Mới đây, một đoạn video được chia sẻ lên mạng xã hội Trung Quốc khiến nhiều phụ huynh phải giật mình. Trong video, một đứa trẻ liên tục lao vào đấm, đá mẹ mình. Còn người mẹ thì bất lực, mặc kệ con đánh, từ đầu đến cuối không có lấy một câu quát mắng, nhắc nhở. Biểu cảm của chị đầy cam chịu, dường như đã quen với hành động hỗn hào của con.
Đoạn video ngắn nhưng khiến các bậc cha mẹ không khỏi suy nghĩ. Rốt cuộc kiểu giáo dục gia đình nào lại tạo nên một đứa trẻ hư đến thế, dám lao vào đánh cả đấng sinh thành ra mình?
Bạo lực gia đình là một loại di truyền tâm lý
Trẻ học cách cư xử thô lỗ và la hét từ đâu? Đáp án là từ chính môi trường sống của trẻ. Có câu chuyện như này: Một người chồng thường xuyên bạo hành vợ trước mặt con trai. Cậu bé rất sợ bố, mỗi khi thấy bố nổi nóng liền vội vàng tìm chỗ trốn.
Khi trưởng thành, cậu kết hôn với cô gái mình yêu và tự nhủ sẽ không bao giờ vũ phu giống bố. Nhưng vì một số lý do, cậu không kiểm soát được cảm xúc cá nhân và bắt đầu ra tay đánh vợ. Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba,... và rồi đến cả trăm lần.
Những đứa trẻ từng trải qua bạo lực, tựa như có một hạt mầm đã gieo vào chúng. Hạt mầm đó lớn lên từng ngày và đến một lúc nào đó sẽ đâm xuyên qua cơ thể trẻ rồi nhảy vọt ra ngoài.
Nhà Tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Albert Bandura từng làm nhiều thi nghiệm về các hành vi bạo lực mắc phải ở trẻ em cũng khẳng định quan điểm này. Ông nhận thấy, trẻ chứng kiến, sống trong môi trường bạo lực hung hăng hơn nhiều so với những đứa trẻ khác.
Một khi người lớn sử dụng bạo lực trước mắt trẻ thì họ đang gián tiếp gửi đi thông điệp: Bạo lực được cho phép! Những đứa trẻ này đã quen với việc người lớn sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề, ngược đãi bạn đời nên dễ có xu hướng học theo thói xấu này. Và bạo lực dần lây lan qua các thế hệ.
Quá nuông chiều con cái cũng là nguyên nhân
Từng có trường hợp, một đứa trẻ vì vòi mẹ mua đồ chơi cho mà không được nên đã đá vào chân, giựt tóc mẹ, đòi mẹ phải mua đồ cho mình bằng được. Còn người mẹ cũng chẳng quát mắng, cứ liên tục dỗ dành con.
Bên cạnh việc sống trong môi trường bạo lực thì chính việc cha mẹ cưng nựng, chiều chuộng con quá đà cũng gây nên hậu quả tiêu cực. Lúc này, sự chiều chuộng thái quá đã trở thành đồng lõa với bạo lực!
Làm sao để tránh bi kịch con cái dám đánh cha mẹ?
Nguyên nhân sâu xa của hầu hết các bi kịch là do cha mẹ hiểu nhầm khái niệm về tình yêu thương. Họ cho rằng yêu thương là thỏa mãn vô điều kiện các đòi hỏi của con, khiến con chỉ quen với việc nhận mà không biết cho đi. Họ khiến con sống ích kỷ và không có năng lực chịu trách nhiệm, cũng như không biết yêu thương cha mẹ.
Cha mẹ là người tạo ra năng lực hành vi của con cái. Một đứa trẻ có biết đối mặt với thế giới bằng trái tim bao la yêu thương hay không, có biết ơn, hiểu được công lao khó nhọc của cha mẹ hay không, trước hết là do chính cách nuôi dạy của cha mẹ.
Vậy, cha mẹ phải làm gì?
1. Hãy cho con cảm thấy mình là "người có ích"
Một số cha mẹ thường phàn nàn con mình chẳng biết làm gì, chẳng giúp được gì. Nhưng đó cũng một phần do chính cách nuôi dạy sai lầm của cha mẹ. Không ít người tranh rửa bát với con vì sợ con làm vỡ bát, tránh lau nhà vì sợ con lau không sạch,...
Dần dần đứa trẻ trở nên "vô giá trị", không biết làm gì. Một khi đứa trẻ đã nghĩ rằng "mình không biết làm gì" thì nó sẽ mất đi sự nhiệt tình tham gia vào các công việc chung của gia đình và nảy sinh suy nghĩ "không việc gì mình phải làm".
Vậy nên, cha mẹ đừng tranh việc với con, cũng đừng lo này lo kia mà hãy để con được trải nghiệm, tự làm những công việc nhà. Điều này vừa giúp cha mẹ có quãng thời gian thảnh thơi, vừa giúp con rèn được tính tự lập, biết giúp đỡ mọi người.
2. Biết cách "tỏ ra yếu đuối" trước mặt con cái
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng, phải tỏ ra mình là "người khổng lồ" trước mặt con thì mới khiến con trở nên mạnh mẽ, dũng cảm. Thực tế không phải vậy.
Một người mẹ nó đi đang thái rau thì không may cắt phải ngón tay. Lúc này con gái 4 tuổi của cô đi qua và trông thấy. Có lẽ nhiều cha mẹ khác sẽ vội an ủi con "Mẹ không sao đâu" nhưng người mẹ này lại khác. Cô lập tức "cầu cứu" con: "Mẹ đau tay quá, con có thể giúp mẹ không?". Cô con gái giật mình, vội chạy vào phòng khách tìm bông băng và thuốc cho mẹ.
Thực chất, sự bộc lộ điểm yếu kịp thời của người mẹ chẳng những không khiến trở nên yếu đuối mà ngược lại còn khiến nó trở nên mạnh mẽ, dũng cảm hơn. Đồng thời nó cũng khơi dậy lòng nhân ái, đồng cảm ở đứa trẻ.
3. Cho trẻ cơ hội thể hiện tình yêu và lòng biết ơn
Trên thực tế, trẻ em đã bắt đầu cố gắng đáp lại tình yêu thương của cha mẹ khi còn rất nhỏ nhưng có thể, cha mẹ không nhận ra.
Chẳng hạn, khi trẻ đọc được một câu chuyện thú vị liền chạy ra đọc cho cha mẹ nghe. Hay khi học được một động tác dễ thương, trẻ hét toáng lên với cha mẹ: "Nhìn con này, nhìn con này". Hay khi trẻ vẽ một bức tranh nguệch ngoạc và tặng lại cho cha mẹ.
Những "điều nhỏ nhặt" này là cách trẻ em trả ơn tình yêu của cha mẹ theo cách mà chúng có thể nghĩ ra. Đứa trẻ vẫn biết quá ít về thế giới này, nhưng nó biết rằng sự tồn tại của bạn là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, cha mẹ không nên cảm thấy con mình thật phiền phức. Nếu cha mẹ ngắt lời một cách thô bạo hoặc không phản hồi con ngay lập tức thì chẳng khác nào đang phá hủy khả năng yêu thương của con.
Quan trọng hơn, cha mẹ không được có những hành vi bạo lực gia đình vì nó có thể dẫn đến những vòng xoáy bạo lực bất tận. Chỉ khi nào cha mẹ dập tắt được bạo lực, sống tôn trọng đối phương và con cái thì hạnh phúc gia đình mới có thể lâu bền.
Theo Phụ nữ Việt Nam