- Xin ông cho biết hiện nay đã có bao nhiêu nhà cung cấp và bao nhiêu loại kit-test đã được Bộ Y tế cấp số lưu hành?
Tính đến ngày 23.02.2022, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2, có 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).
Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 là các trang thiết bị y tế loại C, D nên khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định; các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế loại C, D theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
- Nhu cầu tự test COVID-19 của người dân tăng cao đột ngột, giá kit-test xét nghiệm từ những phố thuốc đến mạng xã hội ở các mức không thể kiểm soát. Bộ Y tế có các biện pháp cụ thể gì lúc này?
Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit-test nhanh SARS-CoV-2. Có thể thấy rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 của người dân tăng cao, nguyên nhân gây nhu cầu tăng do sau Tết người dân quay trở lại làm việc, đi du lịch, đi lễ hội hay như học sinh, sinh viên quay trở lại trường học,… Qua các kênh thông tin cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý. Để kịp thời có những biện pháp phù hợp, sáng hôm nay, ngày 23.02.2022, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2. Bộ Y tế nhận thấy cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp:
- Thứ nhất, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
- Thứ hai, hiện nay Bộ Y tế đã có các hướng dẫn rất cụ thể đối với các trường hợp nguy cơ (F1), các trường hợp bị nhiễm (F0). Các quy định này đều đã được công khai trên cổng thông tin điện tử. Chính vì vậy, đề nghị người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết, tránh việc mua và sử dụng kit-test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường. Trường hợp cần thiết, để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đề nghị người dân lưu ý khi mua và sử dụng các sản phẩm lưu hành trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng: thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
- Thứ ba, Bộ Y tế có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế; đồng thời phối hợp chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý.
- Thứ tư, để tăng cường các biện pháp nhằm ổn định giá kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 trên thị trường, Bộ Y tế sẽ phối hợp với cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan và các đơn vị liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra một số đơn vị về việc kê khai và công khai giá bán theo quy định để đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường.
- Kit-test nhanh SARS-CoV-2 cũng như thuốc điều trị COVI 19 là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế cấp phép, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng việc kinh doanh mặt hàng này rất hỗn loạn. Vậy có hướng dẫn quy định như thế nào những loại kit xét nghiệm được phép lưu hành?
Trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Đồng thời các đơn vị kinh doanh phải thực hiện công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế loại C, D theo quy định của Nghị định 98/2021/NĐ-CP. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai một số biện pháp chủ yếu:
- Làm việc với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét đưa kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Kịp thời đăng tải các thông tin, công khai giá, công khai kết quả trúng thầu.
- Đăng tải công khai các sản phẩm đã được cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu cũng như các sản phẩm bị thu hồi.
- Khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát quy trình để đẩy nhanh tiến độ cấp phép đảm bảo theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu.
- Tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan Thanh tra Y tế với với cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan và các đơn vị liên quan ở các cấp để kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực này, đảm bảo ổn định thị trường.