Từ khoảng cuối tháng 10, các video livestream, phần lớn xuất phát từ người dùng nói tiếng Nga, thường xuyên xuất hiện cảnh streamer cầm những bát bọ, côn trùng lớn trong khi đang nói chuyện với người xem.
Tuy nhiên, có vẻ như phần lớn các streamer đều không thực sự ăn những con côn trùng này. Trong các video, họ chỉ liên tục dùng thìa xúc lên, đưa lại sát màn hình hay mặt mình, liếm qua nhưng không có cảnh quay cho vào miệng, theo Insider.
Dù vậy, các video livestream dạng này vẫn đang thành công thu hút người xem trên nền tảng TikTok, trở thành một trong những trào lưu khiến nhiều streamer tham gia để kiếm tiền.
Nhiều TokToker giả vờ ăn côn trùng trên sóng livestream để thu hút người xem. (Ảnh chụp từ màn hình video tài khoản @tiktokxamka, @slobnaz) |
Trên một số nền tảng mạng xã hội khác, nhiều người dùng Mỹ bày tỏ sự khó hiểu trước các video ăn côn trùng trên TikTok.
"Ai đó làm ơn nói cho tôi biết tại sao những tên hề này tự dưng ăn bọ, côn trùng được không?", "Tại sao tôi hay được gợi ý xem những video người khác cầm mấy bát giòi, sâu bọ hay các loại đồ ăn kinh khủng khác vậy" là nội dung nhiều bài đăng trên Twitter.
Một tài khoản có tên @oreo.tv còn làm video nhại lại những streamer giả vờ ăn côn trùng trên TikTok với động tác châm biếm, nhận được hơn 16 triệu lượt xem. "Họ làm tôi phát điên", chủ nhân tài khoản ngán ngẩm.
Bị ghét nhiều hơn được thích
Aki West (27 tuổi, Anh) bắt đầu chuyển sang sáng tạo nội dung trên TikTok sau khi mất việc ở sân bay do đại dịch. Anh cho biết bắt đầu muốn thử làm video với côn trùng, ấu trùng sau khi thấy chủ đề này nhận được lượt xem lớn trên nền tảng.
"Sốc thật, livestream của họ có tới 100.000 lượt xem. Vậy nên tôi muốn thử xem liệu có hiệu quả thật như vậy không".
Aki đặt mua online một ít ấu trùng từ cửa hàng bán đồ câu cá. Trong video, anh đổ ấu trùng vào hộp nhựa, giả vờ xúc lên như thể sắp ăn chúng.
"Lúc đầu tôi không nghĩ nó có hiệu quả nhưng lượt xem cứ nhanh chóng tăng lên, từ 1.000, 2.000 rồi 30.000. Tất nhiên, tôi không ăn số ấu trùng này, tôi chỉ muốn thử xem xu hướng này có hiệu quả hay không thôi".
Aki là một trong những người dùng kiếm tiền trên TikTok thông qua việc nhận các món quà tặng ảo từ người xem, sau đó có thể đổi thành tiền thật.
Chàng trai 27 tuổi cho biết dù bản thân không đề nghị đổi việc ăn ấu trùng lấy quà tặng, anh vẫn bị nhiều người xem chỉ trích.
"Tôi bị ghét rất nhiều. Họ nói tôi là kẻ lừa đảo, nhưng tôi chỉ đang thử một xu hướng mới thôi".
Đại diện của TikTok chưa phản hồi Insider về việc liệu những video dạng này có vi phạm chính sách nào hay không hoặc liệu người dùng có nên gạ gẫm nhận quà trong những video này hay không.
Theo nguyên tắc cộng đồng của TikTok, ứng dụng cấm nội dung "mô tả hoặc khuyến khích việc ăn các chất không thể tiêu thụ hoặc có thể dẫn đến tổn hại cơ thể".
Nếu thực sự ăn những loại côn trùng, ấu trùng trong các video, ví dụ như giòi, người dùng TikTok có thể bị ngộ độc, theo Medical News Today.
Nhiều nền tảng livestream vốn là nơi dung dưỡng nhiều trào lưu kỳ quái, thậm chí nguy hiểm chỉ để đổi lấy lượt xem. Ở Nga, có một thể loại livestream gọi là "phát sóng đánh đập", nơi các streamer không ngại sỉ nhục, xúc phạm hay thậm chí đánh bản thân và người khác để đổi lấy quà tặng.
Tháng 12/2020, bạn gái của một streamer người Nga đã qua đời sau khi bị nhốt ngoài ban công ngoài trời lạnh trong khi chỉ mặc đồ lót. Một streamer Trung Quốc cũng qua đời vào năm 2019 sau khi ăn phải bọ và tắc kè độc trong một buổi livestream.
(Nguồn: Zing News)