Dù Việt Nam sắp có vaccine sốt xuất huyết, người dân không nên chủ quan

Hà Lê| 17/05/2024 17:56

Vaccine ngừa sốt xuất huyết do Takeda sản xuất được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ ngày 15.5. Đây là vaccine ngừa sốt xuất huyết đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam. Dự kiến vaccine này sẽ có mặt tại một số trung tâm tiêm chủng trong nước bắt đầu từ tháng 9.2024. Mặc dù sắp có vaccine nhưng người dân không nên chủ quan với sốt xuất huyết.

Dù Việt Nam sắp có vaccine sốt xuất huyết, người dân không nên chủ quan
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Khánh Linh

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể bùng phát thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt bệnh nhân đã nhiễm virus rồi truyền sang cho người bình thường. Bệnh có 3 giai đoạn chính: sốt, nguy hiểm và phục hồi. Ở giai đoạn sốt (3-7 ngày), bệnh thường khó phân biệt với một số bệnh nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo, bệnh có thể có diễn biến đột ngột gây ra nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu. Do đó, có thể nói, việc bùng nổ số ca mắc sốt xuất huyết sẽ là một gánh nặng và thách thức lớn đối với ngành y tế và xã hội.

TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, Việt Nam lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 tuýp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 tuýp D2 chiếm 70,7%.

Phân bố theo thời gian trong năm cho thấy, trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tăng cao từ tuần 26 đến tuần 47 (từ tháng 7 đến tháng 11).

Sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Do đó, đây là bệnh phải tập trung phòng, chống số một.

Về giải pháp phòng chống sốt xuất huyết, theo TS Đức cần tiếp tục loại bỏ bọ gậy, tiêu diệt muỗi trưởng thành khi có ổ dịch nhỏ; Khoanh vùng, cách ly điều trị bệnh nhân, nhất là diệt véc tơ.

Cùng đó xây dựng đội ngũ cán bộ tình nguyện tuyên truyền hướng dẫn dân loại bỏ dụng cụ chứa nước; Tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, tổ chức phun diệt muỗi tại các ổ dịch, trong cơ sở y tế điều trị.

Liên quan đến muỗi đốt dẫn đến mắc sốt xuất huyết, nhiều người lo ngại nhóm máu O bị muỗi đốt nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết có rất nhiều thông tin cho rằng người nhóm máu O hoặc "thịt thơm" bị muỗi đốt nhiều hơn. Thông tin này là không có cơ sở khoa học chứng minh.

Lý giải về việc có người bị muỗi đốt nhiều hơn, TS Dũng cho rằng người bị muỗi đốt nhiều hơn có liên quan tới việc cơ thể tiết ra pheromone (chất dẫn dụ) thu hút muỗi. Cơ thể của một số người tiết ra một chất pheromone hấp dẫn cảm thụ muỗi cho nên người này thường bị muỗi đốt nhiều.

Cũng theo TS Dũng, bản thân muỗi cũng tiết ra pheromone để thu hút bạn tình. Trong tự nhiên, muỗi đực thường tiết ra pheromone để thu hút bạn tình (muỗi cái) đến giao phối. Nếu chúng ta quan sát vào buổi sáng hoặc chiều tối, chúng ta sẽ thấy những đoàn muỗi thường bay thành vòng tròn, đó chính là muỗi đực. Muỗi đực vừa bay vừa tiết ra pheromone để thu hút muỗi cái.

Để phòng chống triệt để sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là người dân cần loại trừ nơi sinh sống của bọ gậy: Vệ sinh môi trường trong và xung quanh nhà, lật úp các dụng cụ không cần thiết để tránh nước đọng vô tình thành ổ đẻ cho muỗi.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/suc-khoe/du-viet-nam-sap-co-vaccine-sot-xuat-huyet-nguoi-dan-khong-nen-chu-quan-1341281.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/suc-khoe/du-viet-nam-sap-co-vaccine-sot-xuat-huyet-nguoi-dan-khong-nen-chu-quan-1341281.ldo
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Dù Việt Nam sắp có vaccine sốt xuất huyết, người dân không nên chủ quan
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO