Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch được tỉnh triển khai kịp thời như hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch; hỗ trợ nguồn nhân lực du lịch và hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; hỗ trợ phát triển tài nguyên, sản phẩm du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 cơ sở du lịch được hỗ trợ trực tiếp với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.
Thống kê 9 tháng năm 2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho thấy, toàn tỉnh đón hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch, bằng 119%% kế hoạch và bằng 164% so với kịch bản 9 tháng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại của hoạt động du lịch, tỉnh đã tích cực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn. Đặc biệt có cơ chế liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch với người dân sở tại, nâng cao các nhóm chỉ số về y tế, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong điều kiện bình thường mới.
Bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã trở thành thương hiệu của du lịch Yên Bái. Vài năm trở lại đây, loại hình du lịch mạo hiểm đang dần trở thành xu hướng phát triển mới cho du lịch Yên Bái như leo núi, dù lượn, chèo thuyền... Điều đó không chỉ hấp dẫn du khách mà còn thu hút các nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của tỉnh.
Từ lợi thế sẵn có, nhiều sản phẩm du lịch mới mang tầm cỡ quốc gia đã hình thành, thu hút đông đảo du khách về với Yên Bái như Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” được tổ chức tại danh thắng quốc gia ruộng bậc thang trên đèo Khau Phạ, Mù Cang Chải; Lễ hội Âm vang hồ Thác Bà, huyện Yên Bình; Lễ hội săn mây trên đỉnh Tà Xùa, huyện Trạm Tấu, Lễ hội Về miền Đất Ngọc, huyện Lục Yên…
Nhận thức rõ giá trị của thiên nhiên để phát triển du lịch, trong năm 2022, nhiều danh thắng tự nhiên nổi tiếng đã được tỉnh Yên Bái quy hoạch, bảo tồn, quản lý và hỗ trợ đầu tư hạ tầng. Điển hình như các Khu Bảo tồn Nà Hẩu, Khu Bảo tồn Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn; các đỉnh núi Tà Xùa, Lùng Cúng, Khau Phạ, Tà Chì Nhù...
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, để từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, du lịch tỉnh Yên Bái sẽ phát triển theo hướng xanh, bản sắc, hấp dẫn, chuyên nghiệp, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng khai thác thế mạnh là cảnh quan nguyên sơ, thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ của vùng núi cao. Đặc biệt hơn là khai thác không gian văn hóa truyền thống đa sắc, mang đậm bản sắc dân tộc của người vùng cao.
Tiếp đà phục hồi du lịch, Yên Bái đã xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa, kích cầu du lịch trên cơ sở phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mới đáp ứng xu hướng của thị trường; làm tốt việc nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dự báo, đánh giá nhu cầu thị trường; nhanh chóng hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc sắc của Yên Bái theo hướng chuyên nghiệp, bài bản.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết, để du lịch Yên Bái tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân về phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên du lịch; khai thác tốt hơn các giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có. Tỉnh nhanh chóng ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch và tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch trong, ngoài nước, phấn đấu đưa Yên Bái trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực Tây Bắc.
Tiến Khánh