Cách đây vài ngày, trong nhóm chat trên mạng xã hội, một anh bạn của tôi bông đùa: “Vợ tôi sắp lấy bằng lái ô tô, anh em cẩn thận nhé”. Tất nhiên, câu nói cà rỡn của anh bạn tôi chỉ mang tính mua vui. Mặc dù vậy, nó lại làm tôi nhớ đến hằng hà chủ đề và bình luận trên môi trường mạng với hàm ý phân biệt và kì thị khi phụ nữ cầm vô lăng ô tô. Đại loại như “đổ xăng cho phụ nữ là tội ác”, “lại là phụ nữ lái xe hả”, “ninja cầm lái”…
Cá nhân tôi là người đàn ông đang sử dụng ô tô và cũng không ít lần thót tim với những phụ nữ lái xe. Nhưng tôi không đồng tình với cách phần lớn chúng ta nhìn nhận việc phụ nữ lái ô tô dưới con mắt phân biệt và mỉa mai như vậy.
Xem thêm: Có thực là phụ nữ dễ gây tai nạn giao thông hơn nam giới?
Đồng ý rằng thời gian qua ở Việt Nam có không ít vụ tai nạn thảm khốc do phụ nữ lái ô tô gây ra. Trong đó, có nhiều vụ đau lòng như vụ việc người phụ nữ đã sử dụng rượu bia lái xe BMW tông chết người đứng chờ đèn đỏ ở Ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào đêm khuya hay việc một người phụ nữ khác cầm lái chiếc Mercedes-Benz đạp nhầm chân ga tông chết người ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Mặc dù vậy, cá nhân tôi nghĩ những vụ tai nạn này cũng giống rất nhiều vụ khác, bắt nguồn từ lỗi của cá nhân người lái. Sự vụ ồn ào hơn có lẽ bắt nguồn từ chính tâm lý kì thị và có phần xem thường phụ nữ khi cầm lái ô tô của phần lớn người Việt. Và phụ nữ chỉ là bề nổi, là cái cớ để người ta đưa lên mạng xã hội dè bỉu, thỏa cơn thịnh nộ.
Tôi không bênh vực hay lên mặt đạo đức làm gì. Nhưng cứ điểm lại mà xem. Ở Việt Nam mỗi tháng vẫn có không ít vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến ô tô do đàn ông cầm lái với đủ thứ lỗi cá nhân như vượt ẩu, lái xe không quan sát, sai luật hay thậm chí đàn ông đạp nhầm chân ga cũng có không ít. Và nếu khách quan nhìn nhận, số vụ tai nạn ô tô gây ra khi đàn ông là người điều khiển cũng chiếm tỉ lệ áp đảo. Vậy tại sao chúng ta không bảo rằng “đổ xăng cho đàn ông là tội ác” hay đại loại “lại là đàn ông lái xe à?”… Phải chăng những dè bỉu, kì thị phần nhiều xuất phát từ tâm lý xem thường phụ nữ của chính những người đàn ông?
Xem thêm: Phụ nữ lái xe: Cần vén màn định kiến
Riêng cá nhân tôi nhận thấy, những vụ tai nạn giao thông nói chung đa phần xảy đến do kỹ năng và kiến thức của người lái chưa tốt. Còn nếu nói do “đàn bà lái xe” thì thực sự quá cảm tính và đầy miệt thị. Bởi lẽ, đàn ông hay đàn bà dù khác nhau nhiều mặt, nhưng nhìn chung để lái xe tốt cần phải nắm vững luật, lý thuyết lái xe và đặc biệt là có kinh nghiệm thực hành. Ông bà bảo “trăm hay không bằng tay quen” là vậy.
Hẳn nhiều người cũng biết đến cô gái Leona Chin người Malaysia đúng không? Chẳng phải cô này là “đàn bà” đó sao? Vậy thử hỏi, trong số đàn ông chúng ta, mấy người lái xe giỏi hơn cô này? Thế nên chung quy lại, bất kể đàn ông hay đàn bà, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nghiêm túc khi học lái xe và thường xuyên tập luyện, tham gia giao thông có ý thức và cẩn thận thì đàn ông hay phụ nữ lái ô tô đều ổn. Chỉ những người đàn ông có tâm lý “đàn bà” mới dè bỉu, kì thị đàn bà cầm lái ô tô.