn được nghe thấy hàng ngày.

Nhẹ hơn, những thông tin trên truyền thông được tiếp cận một cách vội vàng, thiếu bản lĩnh nghiêm túc cũng khiến người lớn phải đau đầu về cách ăn mặc của trẻ ngày nay, ngôn ngữ trẻ sử dụng, cách trẻ nói chuyện và cư xử với nhau... Nếu trước đây, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước việc nhiều trẻ vị thành niên thích đánh ghen, trả thù cá nhân bằng cách đánh bạn và quay clip thì ngày nay, chuyện này đã quá quen thuộc.

Việc chụp ảnh “nóng”, quay clip “tình cảm” và phát tán trên mạng cũng diễn ra như một trào lưu ở giới trẻ vì quan niệm “sành điệu”, “thức thời”… Các phương tiện truyền thông ngày một nhiều kênh để giới trẻ tiếp cận. Bên cạnh việc đem lại những hiệu quả nhất định về việc mở mang tri thức, tiếp cận với thông tin nhanh hơn, mặt xấu của các thiết bị công nghệ đã ảnh hưởng nhiều đến những bạn trẻ không biết bản lĩnh gạn lọc thông tin và học những trào lưu xấu.

emotional-child-with-laptop-shout-gambling-addiction-handsome-child-gamer-play-online-games-laptop-white-background_255847-5230.jpg
Sẽ rất tai hại nếu cha mẹ giao phó hoàn toàn các thiết bị công nghệ số cho trẻ tùy ý sử dụng.

Kiểm soát thông tin như thế nào?

Đứng trước thế giới mênh mông của công nghệ số, cha mẹ nên đồng hành sát sao cùng con, định hướng giúp con chọn lọc thông tin từ đó có những lựa chọn phù hợp độ tuổi.

- Điện thoại: Thay vì dùng điện thoại thông minh đa dạng các ứng dụng, cha mẹ nếu chỉ vì mục đích muốn liên lạc với con có thể cho con dùng đồng hồ thông minh, điện thoại với tính năng nghe – gọi đơn giản… Điều này hạn chế trẻ tham gia vào các trang mạng xã hội thiếu kiểm soát.

- Laptop, máy tính: Các thiết bị này có thể là một công cụ giải trí và giáo dục tuyệt vời cho trẻ nhỏ nếu khai thác đúng cách, phục vụ cho việc học. Ba mẹ nên chọn những chương trình hay và chất lượng. Tuy nhiên không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể kiểm soát hết được những chương trình trẻ xem, nhất là những khi vắng nhà. Chính vì vậy cha mẹ cần nhận biết những nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến trẻ từ các kênh để bảo vệ trẻ. Hãy dạy trẻ phân biệt những chương trình trẻ nên sử dụng, cách tìm kiếm trên thanh công cụ google, cách truy cập đường link học… Nên cài đặt những chương trình dành riêng cho trẻ mà bạn muốn con sẽ học trên youtube.

girl-using-mobile-phone-chat-kid-using-smartphone-child-browsing-internet-smart-phone_153228-1520.jpg
Quy định thời gian sử dụng và chọn lọc các kênh cho phép là lời khuyên hữu ích giúp cha mẹ kiểm soát trẻ.

- Các chương trình Tivi: Chọn lọc các kênh cho trẻ thay vì để trẻ thoải mái thích xem kênh nào tùy chúng. Cha mẹ cũng nên giới hạn thờgian xem tivi ở trẻ và động viên trẻ tham gia nhiều hơn các hoạt động thể dục thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe.

- Để trẻ không ảnh hưởng bởi những thông tin bạo lực, cha mẹ có thể làm một số việc như: Giám sát trẻ, hạn chế cho trẻ xem những chương trình bạo lực, những bộ phim đánh đấm… bằng cách theo dõi hoặc cài đặt chương trình.

- Kiểm tra lịch sử truy cập của con và theo dõi sát sao các chương trình trẻ tham gia. Quy định thời gian được sử dụng các thiết bị công nghệ số.

- Mạng xã hội zalo, facebook, tik tok: Hãy cho con sử dụng nếu bạn tin tưởng ở trẻ, còn nếu không, lời khuyên đưa ra là nên dành thời gian kiểm soát việc sử dụng đối với trẻ nhỏ học cấp 1. Với trẻ ở độ tuổi cấp 2, cha mẹ có thể thoải mái hơn tuy nhiên nên trang bị cho con những kiến thức đúng đắn và chọn lọc để trẻ tự mình trang bị bản lĩnh đứng vững trước thế giới mênh mông thông tin mà mạng xã hội mang lại.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đừng 'thả' con bơi trong thế giới công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO