Trong số những chiếc du thuyền có chiều dài còn rộng hơn cả một sân bóng đá, trang bị bãi đỗ trực thăng và cả bể bơi, di chuyển khắp các cảng trên thế giới, không ít thuộc quyền sở hữu của các tỷ phú Nga. Thậm chí, những doanh nhân giàu nhất nước Nga còn là ông chủ của một vài chiếc siêu du thuyền thuộc hàng lớn nhất và đắt đỏ nhất thế giới.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, hàng loạt lệnh trừng phạt được Mỹ và các nước châu Âu ban hành nhằm vào nhiều công ty và cá nhân ở Nga, những người bị xem là có mối quan hệ mật thiết với ông chủ điện Kremlin.
Giới chức châu Âu khẳng định họ sẽ mạnh tay tịch thu tài sản của các cá nhân mà cụ thể là tỷ phú Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt. Những chiếc siêu du thuyền cũng nằm trong danh mục bị tịch thu.
Du thuyền Amore Vero được cho của tỷ phú Nga Igor Sechin. (Ảnh: CNN) |
Tranh cãi đã bùng nổ khi giới chức Pháp thông báo vào đêm ngày 2/3, họ đã tịch thu chiếc du thuyền Amore Vero được cho của tỷ phú Igor Sechin, ông chủ ngành dầu mỏ ở Nga và có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Putin. Tuy nhiên, công ty quản lý chiếc du thuyền đã lên tiếng khẳng định nó không thuộc sở hữu của tỷ phú Sechin.
Trong khi Nhà Trắng tuyên bố giới chức Đức đã tịch thu một chiếc du thuyền khác thuộc về nguời Nga ở Hamburg, nhưng giới chức địa phương lại phủ nhận không có một con tàu nào bị bắt giữ.
CNN dẫn thông tin trên trang web định vị hàng hải MarineTraffic cho thấy, hơn 12 chiếc du thuyền được báo cáo thuộc quyền sở hữu của các tỷ phú Nga đã di tản khắp nơi trên thế giới từ vùng biển Antigua tới các cảng ở Barcelona và Hamburg, cho tới các bãi san hô ở Maldives và Seychelles.
Trong một số trường hợp, du thuyền của các tỷ phú Nga đã ra khỏi cảng ngay sau khi quân đội Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ông William Courtney, cựu đại sứ Mỹ và hiện là CEO của Diễn đàn Các nhà lãnh đạo kinh doanh RAND, tổ chức có cả thành viên là nhà lãnh đạo Nga và phương Tây, cho rằng các lệnh trừng phạt và biện pháp tịch thu tài sản là nhằm “gây khó khăn thêm cho điện Kremlin nhằm thuyết phục các cá nhân có năng lực tham gia vào những hoạt động của nhà nước, đồng thời làm suy yếu sự kìm kẹp của điện Kremlin với các nhân vật tinh túy”.
Trong bài phát biểu vào tối đêm ngày 1/3, Tổng thống Biden khẳng định “Chúng tôi đang phối hợp với các đồng minh châu Âu để tìm kiếm và tịch thu các du thuyền, biệt thự sang trọng và chuyên cơ riêng. Chúng tôi sẽ tịch thu những tài sản có được từ nguồn thu lời bất chính”.
Sau đó, Bộ Tư Pháp Mỹ đã cho triển khai nhóm chuyên trách mang tên KleptoCapture để xác định, truy tìm và đóng băng tài sản của các cá nhân và công ty Nga.
Tứ tán khắp nơi
Theo các chuyên gia, việc xác định chủ nhân thực sự của các du thuyền là rất khó, bởi chúng được đăng ký theo tên của công ty quản lý hoặc tổ chức vỏ bọc nhằm che giấu danh tính thực sự của chủ sở hữu.
Ông Amber Vitale, cựu quan chức thuộc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, cho hay các lệnh trừng phạt của Mỹ thông thường chỉ ngăn cá nhân và công ty Mỹ làm ăn với những nhân vật bị áp đặt lệnh trừng phạt.
Điều này có nghĩa du thuyền của các tỷ phú Nga có thể không bị tịch thu, nếu như chúng đang hoạt động ở các vùng biển quốc tế, hoặc ở các nước không ban hành lệnh trừng phạt với Nga.
Vị trí neo đậu của các du thuyền thuộc sở hữu của giới tỷ phú Nga. (Ảnh: MarineTraffic.com) |
“Tuy nhiên, rất khó để hoạt động suốt một thời gian dài nếu như nhiều nước đồng minh cùng thi hành lệnh cấm vận. Các du thuyền cần được cập cảng, tiếp nhiên liệu, thủy thủ và thuyền trưởng cần nghỉ ngơi, tàu cần sửa chữa và nhập thêm nhu yếu phẩm. Nếu không thể tiếp cận những nhu cầu trên, du thuyền có thể biến thành con tàu bị mắc kẹt trên biển cần được giải cứu”, ông Vitale nói qua email.
Trong tuyên bố của giới chức Pháp, việc bắt giữ Amore Vero là do du thuyền bị nghi của tỷ phú Nga Sechin. Chiếc du thuyền cập cảng La Ciotat của Pháp vào ngày 3/1 để sửa chữa, nhưng “đã định ra khơi khẩn cấp khi còn chưa hoàn thành công tác sửa chữa” vào ngày 2/3, theo tuyên bố từ Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp. Ông Sechin là CEO của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft và bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU hồi đầu tuần này. Tập đoàn Rosneft cũng bị Mỹ ban hành lệnh trừng phạt vào năm 2014.
Nhưng công ty điều hành du thuyền Amore Vero đã phủ nhận tỷ phú Sechin là chủ sở hữu.
“Tôi muốn nói rằng ông Igor Sechin không phải là chủ sở hữu. Người chủ thực sự đang đi kiện lại quyết định tịch thu con tàu”, phát ngôn viên của Imperial Yachts, đơn vị quản lý du thuyền Amore Vero cho biết.
Các chuyên gia pháp lý nhận định giới tỷ phú Nga dường như đã chuyển giao các tài sản như du thuyền cho bạn bè hoặc gia đình, những người không có khả năng bị đưa vào diện trừng phạt để từ đó tránh tài sản bị tịch thu.
Bà Catherine Belton, tác giả một cuốn sách viết về Tổng thống Putin, nhận định cuộc chiến pháp lý về quyền sở hữu những chiếc du thuyền mà giới tỷ phú Nga sở hữu sẽ giống như trò chơi “mèo vờn chuột”.
Quay trở lại với trường hợp của du thuyền Amore Vero vốn được trang bị một phòng gym trên tàu cùng cơ sở làm đẹp và từng giành giải thưởng về thiết kế du thuyền, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp nói rằng Amore Vero hiện thuộc sở hữu của một công ty mà tỷ phú Nga Sechin làm “cổ đông chính”.
Ông Sechin đảm nhận cương vị CEO Rosneft, một trong những công ty có quy mô lớn nhất ở Nga, vào năm 2012.
Việc du thuyền Amore Vero bị tịch thu khiến các tỷ phú Nga hoảng sợ và cho di dời tài sản khỏi các cảng ở EU.
Du thuyền Dilbar. (Ảnh: CNN) |
Điển hình, Dilbar, một trong những chiếc du thuyền lớn nhất thế giới, được cho là của tỷ phú Nga Alisher Usmanov, đã có mặt ở cảng Hamburg của Đức vào cuối tháng 10/2021, theo dữ liệu của MarineTraffic.
Số phận của Dilbar hiện vẫn chưa rõ ràng. Tỷ phú Usmanov bị EU đưa vào danh sách trừng phạt hồi đầu tuần này. Forbes cho biết giới chức Đức đã tịch thu du thuyền Dilbar vốn có chiều dài 156 m và có thể chở theo 96 thành viên thủy thủ đoàn cùng 24 vị khách.
Bộ Tài chính Mỹ cũng đã ban hành lệnh trừng phạt với ông Usmanov vào ngày 3/3 và gọi du thuyền Dilbar là bằng chứng cho “lối sống xa hoa” của tỷ phú Nga.
Nhưng phát ngôn viên của cơ quan quản lý kinh tế Hamburg hôm 3/3 lại khẳng định, “không có chiếc du thuyền nào bị cơ quan chức năng hay hải quan tịch thu ở cảng Hamburg vào thời điểm hiện tại”.
Ngay cả các quan chức hải quan Đức cũng từ chối đưa ra lời bình luận. Công ty đóng tàu từng làm nhiệm vụ tân trang cho du thuyền Dilbar cũng không lên tiếng.
Dữ liệu được trang web MarineTraffic công bố đầu tuần này cũng đã xác định vị trí của một số du thuyền thuộc quyền sở hữu của giới tỷ phú Nga. Cụ thể, du thuyền Luna của tỷ phú Azerbaijan Farkhad Akhmedov, người từng dẫn dắt một công ty khí đốt tự nhiên của Nga, cũng đang neo đậu ở cảng Hamburg.
Tuy nhiên, ông Akhmedov không nằm trong danh sách các cá nhân bị Mỹ và EU trừng phạt liên quan tới cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Điều đáng nói, du thuyền Luna được trang bị công nghệ phát hiện tên lửa và các cửa kính đều có tính năng chống đạn.
Một số du thuyền khác của các tỷ phú Nga đã neo đậu ở một khu cảng tại Barcelona. Trong số này có Solaris được biết có mối liên hệ với tỷ phú Roman Abramovich, người thông báo bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea hôm 2/3 và dùng một phần tiền để lập quỹ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng từ chiến sự ở Ukraine. Tỷ phú Abramovich không phải chịu lệnh trừng phạt lần này.
Hay như du thuyền Galactica Super Nova của nhà điều hành công ty dầu mỏ Nga Lukoil là ông Vagit Alekperov đã rời Barcelona vào ngày 26/2 và di chuyển qua Địa Trung Hải để tới thị trấn Tivat của Montenegro trước khi đi về phía nam vào biển Adriatic. Ông Alekperov hiện không bị Mỹ và EU trừng phạt, nhưng công ty Lukoil vẫn đang phải thi hành lệnh trừng phạt mà Mỹ đã ban hành trong quá khứ.
Một số du thuyền có quan hệ với giới siêu giàu Nga lại đang có mặt ở vùng biển Caribbean như chiếc Eclipse của tỷ phú Abramovich và là một trong số những du thuyền cỡ lớn nhất thế giới gồm một bể bơi có thể chuyển đổi thành sàn nhảy. Hay như du thuyền Anna được cho của tỷ phú Dmitry Rybolovlev, người từng mua một căn biệt thự ở Florida của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Rybolovlev chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Cựu đại sứ Mỹ Courtney cho rằng các tỷ phú Nga đã đưa hầu hết tài sản cá nhân ra khỏi lãnh thổ Mỹ, sau khi 2 tỷ phú Nga phải hứng chịu lệnh trừng phạt vào năm 2018. Ngoài ra, các tỷ phú Nga cũng sẽ cố di dời các du thuyền ra khỏi lãnh thổ các nước Tây Âu để tránh bị tịch thu tài sản. Theo ông Courtney, du thuyền của các tỷ phú Nga có thể chọn điểm đến là những nước “ít có khả năng ban bố lệnh trừng phạt” như Trung Đông.
Tuy nhiên, khi chưa tính tới chuyện tranh cãi pháp lý, các du thuyền của tỷ phú và công ty Nga cũng đang đối mặt với mối đe dọa mới. Điển hình, một kỹ sư tàu thủy người Ukraine đã bị bắt giữ ở đảo Mallorca của Tây Ban Nha khi cố tình đánh chìm một chiếc du thuyền thuộc sở hữu của giám đốc điều hành công ty xuất khẩu quân sự Nga. Nguyên nhân là do người này phản đối cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Theo tờ Majorca Daily Bulletin, nói trước tòa án vào ngày 27/2, kỹ sư người Ukraine khẳng định, “Tôi không hối hận vì đã làm như vậy, và tôi sẽ còn làm thêm lần nữa”.
Minh Thu (lược dịch)