Chiều 31/5, Quốc hội thảo luận về Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi. Tại buổi họp, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH Long An) phân tích, có những hành vi bạo lực biểu hiện cụ thể, nhận thấy rõ, nhưng cũng có những hành vi mà 'chúng ta không nghĩ nó là hành vi nhưng lại gây ra khủng hoảng về tâm lý, tinh thần', đó cũng là bạo lực gia đình.
=Câu nói của nữ ĐBQH gây 'bão' mạng.
ĐB Phan Thị Mỹ Dung nhìn nhận: 'Khi về nhà, chồng im lặng suốt không nói gì, hoặc là không chê vợ nhưng suốt ngày cứ khen hàng xóm chu đáo, xinh đẹp, giàu có hoặc là giận cá chém thớt, tức là không hành động gì với người bị bạo hành cả nhưng cứ đánh chó, đánh mèo,... lâu dài cũng làm cho thành viên bị tác động sẽ bị khủng hoảng về tâm lý'.
Ý kiến của ĐB Phan Thị Mỹ Dung đã tạo làn sóng bàn luận trên mạng xã hội. Theo đó, một tài khoản cho rằng: 'Nói cho công bằng thì mỗi khi bị chị em khen đẹp giai, phong độ… tôi đều chắc chắn mình đang bị quấy rối. Cám ơn đại biểu!'.
Hay một ý kiến khác lại nêu: 'Chị em đồng nghiệp ở cơ quan thông cảm. Các chị hàng xóm hết sức thứ lỗi. Tôi không còn cách nào khác, đành phải nhắm mắt ngậm miệng giữ thân, vì đang cố phấn đấu thành người đàn ông không tì vết. Hơi tí là phạm tội thế này thì sợ lắm!'.
Bày tỏ về vấn đề này, dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu độc lập với nhiều năm gắn bó công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho rằng, luật càng chi tiết càng tốt, càng chứng tỏ những người làm luật muốn luật thực sự là công cụ hiệu quả để phòng ngửa và xử lý những hành vi sai trái.
'Việc các ĐBQH đưa ra nhiều ví dụ về hành vi bạo lực gia đình thì càng chứng tỏ họ quan tâm và có trách nhiệm đối với vấn đề này. Không nên giễu cợt họ. Báo chí cũng đừng trích một hai câu ra khỏi ngữ cảnh để câu view', TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Theo TS Khuất Thu Hồng, nếu quả thật vợ suốt ngày so sánh chồng với người khác bằng những lời miệt thị, coi thường, xúc phạm thì cũng là một hành vi bạo lực tinh thần. Còn chồng suốt ngày ngắm nghía cô hàng xóm rồi chê bai vợ, sỉ nhục vợ, ghẻ lạnh… thì cũng là bạo lực tinh thần.
'Mặt khác, liệt kê hành vi bao nhiêu cũng không đủ. Nên nhóm các dạng bạo lực thành các nhóm lớn: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế… và lấy ví dụ cho từng nhóm, thì hơn là liệt kê 18-19 hành vi, trông có vẻ dài nhưng vẫn chưa đủ', TS Khuất Thu Hồng góp ý.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng kiến nghị nên tập trung vào các giải pháp phòng ngừa và xử lý bạo lực gia đình.
'Bỏ hoà giải, buộc người bạo hành tạm thời đi khỏi nơi cư trú chứ không phải là nạn nhân phải đi lánh nạn. Tăng cường vai trò xử lý khẩn cấp cho công an. Cụ thể, công an phải là người ra lệnh cấm tiếp xúc chứ không phải UBND. Công an là nơi duy nhất nhận báo cáo về bạo lực chứ không phải 6-7 bên như hiện nay… Công an phải có mặt ngay để chặn đứng vụ bạo hành ngay lập tức, sau đó sẽ là vai trò của y tế, hội phụ nữ', TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Theo dự luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi, các hành vi được xem là bạo lực gia đình gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn hại về thể chất, tinh thần; bỏ mặc, không chăm sóc người cao tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ, người khuyết tật, bị bệnh.
Ngoài ra còn có hành vi không giáo dục trẻ; phân biệt giới tính thành viên gia đình khi phân chia tài sản thừa kế; miệt thị hình thể, giới tính; ngăn cản thành viên gia đình tham gia hoạt động xã hội; phát tán thông tin, hình ảnh riêng tư khi chưa được đồng ý; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung, trình diễn khiêu dâm, kích thích bạo lực...
Theo Infonet