Tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, bất chấp có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh khác... đã và đang là một bài toán đau đầu đối với lực lượng chức năng.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - Bộ Công an).
Hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều còn nhiều!
Đại tá có đánh giá thế nào về tình hình chấp hành luật an toàn giao thông hiện nay của người dân trên địa bàn Thủ đô, nhất là về hành vi vượt đèn đỏ?
- Có thể nói ý thức của người tham gia giao thông hiện nay đã được nâng lên, tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy rằng, một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.
Ví dụ như tình trạng người tham gia giao thông đi ngược chiều, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra còn phải kể đến hành vi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) vẫn còn nhiều.
Tình trạng vượt đèn đỏ xuất hiện tại TP Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác, thời gian chủ yếu là các buổi sáng sớm hoặc đêm, tại các nút giao, ngã ba, ngã tư không có lực lượng CSGT giám sát.
Các đối tượng vi phạm chủ yếu là mô tô và xe gắn máy. Đây cũng là một vấn đề rất đáng báo động, bởi tại các nút giao mà có hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, nếu người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ngay cả khi đèn tín hiệu chỉ nháy vàng liên tục, mặc dù các phương tiện giao thông được phép đi nhưng luật cũng yêu cầu người và phương tiện phải giảm tốc độ, phải chú ý quan sát và phải nhường đường cho người đi bộ.
Như vậy, tại các nút giao - nơi xảy ra xung đột giao thông, đòi hỏi người tham gia giao thông khi đi qua phải giảm tốc độ, chú ý quan sát và phải chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, của người chỉ huy giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường... để đảm bảo an toàn cho mình cũng như cho người tham gia giao thông khác.
Vượt đèn đỏ do tâm lý đám đông, ý thức người dân chưa cao
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng vượt đèn đỏ vẫn còn cao thưa Đại tá?
- Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng qua tính toán, chúng tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản là xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.
Có rất nhiều lý do mà trong quá trình xử lý, nắm bắt tâm lý của người vi phạm mà chúng tôi đã ghi nhận, đa số ý kiến cho rằng họ đi cố, khi họ thấy tín hiệu đèn vàng thì họ đã đi cố dẫn tới việc vượt đèn đỏ.
Một số khác cho rằng, do gần nhà nên họ cũng cố vượt đèn đỏ. Một số khác thì bao biện do họ không thấy CSGT nên theo thói quen họ đã vượt đèn đỏ.
Còn một nguyên nhân nữa đó là về tâm lý xã hội. Tức là, có nhiều người đến một nút giao nào đó, trong ý thức của người đó ban đầu có thể chưa có suy nghĩ vượt đèn đỏ, nhưng khi thấy những người xung quanh cùng vượt thì bản thân họ cũng bị tâm lý đám đông tác động, và người đó sẽ có thể vượt đèn đỏ.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận đó là lực lượng chức năng hiện nay còn mỏng. Chúng ta không thể bố trí CSGT vào kín tất cả các khung thời gian trong ngày được. Hơn nữa hệ thống giám sát giao thông hiện tại đang tập trung xử lý chủ yếu là đối tượng ô tô.
Ngoài ra, việc phạt nguội đối với đối tượng mô tô, xe máy còn hạn chế.
Bởi với ô tô, ngoài việc gửi thông báo phạt nguội về nơi cư trú thì theo quy định, CSGT còn gửi thông báo phạt nguội về hệ thống đăng kiểm, để có biện pháp xử lý khi tới thời hạn đăng kiểm, chủ phương tiện họ mang xe tới các trung tâm để đăng kiểm. Còn với mô tô thì vẫn chưa có những ràng buộc nhất định.
Hơn nữa, việc chấp hành, việc sang tên đổi chủ khi mua bán chuyển nhượng phương tiện cơ giới đường bộ cũng chưa được người dân chấp hành nghiêm túc. Bởi vậy, do nhiều yếu tố khác nhau đã dẫn đến tình trạng người tham gia giao thông vượt đèn đỏ.
Vậy theo ông, giải pháp nào để giảm thiểu tình trạng này?
- Trong năm 2023, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an thì lực lượng CSGT sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ xuyên suốt đó là: Xử phạt về vi phạm về nồng độ cồn; thứ hai là chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về vấn đề vi phạm luật an toàn giao thông, trong đó có xử lý kiên quyết về việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Chúng tôi nghĩ rằng, việc kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng chỉ là một trong những biện pháp mà chúng ta cần phải tiến hành một chuỗi tổng thể đó là, việc truyền thông, việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, để thay đổi hành vi của người dân, để họ nhận thức được việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, rủi ro khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, chúng ta cũng phải có sự đồng thuận lên án của toàn xã hội đối với hành vi này.
Tiếp đó, chúng ta cũng cần có những biện pháp tuyên truyền, xử lý trong các cơ sở Đảng, các cơ quan tổ chức... thì họ cũng cần có sự giáo dục tuyên truyền, xử lý với đảng viên, cán bộ công chức... khi người đó vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói chung, và không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông nói riêng.
Để từ đó có thể tạo được sự đồng thuận chung của toàn xã hội, trong việc chấp hành luật an toàn giao thông và chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu tại các nút giao.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường đầu tư việc lắp đặt hệ thống giám sát về giao thông tại các nút giao trọng điểm, để tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi vượt đèn đỏ.