Nhiều cha mẹ cho rằng có những kĩ năng lớn lên rồi mới cần dạy, tuy nhiên lúc nhỏ là thời điểm tốt nhất để trẻ thấm nhuần những điều này. Khi lớn lên, tính cách của trẻ đã hình thành, ba mẹ có muốn uốn nắn cũng không dễ dàng gì.
Việc thiếu những kỹ năng xã hội sẽ gây cản trở cho tương lai của bé, dù con có xuất sắc trong quá trình học tập. Cha mẹ nào cũng muốn con vui vẻ, ngoan ngoãn. Bởi vậy, đứa trẻ được nuôi dưỡng 5 điều này từ nhỏ sẽ rất khác biệt so với bạn bè đồng trang lứa.
1. Trẻ hiểu được tính kỷ luật
Tính kỷ luật và tuân thủ là điều bé cần được học ngay từ nhỏ. Từ giờ giấc, ăn mặc, giao tiếp, tuân thủ các nội quy, báo cáo cũng được xem như một kỹ năng cần phải rèn luyện. Đối với các tổ chức lớn tính kỷ luật được đánh giá cao hơn tính linh hoạt vì tính kỷ luật giúp hạn chế rủi ro trong mọi công việc.
Ngoài ra, khả năng tự lập của con cũng nên được bố mẹ rèn giũa. Nhiều cha mẹ ngày nay xót con, sợ con vất vả nên việc gì cũng làm hết với phương châm "con chỉ việc học thôi, còn lại bố mẹ lo" nhưng thực chất điều này lại đang hại trẻ. Trẻ được rèn tính tự lập từ bé sẽ rất có ích cho việc học tập, tìm tòi, khám phá sau này.
2. Trẻ được dạy về kỹ năng tư duy, phản biện
Tự tin sẽ đem lại cho trẻ nhiều điều trong cuộc sống, và kỹ năng thuyết phục người khác cũng là một trong những yêu cầu cần phải rèn luyện.
Những đứa trẻ hiện nay vẫn duy trì lối học thụ động, ai bảo gì làm đó mà không có chính kiến, quan điểm riêng. Việc trẻ hay giơ tay phản bác, nêu ra lập luận được cho là rất tốt cho quá trình tư duy, tìm hiểu kiến thức. Bên cạnh đó, trẻ nên được dạy về kỹ năng thuyết trình, bảo vệ luận điểm, đưa ra lý lẽ thuyết phục cho bất kì một vấn đề nào đó.
3. Trẻ được trau dồi ngoại ngữ tốt
Chúng ta dành rất nhiều thời gian để học ngoại ngữ nhưng hiệu quả sử dụng trong công việc thấp, lý do là chúng ta học ngoại ngữ như là môn học chứ không sử dụng chúng như là công cụ, đặc biệt ngoại ngữ chuyên ngành cho công việc kém hiệu quả.
Hiện bố mẹ đang hướng trẻ chú trọng lấy các bằng tiếng Anh, học đi học lại các bài tập ngữ pháp nhưng lại bỏ quên kỹ năng giao tiếp. Thế nên xảy ra tình trạng, bài tập trẻ làm rất nhanh nhưng khi được yêu cầu nói chuyện cơ bản với người nước ngoài thì hay phát âm sai/ lúng túng/ không nghĩ ra từ...
4. Trẻ được học cách chấp nhận thất bại
Trẻ con thường không biết cảm giác của thất bại, mà chỉ biết cảm giác vui vẻ của sự chiến thắng. Điều này dễ làm trẻ hiểu rằng thất bại là thứ gì đó kinh khủng. Thực tế, thất bại là 1 phần của bất kì hoạt động nào, nó hoàn toàn có thể xảy ra cho dù bạn đã lên kế hoạch tốt nhất.
Làm sao để trẻ có thể đối mặt được với nó khi mà trước đây bạn không chuẩn bị cho trẻ hiểu về cảm giác này. Đứa trẻ giỏi là đứa trẻ hiểu được chiến thắng cũng như biết cách đối mặt với thất bại. Do đó, khi chơi cùng trẻ, đừng tạo các chiến thắng giả tạo, hoặc làm dễ chỉ để trẻ chiến thắng hoặc để trẻ vui. Nó không tạo ra 1 đứa trẻ giỏi, mà chỉ tạo ra 1 lớp trẻ hiếu thắng nhưng sợ thất bại.
Dạy trẻ chấp nhận thất bại cũng như biết thừa nhận sự yếu kém hay lỗi lầm của bản thân là cách giáo dục đúng đắn về công bằng.
5. Dạy trẻ yêu quý cơ thể và sức khỏe của bản thân
Một đứa trẻ lớn lên trong đùm bọc giống như nuôi những con cừu được vây quanh bởi 1 hàng rào, chúng rất thiếu các kỹ năng cần để tự chăm sóc bản thân vì chúng nghĩ rằng hàng rào có thể ngăn chúng khỏi mọi nguy hiểm. Những con cừu ỷ lại vào chiếc hàng rào, mà mất đi cảnh giác về các tiếng động nhỏ như tiếng bước chân của con sói. Nhưng, 1 ngày nào đó, hàng rào bị hỏng hay chẳng còn, thì chúng không thể nhận ra con sói đã đến bên cạnh.
Không ai biết trước 1 điều gì sẽ đến với trẻ và cha mẹ cũng không thể mãi là hàng rào vững chắc, chỉ có 1 điều quan trọng là trẻ phải luôn mạnh mẽ và có đủ kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Khi nhỏ, trẻ bị bệnh không có nghĩa là cứ nằm đó xem TV, Ipad để được chăm sóc mà thay vào đó cho trẻ có cơ hội vận động, vui chơi, tham gia tự chăm sóc bản thân mình như tự lấy nước uống, lấy cam mẹ gọt sẵn để ăn, tự báo cáo với mẹ khi thấy đỡ mệt,...
Nắm được 5 kỹ năng trên, trẻ lớn lên sẽ vững vàng, tự tin vào cuộc sống.
Theo Phụ nữ Việt Nam