Tăng sức mua cho nông sản Việt
Cú hích từ Covid-19 đã khiến nông sản Việt dần được phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Nông dân ngoài vai trò sản xuất, đã tận dụng các kênh truyền thông sẵn có để bán được sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, dần hiện thực hóa mô hình “từ nông trại đến bàn ăn". Tuy nhiên, mô hình này có duy trì lâu dài và phát triển bền vững không thì người nông dân rất cần một giải pháp toàn diện.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), từ những tháng đầu năm 2022, các Sở ban ngành liên quan tại các tỉnh thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn, Cần Thơ… đã ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ nông sản trên TMĐT.
Các doanh nghiệp hỗ trợ người nông dân tiêu thụ nông sản theo phương thức mới. (Ảnh minh họa) |
Vai trò của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là phối hợp để kết nối các tỉnh thành với những sàn TMĐT lớn tại Việt Nam. Ngoài nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, các cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại… cũng tự thân vận động "chào hàng trực tuyến” hoà cùng dòng chảy chung.
Nhờ nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, anh Đỗ Minh Thịnh, chủ nông trại Vitamin (Đà Lạt) đã gặt hái thành công. Tại số phát sóng thứ 3 thuộc chuỗi tọa đàm “Chỉ dẫn đỏ” với chủ đề “Cầu nối từ nông trại đến bàn ăn”, anh Thịnh cho biết đã đạt được kết quả bất ngờ khi chinh phục thành công giống dâu Bạch Tuyết. Ngoài việc nghiên cứu phát triển các loại nông sản hữu cơ, anh còn chủ động trong việc đảm bảo đầu ra bằng cách quảng bá, bán sản phẩm trên mạng xã hội và kết hợp với đơn vị vận chuyển đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Hỗ trợ người nông dân kết nối các kênh bán hàng trực tuyến
Hiện nay, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu như vận hành, logistics.
Các sàn TMĐT, doanh nghiệp chuyển phát đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con đẩy mạnh tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông sản. Chẳng hạn, hãng chuyển phát J&T Express đã đồng hành cùng nông dân Bắc Giang trong việc hướng dẫn trực tiếp cách livestream bán vải thiều trên mạng xã hội, hỗ trợ thu hái na bở cho người dân xã Liên Khê, góp phần tiêu thụ bưởi và sầu riêng cho các nhà vườn Nha Trang.
Theo ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express, với xu thế trực tuyến mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp chuyển phát nhanh, sàn TMĐT, người nông dân hay KOC (người tiêu dùng chủ chốt) đều giữ một vị trí cân bằng. Các doanh nghiệp phải cùng nhau đề xuất giải pháp toàn diện, chỉ dẫn cho người nông dân từ điểm A đến điểm B để việc giao thương của người bán trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một đơn vị.
Duy Vũ