Đừng khuyến khích trẻ lao động bằng tiền

Ngọc Trang| 22/02/2022 13:15

Nhiều gia đình lấy tiền để trả công lao động của con. Hàng loạt “đơn giá” được đưa ra như lau nhà 10 nghìn, rửa bát 5 nghìn, phơi quần áo 2 nghìn đồng…

Cha mẹ giúp con yêu thích lao động bằng cách để trẻ hiểu có những việc là đương nhiên phải làm. Ảnh minh họa.Cha mẹ giúp con yêu thích lao động bằng cách để trẻ hiểu có những việc là đương nhiên phải làm. Ảnh minh họa.

Nhiều giáo viên cho rằng, nếu đó là mục đích để con lao động thì có những cách khác hiệu quả hơn.

Có những việc là đương nhiên phải làm

Nhiều gia đình muốn con phải lao động, làm việc nhà để tự lập hơn. Muốn được việc, một số cha mẹ đã dùng tiền để trả công cho những lao động ấy. Ví dụ, nếu con lau nhà, rửa bát, gấp quần áo, dọn đồ chơi… sẽ được số tiền tương ứng đã được quy định.

Ban đầu, trẻ có thể rất thích thú nhưng lâu dần, con sẽ không coi đó là nhiệm vụ mà chỉ làm khi có tiền thưởng và làm khi có hứng. Thậm chí, nhiều trẻ lười không muốn làm việc và chê số tiền mẹ thưởng quá ít, không bõ công. Rồi có những bé đã mặc cả chuyện “tăng lương” khi làm việc nhà vì dần dần chúng sẽ thấy không thỏa mãn với số tiền mà bố mẹ cho ban đầu.

Cô giáo Nguyễn Thanh Tú, giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), cho rằng, lấy tiền làm phần thưởng sau mỗi việc làm của con trẻ sẽ khiến bé có suy nghĩ chỉ làm việc gì đó khi có tiền. Thậm chí, tiền thưởng còn khiến trẻ dần thiếu động lực để làm công việc mà đương nhiên bé phải làm.

“Trẻ nên được dạy làm việc nhà ngay từ nhỏ và bố mẹ phải cho con hiểu đó là việc đương nhiên phải làm của con. Rửa bát, gấp quần áo, lau nhà... đó là việc trẻ có trách nhiệm phải làm tùy theo từng độ tuổi chứ không phải là việc làm để nhận thưởng. Ví như khi con tới tuổi phải làm việc nhà như quét nhà, lau nhà, rửa bát, phơi quần áo, cọ nhà vệ sinh, dọn bàn ăn…, cha mẹ nên phân công cho con từng việc theo từng độ tuổi phù hợp”, cô Tú nói.

Cũng theo nữ giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, tương tự như việc học, để khuyến khích con học tốt, cha mẹ cũng lấy tiền ra làm thước đo cho mỗi điểm 9, 10. Về lâu dài, bé học không phải bằng niềm vui mà bằng tiền thưởng. Điều này rất đáng lo ngại và không tốt với việc học tập dài hạn của con.

Bản chất của việc học là các bé thấy phấn khích khi khám phá và biết thêm được những bài học mới, chinh phục bằng kết quả học tập của mình. Nhưng nếu người lớn thưởng con tiền theo kết quả học tập thì con sẽ không còn sự tò mò, khám phá và tiếp thu kiến thức nữa mà chỉ cố gắng đạt điểm cao vì tiền.

Cô Tú cũng cho rằng, thưởng tiền sẽ khiến con có tâm lý đặt nặng vấn đề tiền bạc. Dùng tiền để động viên con, nếu không cẩn thận sẽ hướng con sai đường. Điều quan trọng nhất là bố mẹ phải giúp con tìm được niềm vui trong học tập, trong lao động chứ không phải lấy thưởng làm động lực cho con.


Ảnh minh họa.

Áp dụng “tích điểm”

Ở nhiều trường học, giáo viên thường dùng điểm để thưởng cho học sinh. Nó giống như hình thức tích điểm mà cha mẹ có khi đi mua hàng. Vì vậy, phương pháp tích điểm này có thể áp dụng với trẻ thay vì thưởng tiền.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), cho biết, hàng ngày, các cô giáo khuyến khích trẻ bằng cách cộng điểm tốt và có thể trừ điểm xấu. Những bạn chăm học, hăng hái phát biểu, giúp đỡ bạn bè… sẽ được cộng điểm và khi đến một số điểm cụ thể nào đó, cô giáo sẽ thưởng bằng một món quà.

Thông thường, giáo viên cũng phải tìm hiểu kỹ về món quà ở lứa tuổi mà các con yêu thích. Bởi nếu trẻ không hứng thú với món quà đó cũng sẽ hời hợt trong việc thi đua.

“Hình thức thưởng điểm này hoàn toàn có thể áp dụng trong gia đình khi dạy trẻ lao động phù hợp với lứa tuổi. Thay vì tiền, chúng ta có thể khuyến khích con bằng cách tính điểm như dọn phòng bao nhiêu điểm, dọn bàn bao nhiêu điểm… Sau đó, số điểm tích lũy sẽ được cộng dồn thành một món quà, chuyến đi chơi nào đó phù hợp cho con và túi tiền của bố mẹ. Với cách này, bố mẹ có thể dùng điểm thưởng nếu con làm tốt và điểm phạt nếu con không làm hoặc làm chưa tốt”, cô Mai nói.

Ngoài ra, cô Mai cũng cho rằng, bên cạnh thưởng điểm, cha mẹ hãy dành lời khen và thể hiện tình cảm của mình với mỗi việc con làm tốt. Không nên dùng điểm một cách “sòng phẳng” sẽ khiến tác dụng ngược trong cách dạy trẻ yêu thích lao động. Điều này không chỉ mang lại giá trị tinh thần lớn cho con, mà còn giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực.

Tuy vậy, theo chuyên gia, nếu muốn thưởng cho con bằng hình thức tiền, điểm hay một hình thức nào đó thì cũng cần phân biệt được công việc đáng được thưởng. Có như vậy mới giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của lao động và biết chịu trách nhiệm với việc mình làm.

Ví dụ, nếu con ăn ngoan, dọn đồ chơi, học tốt, thì việc duy nhất bố mẹ cần làm là khuyến khích và khen ngợi con, chứ không phải là dùng tiền hoặc vật chất để thưởng. Các bé phải hiểu rằng, trong cuộc sống có những điều là nghĩa vụ phải hoàn thành của chính mình.

Học tốt là nghĩa vụ của con còn kiếm tiền nuôi con khi còn nhỏ là trách nhiệm của bố mẹ. Nếu làm bất cứ việc gì cũng có thưởng, con sẽ dần trở thành một đứa bé không biết chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm.

Ngoài ra, bố mẹ không nên nuông chiều, thỏa mãn hết các nhu cầu không cần thiết của trẻ. Như vậy, ngoài những nhu cầu được bố mẹ đáp ứng, khi trẻ phát sinh nhu cầu mới như đổi điện thoại, mua tai nghe, sắm thêm nhiều quần áo… vậy thì, trẻ làm cách nào để có tiền?

Trong trường hợp này, hãy giúp trẻ nhận ra giá trị lao động bằng tiền để ứng xử phù hợp với tiền. Lúc này, bố mẹ gợi ý cho trẻ một số việc làm có thể kiếm tiền như phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình vào cuối tuần, đánh văn bản giúp bố mẹ, tập tành kinh doanh nhỏ kiếm ít lợi nhuận như bán quần áo, dụng cụ học tập, làm đồ thủ công hoặc gom giấy vụn...

Khi phải thực sự làm việc để kiếm tiền, trẻ sẽ hiểu được giá trị của lao động và tiếc tiền nếu dùng nó vào việc đáp ứng các ham muốn vật chất không cần thiết. Thậm chí, trẻ còn tăng được nhiều kỹ năng như tự tin, tự lập, khả năng học tập… sau những việc làm đó.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đừng khuyến khích trẻ lao động bằng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO