Cảnh tượng chú rể dùng tay đánh mạnh vào phía sau đầu cô dâu khi cặp đôi đang đứng trên sân khấu của hôn trường khiến quan khách phải “đứng hình”.
Theo đó, trong một lễ cưới diễn ra ở quận Uzun thuộc vùng Surkhandarya của Uzbekistan, những người tham gia sự kiện đang vô cùng hứng khởi chứng kiến tân lang tân nương đứng trên sân khấu chơi trò chơi. Nhưng bất ngờ chú rể dùng tay đánh mạnh vào phía sau đầu cô dâu trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Diplomat đưa tin, hành vi bạo lực của chú rể sinh năm 1997 xuất phát từ việc anh ta bị thua trong trò chơi với cô dâu sinh năm 2003.
Sự việc bất ngờ khiến cả khán phòng bỗng chốc yên lặng. Cô dâu sau đó được 2 người phụ nữ hỗ trợ đưa xuống dưới sân khấu.
Chú rể bị cáo buộc tội côn đồ. Nhưng anh ta biện minh rằng, “Tôi đã không thể kiềm chế nên vung tay đánh. Chuyện này sẽ không tái diễn”.
Theo EUrasianet, một cuộc điều tra vào năm 2021 tại Uzbekistan cho thấy hơn 10% phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ không phản đối chuyện bạo lực trong gia đình.
Trên thực tế, bất chấp nhiều biện pháp được chính phủ thi hành, vấn nạn bạo hành phụ nữ vẫn vô cùng nhức nhối trong xã hội Uzbekistan, nơi nhận thức của người dân về bạo lực gia đình vẫn chưa được nâng cao.
Các nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ ở Uzbekistan cho hay nhiều người tin rằng phụ nữ là người “khiêu khích” hoặc “đáng bị đánh”. Và những phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình còn bị đổ lỗi. Nhiều người cho rằng cãi cọ giữa vợ chồng là chuyện thường tình, và những nạn nhân bị đánh hoàn toàn tự do để rời khỏi căn nhà đang sống chung với chồng.
Thậm chí, những cuộc thảo luận trên mạng xã hội về vấn nạn bạo lực nhằm vào phụ nữ và bé gái bao gồm tấn công tình dục cũng thường xuyên nhận về những lời bình luận sáo rỗng từ những cá nhân bao gồm đại diện chính quyền hay người đứng đầu các trường đại học công lập ở Uzbekistan, bởi họ đều có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân.
Điều đáng nói, các cấp giáo dục ở Uzbekistan cũng không lồng ghép vấn đề bạo lực giới, ngăn chặn bạo lực gia đình, và bảo vệ phụ nữ vào trong chương trình học.
Một yếu tố khác khiến vấn nạn bạo lực gia đình ở Uzbekistan không thể giải quyết là do tư tưởng gia trưởng và định kiến về giới đã ăn sâu vào tâm trí người dân nước này, kể cả trong giới quan chức như cảnh sát, công tố viên và thẩm phán.
Ngay cả truyền thông Uzbekistan cũng cho đăng tải những bài viết làm sâu sắc thêm nhận định phụ nữ và bé gái nên “bị kiểm soát”.
Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra văn hóa bạo lực và văn hóa miễn tội cho những kẻ bạo hành.
Các tổ chức phi chính phủ và nhiều nhà hoạt động ở Uzbekistan cho hay không ít vụ phạm tội bạo hành gia đình đã không được báo cáo. Bởi phụ nữ không dám tới đồn cảnh sát tố cáo do sợ bị trả thù, sợ xã hội kỳ thị, cùng sự phụ thuộc kinh tế vào người chồng hoặc sự thiếu hiểu biết về các quyền con người. Điều này dẫn tới rất ít thủ phạm bạo hành gia đình bị khởi tố và trừng phạt.
Cũng theo các nhà hoạt động, sự nhu nhược của chính phủ trong hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ đã khiến tỷ lệ tự tử trong phụ nữ và trẻ em Uzbekistan tăng đến mức báo động. Cụ thể, số vụ tự sát ở phụ nữ và bé gái Uzbekistan vào năm 2019 là 600, nhưng tới năm 2020 tăng lên 900.
Như trong giai đoạn dịch Covid-19 xuất hiện và chính phủ Uzbekistan thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn làn sóng lây lan, nguyên nhân chính dẫn tới hành vi tự sát ở phụ nữ và bé gái là do xích mích với các thành viên trong gia đình mà đặc biệt là với chồng hoặc mẹ chồng.
Thêm một yếu tố làm khắc sâu thêm vấn nạn bạo hành gia đình ở Uzbekistan chính là nạn tảo hôn. Dù Uzbekistan quy định bé gái 17 tuổi mới được kết hôn, nhưng chuyện lấy chồng sớm hơn tuổi quy định vẫn xảy ra phổ biến ở quốc gia này.
Việc cập nhật số liệu những trường hợp cô dâu nhí mới 15 – 16 tuổi đã lấy chồng cũng rất khó, do các cặp đôi không đi đăng ký kết hôn. Ngoài ra, các cặp vợ chồng sẽ chỉ tới cơ quan hành chính để đăng ký kết hôn khi cần làm giấy khai sinh cho con. Đặc biệt, tập tục đa thê vẫn diễn ra phổ biến ở Uzbekistan.
Minh Thu (lược dịch)