Đừng nhầm lẫn trầm cảm của con trẻ với biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì

Vân Huyền| 12/04/2022 06:12

Nhiều biểu hiện của trầm cảm trong lứa tuổi học đường thường bị bỏ qua. Không ít phụ huynh đánh đồng biểu hiện đó với những biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì.

Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần bình tĩnh. Ảnh minh họa.Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần bình tĩnh. Ảnh minh họa.

Thực tế, đó là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn trong đời sống tinh thần. Song, những người xung quanh như cha mẹ, bạn bè... của nạn nhân chưa nhận ra.

Mong muốn của cha mẹ không phải lúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho trẻ. Đôi khi, đó lại là nguyên nhân gây ra các mâu thuẫn. Bởi, cha mẹ thường quen với ý nghĩ con là “của mình”, mình có toàn quyền với con.

Tích tụ những bất ổn

Ngày 1/4, sự việc nam sinh rơi từ tầng 28 chung cư xuống đất tại quận Hà Đông (Hà Nội), với đoạn thư tuyệt mệnh để lại đã khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Nạn nhân đang học lớp 10 ở một trường THPT của Hà Nội và có biểu hiện trầm cảm. Cùng ngày hôm đó, tại Bắc Ninh, một nữ sinh lớp 8 được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ cùng lá thư và nhật ký nói rằng “mình sắp đi xa”.

Hai sự việc đau lòng này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo đối với các phụ huynh có con ở tuổi vị thành niên. Bởi, tự tử ở lứa tuổi này là vấn đề nghiêm trọng và đáng lo ngại, khi tình trạng này ngày càng có xu hướng tăng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự tử xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 4 ở trẻ từ 15 - 19 tuổi trên thế giới. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày, trên thế giới, có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên tự tử.

Buồn chuyện gia đình, áp lực học tập, không được đáp ứng một yêu cầu nào đó... đều có thể là lý do cho những sự việc đau lòng. Đáng nói là nhiều biểu hiện của trầm cảm trong lứa tuổi học đường thường bị bỏ qua. Không ít phụ huynh đánh đồng biểu hiện đó với những biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Theo các chuyên gia, tốc độ phát triển của cuộc sống hiện đại kéo theo những áp lực. Do đó, những rối loạn về sức khỏe tâm thần không ngừng tăng.

“Trong hai thập kỷ trở lại đây, các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, trầm cảm là vấn đề sức khỏe tâm thần ở tuổi thanh, thiếu niên trên toàn thế giới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước thu nhập trung bình thấp và tăng theo từng năm. Hơn một nửa trường hợp đau lòng ở độ tuổi thanh, thiếu niên được báo cáo mắc chứng rối loạn trầm cảm tại thời điểm xảy ra sự việc”, tâm lý gia lâm sàng Nguyễn Hồng Nhã, Phòng khám Tâm lý - Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TPHCM) cho biết.

Theo chuyên gia này, những thông tin gần đây khiến mọi người cảm thấy sự việc xảy ra đột ngột. Tuy nhiên, thực tế, đó là kết quả của sự tích tụ lâu dài những bất ổn trong đời sống tinh thần. Song, có thể những người xung quanh như cha mẹ, bạn bè... của nạn nhân chưa nhận ra.

Theo bà Nguyễn Hồng Nhã, rối loạn tâm lý - tâm thần cũng giống như các cơn bão. Sự thay đổi thất thường về mặt cảm xúc, cơn buồn không lý do, khó có thể tập trung vào những chuyện mình làm hay dần mất hứng thú với điều mình yêu thích là những dấu hiệu đầu tiên.

“Khi bão tới thì trời sẽ nổi sấm chớp, nó tựa như những cảm xúc tiêu cực, hành vi tự gây hại chính mình. Nạn nhân của những rối loạn tâm lý - tâm thần phải hằng ngày, hằng giờ đấu tranh cho chính mình giữa những luồng suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Chính vì vậy, cảm giác tuyệt vọng hay chỉ đơn giản là cắt đứt hết mọi thứ thường là cách mà họ lựa chọn để được giải thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực đó”, chuyên gia nhận định.

Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, Khoa Tâm thể - Bệnh viện thành phố Thủ Đức, chia sẻ: “Lứa tuổi học sinh là giai đoạn rất dễ gặp phải những rối loạn tâm lý - tâm thần. Ở lứa tuổi này, các em bắt đầu xuất hiện những khủng hoảng. Dù chất chứa nhiều tâm tư, nhu cầu, mong muốn được giãi bày, nhưng các em lại thường chưa biết cách thổ lộ phù hợp.

Ngược lại, cha mẹ, thầy cô và bạn bè đôi lúc chưa có nhiều cơ hội, hoặc chưa đủ sức để nắm bắt kịp thời những thay đổi về mặt tâm lý diễn ra bên trong học sinh để có sự hỗ trợ kịp thời”.


Biểu hiện trầm cảm ở trẻ đôi khi không được nhận ra. Ảnh minh họa.

Bình tĩnh với con

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền khuyến cáo, các phụ huynh không nên mắng, chửi hay đánh con khi con có lỗi. Bởi, hành động đó sẽ khiến trẻ sợ hãi và mãi mãi không hiểu vấn đề của bản thân để sửa.

Thay vào đó, chuyên gia này gợi ý, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ đứng khoanh tay úp mặt vào tường với một tư thế nghiêm. Sau đó, yêu cầu trẻ suy nghĩ kỹ để trả lời các câu hỏi như: Con sai như thế nào? Tìm nguyên nhân khiến con mắc lỗi? Lần sau mắc phải con sẽ làm thế nào để không bị sai...? Mục đích của cách ứng xử này sẽ giúp cha mẹ kiềm chế được sự nóng giận khi trẻ mắc lỗi.

Ngoài ra, việc đứng để suy nghĩ sẽ giúp trẻ bình tĩnh và không quá sợ hãi hoặc nói dối để lấp liếm lỗi khi bị phát hiện. Đồng thời, giúp trẻ có chiều sâu suy nghĩ về lỗi đã gây ra. Từ đó, tự tìm nguyên nhân gây ra lỗi, tự nghĩ cách để khắc phục nếu tiếp tục vấp phải. Trẻ cũng sẽ hình thành thói quen tự suy nghĩ, phân tích... trước khi làm gì để tránh mắc lỗi.

“Đây là kỹ năng giúp con nhận diện lỗi sai và cách giải quyết vấn đề. Nhờ đó, không bao giờ bị sai đến lần thứ 2 cho một vấn đề. Cha mẹ thường chia sẻ, đã nói quá nhiều nhưng con vẫn vậy, vẫn sai mặc dù nói đi nói lại... Hãy thử thay đổi bằng cách để con tự nói trước về lỗi sai, nguyên nhân gây ra, cách khắc phục... và cha mẹ là người thẩm định và định hướng thêm cho con”, bà Phạm Hiền gợi ý.

Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, trẻ và các thanh, thiếu niên cần nghĩ rằng, nỗi đau chỉ là khoảnh khắc. Nỗi đau sẽ thay đổi khi chúng ta bình tĩnh. Vì vậy, điều quan trọng trước tiên là cần bình tĩnh để đưa ra lựa chọn tốt hơn. Với cha mẹ, chuyên gia này khuyến cáo không nên nổi giận khi con mất bình tĩnh. Đồng thời, phụ huynh không được đánh giá, chỉ trích hay chê bai con. Điều quan trọng cha mẹ cần làm là trấn an, giúp trẻ bình tĩnh.

“Không để con mệt mỏi bởi thức đêm, thiếu dinh dưỡng hay chạy theo áp lực điểm số. Luôn lắng nghe và cố gắng thay đổi để hỗ trợ con, chia sẻ những khó khăn con gặp phải. Nếu cha mẹ thấy con có dấu hiệu lo lắng hay căng thẳng, cần đưa trẻ đi khám và điều trị. Hãy đồng hành cùng các con”, chuyên gia này chia sẻ.


Phụ huynh không nên áp đặt trẻ. Ảnh minh họa.

Để con “tung cánh”

Theo TS Vũ Thế Dũng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, CEO Công ty Thinking School, mong muốn tốt của cha mẹ không nhất thiết tạo ra hạnh phúc cho con. Đôi khi, đó lại là nguyên nhân gây ra các mâu thuẫn. Đứng trên phương diện lý thuyết quản trị, TS Dũng cho rằng, nguyên nhân của các mâu thuẫn này một phần có thể do cha mẹ không chuyển hóa được 4 cách “hợp tác” với con.

Khi con sơ sinh đến chập chững, mô hình “hợp tác” là “cầm tay chỉ việc” (directive). Cha mẹ uốn nắn, chỉ dạy từng chút, sai đâu sửa đấy. Mô hình này mang hơi hướng “độc đoán và mệnh lệnh”. Mô hình này phù hợp vì con còn quá nhỏ. Khi con lớn hơn một chút và có thể tự làm một số việc, mô hình “mệnh lệnh” này sẽ làm không gian của con ngột ngạt. Do đó, cha mẹ cần chuyển sang mô hình hỗ trợ (supportive), nghĩa là bớt cầm tay chỉ việc.

Thay vào đó, nên để trẻ tự thực hiện những việc có thể làm và ra quyết định. Cha mẹ chỉ đứng xa quan sát và hỗ trợ khi rất cần thiết.

“Bước chuyển từ 1 lên 2 này khá khó với một số cha mẹ vì họ quen ra lệnh và con phải phục tùng. Họ quen với ý nghĩ con là “của mình”, mình có toàn quyền với con. Ý niệm này vô cùng nguy hiểm. Sinh con ra không phải để sở hữu con, mà là để con trưởng thành tung cánh”, chuyên gia nhấn mạnh.

Nếu tiếp tục mô hình mệnh lệnh và kiểm soát chặt, khoảng cách sẽ hình thành giữa cha mẹ và con. TS Dũng dẫn chứng, cha mẹ nhóm này thường nói những câu như: “Trước đây nó ngoan lắm, nói gì cũng nghe, mà giờ nó thế này, cả ngày lầm lì, nói gì cũng không chịu nghe, toàn cãi”. Chuyên gia cho biết, người trưởng thành có thể tự mình ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó.

TS Dũng cho biết, mô hình hỗ trợ là bước đệm để chuyển đến 2 mô hình cao hơn là “hợp tác cùng ra quyết định” (participative) và “hướng đến thành tích cao” (achievement oriented). Khi con đã có thể tương đối ra các quyết định, cha mẹ chuyển từ mệnh lệnh, hỗ trợ, sang mời con cùng tham gia vào các quyết định của gia đình.

Mô hình “dân chủ” này tôn vinh con như một thành viên trưởng thành trong gia đình. Ý kiến của con cũng có giá trị như của cha mẹ. Con đã được cha mẹ công nhận là người trưởng thành. Bước cuối cùng là cha mẹ trao cho con toàn quyền đặt mục tiêu, lên kế hoạch, ra quyết định cho cuộc sống của bản thân và thậm chí cả gia đình. Khi đó, con gánh trách nhiệm và cũng là một nơi nương tựa của cha mẹ.

“Chuyển hóa linh hoạt và thành công giữa các mô hình “hợp tác cha mẹ con cái” sẽ giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con tốt hơn. Từ đó, tạo ra những công dân trưởng thành và có lẽ cũng giảm đi những tai nạn không đáng có”, TS Vũ Thế Dũng chia sẻ.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đừng nhầm lẫn trầm cảm của con trẻ với biến đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO