Tại hội thảo về SGK giáo dục phổ thông diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đang đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỷ đồng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện các trường cho học sinh mượn, số sách mượn sẽ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của học sinh, ở những năm sau tiếp tục bổ sung thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ đã giao bộ phận chuyên môn tính toán và đưa ra ba phương án, gồm trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, mua sách cho 70% nhu cầu và chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi phân tích, tính toán, Bộ đã lựa chọn phương án sẽ mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn, đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Nếu thực hiện, chính sách này sẽ giải quyết được những bức xúc về giá SGK. Bộ GD-ĐT dự kiến nếu được phê duyệt phương án này sẽ áp dụng từ năm học 2023-2024.
Về vấn đề này, cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Hà Nội cho rằng, đây là một chủ trương mang tính nhân văn, học sinh được hưởng lợi và giảm bớt gánh nặng chi phí học tập cho phụ huynh. Song, tại các đô thị lớn, phần lớn phụ huynh vẫn đủ điều kiện để trang bị SGK và các đồ dùng học tập thiết yếu cho con đến trường.
Đơn cử như tại Trường THCS Đống Đa, cô Hồng cho biết, gần như không có phụ huynh nào gặp khó khăn trong vấn đề chi phí mua SGK. “Qua rà soát, hàng năm chỉ có khoảng 10-20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn hơn được nhà trường tặng SGK để hỗ trợ và động viên các em cố gắng trong học tập, còn chưa có trường hợp nào gia đình khó khăn đến mức không có đủ khả năng mua được SGK cho các em. Như năm học 2021 -2022, toàn trường cũng chỉ có 1 học sinh ở với ông bà có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã tặng sách cho học sinh này”, cô Hồng nói.
Còn tại Trường THCS Hạ Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc mua SGK đưa vào thư viện để học sinh mượn không phải cách làm mới, từ vài chục năm trước, khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, học sinh đi học được mượn SGK từ nhà trường. Số sách này được mua từ ngân sách nhà nước.
Thời gian sau, lại có chính sách nhà trường cho thuê lại SGK, với cách làm này có thể tiết kiệm được tiền mua sách của học sinh, mỗi bộ sách thường khấu hao trong 4-5 năm. Trong giai đoạn hiện nay, chính sách này vẫn rất cần, song Bộ GD-ĐT cần khảo sát trên nhu cầu thực tế của từng địa phương, tránh kiểu đầu tư cào bằng, dàn trải gây lãng phí ngân sách.
“Chính sách này rất nên thực hiện tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Còn với các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng thì thực sự không cần thiết. Nhiều phụ huynh có điều kiện vẫn muốn mua cho con em mình một bộ sách riêng để học, thậm chí 2 bộ để học ở nhà và ở trường. Tại THCS Hạ Bằng, đa số phụ huynh làm công việc thuần nông, chỉ một bộ phận nhỏ phụ huynh trẻ đi làm tại các doanh nghiệp, nhưng việc trang bị cho con bộ SGK vẫn rất đơn giản.
Điều phụ huynh lo ngại hơn cả không phải giá SGK mà là tình trạng nhiều nơi bán sách kiểu “bia kèm lạc”. Nếu chỉ tính riêng SGK, giá mỗi bộ chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng nếu mua theo cả bộ sách tham khảo, sách bổ trợ thì số tiền có thể lên đến cả triệu đồng”, thầy Xuân nói.
Theo thầy Nguyễn Văn Xuân, để đảm bảo mọi học sinh đều có SGK khi đến trường, Trường THCS Hạ Bằng đã mua sẵn một số bộ SGK đưa vào thư viện, ưu tiên cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn dùng. Song số lượng học sinh có nhu cầu mượn là rất nhỏ. Cả trường chỉ cần khoảng 5-10 bộ, kinh phí mua sách này hoàn toàn nằm trong khả năng tự chi trả của nhà trường, chưa cần đến nguồn kinh phí quá lớn như Bộ GD-ĐT đưa ra.
Bên cạnh đó, thầy Xuân cũng băn khoăn việc mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh dùng qua các năm sẽ khó thực hiện khi triển khai 1 chương trình nhiều SGK, việc lựa chọn SGK của các trường qua các năm cũng sẽ có thay đổi.
Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc dùng ngân sách để mua SGK đưa vào thư viện trường học, điều quan trọng hơn cả, là các NXB cần thiết kế sách một cách tối ưu, hạn chế những phần cho phép học sinh điền đáp án trực tiếp vào SGK để mỗi cuốn sách có thể sử dụng nhiều lần, tiết kiệm kinh phí cho phụ huynh học sinh.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng cho rằng, cần có những khảo sát cụ thể về số lượng học sinh có nhu cầu đăng ký mượn SGK trong các nhà trường. Cùng một địa phương, một trường hay ngay trong một lớp cũng có những gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau. Nhiều người sẵn sàng mua 2 bộ SGK cho con học, nhưng với không ít gia đình việc mua cho con 1 bộ sách cũng là một vấn đề.
“Ở những vùng thuận lợi về kinh tế cũng vẫn có những học sinh khó khăn, có nhu cầu mượn SGK, nhưng ngược lại ở những nơi khó khăn, thì nhiều phụ huynh có điều kiện hơn cũng không muốn cho con em mình phải dùng sách cũ. Như vậy nếu trang bị SGK trong thư viện theo kiểu cào bằng mà không dựa trên thực tế sẽ rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí ngân sách, nơi thừa, nơi thiếu”, thầy Lâm nói.