Đừng để béo phì tấn công mùa dịch

ANH ĐÀO| 12/10/2021 18:11

Ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến nhiều các hoạt động thể thao bị đình chỉ, kèm với việc hạn chế ra ngoài, ít vận động đã khiến nhiều người tăng cân đột ngột, có thể dẫn tới béo phì.

200427_mexico_city_al_1032_83d5a40452dfe6f66e08b1b0736fe85a.fit_2000w.jpg
Khoảng 15% dân số Mexico béo phì do thói quen ăn uống không lành mạnh. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia, bệnh lý béo phì gây ra các rối loạn về chuyển hóa cũng như rối loạn chức năng của cơ thể và ảnh hưởng nặng nề đến những cơ quan khác như hô hấp, khớp, tim mạch...

Một thống kê mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy có hơn 50% trẻ em nội thành TP.HCM mắc chứng béo phì. Hiện đang mùa dịch, trẻ ở nhà, ít vận động, phụ huynh cân nhắc việc tẩm bổ cho con với quan niệm "ăn nhiều khỏe nhiều".

Hạn chế vận động

Chị N.D. (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết do ảnh hưởng của dịch, công việc bị trì hoãn nên phần lớn chị D. dành thời gian ở nhà. Để phòng chống dịch chị D. mua rất nhiều đồ ăn trữ sẵn, chủ yếu là đồ hộp. Thêm vào đó, do có tâm lý ăn nhiều để có sức đề kháng, nên việc ăn uống rất đầy đủ. Việc vận động cũng phải hạn chế do giãn cách xã hội.

"Tôi rất lo lắng về việc gần đây cân nặng tăng mất kiểm soát, lo ngại có thể bị béo phì bất cứ lúc nào", chị D. cho hay.

TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết cho biết theo một nghiên cứu phân tích dữ liệu gộp từ 75 nghiên cứu liên quan với hơn 300.000 người bệnh COVID19 tại 10 quốc gia ở châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ cho thấy người béo phì gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 và tăng nguy cơ mắc bệnh nặng.

Trong thời gian đại dịch và đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội, nguy cơ thừa cân béo phì gia tăng do nhiều nguyên nhân. Trước tiên là việc giảm thu nhập dẫn đến mất an ninh lương thực mức độ hộ gia đình.

Người dân có nguy cơ tăng tiêu thụ mì gói, thức ăn chế biến sẵn, giảm tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe như rau và trái cây. Việc thu gom và tích trữ thức ăn không phù hợp cũng "góp phần" làm gia tăng tình trạng béo phì.

Kế tiếp là làm việc tại nhà, giảm di chuyển, giảm tập thể dục dẫn đến giảm hoạt động thể lực, giảm tiêu hao năng lượng cũng là yếu tố chính dẫn đến béo phì.

Làm gì để cân bằng cơ thể?

1616426112398_resize_169.jpeg
Các loại thực phẩm chế biến sẵn ở Mexico phải dán nhãn cảnh báo cho người dùng. Ảnh: VICE.

Theo TS BS. Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, béo phì là tình trạng gia tăng và tích tụ quá mức lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng (mỡ xung quanh các cơ quan trong bụng). Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 23 kg/m2 tới dưới 25 kg/m2 được xếp vào nhóm thừa cân, từ 25 kg/m2 trở lên sẽ được xem là béo phì.

Bệnh lý béo phì gây ra các rối loạn về chuyển hóa cũng như rối loạn chức năng của cơ thể và ảnh hưởng nặng nề đến những cơ quan khác như hô hấp, khớp, tim mạch...

Điều đáng lo ngại chính là béo phì thường không có triệu chứng gây khó chịu, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc này họ đã có nhiều khả năng bị các bệnh lý như đột quỵ, bệnh mạch vành, mỡ máu… Tâm lý chủ quan khiến người bệnh không đi khám, làm quá trình chẩn đoán sớm và điều trị trở nên khó khăn.

TS BS. Trần Quang Nam chia sẻ, người bệnh béo phì được khuyến khích bắt đầu từ việc kiểm soát cân nặng bằng các phương pháp không dùng thuốc như điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học và vận động điều độ.

Các nguyên tắc chính của chế độ ăn bao gồm: ăn uống điều độ, chọn lựa thực phẩm lành mạnh, kiêng ăn các thực phẩm ngọt và giàu béo, ăn vừa đủ chất đạm và tinh bột, ưu tiên chọn thực phẩm giàu chất xơ.

Song song với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh béo phì có rối loạn đường huyết cũng cần lên kế hoạch tập luyện thể chất phù hợp. Trong quá trình giảm cân, tập luyện giúp bảo toàn khối cơ xương, giúp tăng cường sự trao đổi chất từ đó duy trì số cân đã giảm được thông qua giảm calo hấp thụ ở khẩu phần ăn.

Quá trình giảm cân được khuyến cáo nên thực hiện khoa học, an toàn và hợp lý để đảm bảo sức khỏe.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đừng để béo phì tấn công mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO