Một số thay đổi "sát sườn"
Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Dự thảo có một số nội dung sửa đổi liên quan đến: Sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đăng ký dự thi; trách nhiệm của thí sinh; hội đồng ra đề thi; in sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi; làm thủ tục dự thi cho thí sinh; ban làm phách bài thi tự luận và điểm ưu tiên.
Trong đó, đáng chú ý, Dự thảo quy định thí sinh sẽ không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm.
Đối với bài thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi. Trong trường hợp này, thí sinh phải nộp bài thi, kèm theo đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi.
Còn nếu thí sinh ra khỏi phòng thi sớm ở môn tự luận thì dự kiến sẽ vẫn phải lưu lại ở phòng chờ của khu vực thi trong thời gian còn lại của buổi thi. Đây cũng là điểm mới so với trước.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 còn có một số thay đổi mang tính kỹ thuật trong những quy định liên quan tới tổ chức đăng ký dự thi, coi thi, chấm thi.
Dự thảo quy định thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (quy định cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Như vậy so với quy chế cũ, dự thảo dự kiến bãi bỏ quy định cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị khác hỗ trợ.
Khó kiểm soát các thiết bị
Được biết quy định cho phép thí sinh mang các loại máy ghi âm, ghi hình có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem, không thể truyền, nhận được thông tin…, từng được đưa vào quy chế và gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.
Theo Bộ GD&ĐT, thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để giám sát, ghi nhận chứng cứ tiêu cực khi diễn ra thi và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý.
Tuy nhiên sau một thời gian triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét bỏ quy định này vì khó kiểm soát khi quản lý các thiết bị.
Cô Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đồng tình ủng hộ việc không cho học sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình cho dù không kết nối ra bên ngoài.
Cô Văn Liên Na cho rằng, nhiệm vụ của thí sinh trong phòng thi là tập trung cao độ và làm bài cho thật tốt. Còn việc mang máy ghi âm, ghi hình để giám sát minh bạch phòng thi không phải nhiệm vụ chính của các em.
Hơn nữa, việc mang thiết bị ghi hình vào phòng thi sẽ khiến các em dễ mất tập trung và ảnh hưởng đến kết quả bài thi.
Tại Hội nghị trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, nhiều ý kiến đề xuất bỏ quy định cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát sóng vào phòng thi.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định, thực tế các năm vừa qua, thí sinh lợi dụng quy định này của Bộ GD&ĐT để mang các thiết bị tinh vi vào phòng thi rất nhiều, vượt qua cả sự kiểm soát của cán bộ làm thi. Do đó, ông đề xuất Bộ bỏ quy định này để hạn chế gian lận.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lai Châu cũng cho hay, nếu thí sinh vào phòng thi chỉ tập trung vào làm bài, việc mang thiết bị ghi âm ghi hình vào là không cần thiết.
Cũng tại hội nghị này, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Bộ Công An (A05) cũng kiến nghị, tất cả các thiết bị ghi âm ghi hình đều không được mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2022.
Ông nêu dẫn chứng, các thiết bị như "camera cúc áo", "tai nghe hạt đậu" đều không có chức năng liên hệ trực tiếp với bên ngoài, mà phải qua thiết bị trung gian.
Nếu cho phép thí sinh mang thiết bị không kết nối vào, việc đánh giá thế nào là thiết bị có kết nối hay không kết nối sẽ rất khó khăn.
Được biết Dự thảo trên được đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi để ban hành và áp dụng ngay trong năm nay.