Đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì với một số đối tượng của quyền tác giả
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi của Uỷ ban Pháp luật do Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 103 điều của Luật Sở hữu trí tuệ (tăng 10 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2), có 12 điều chỉ sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đã đáp ứng được mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, bảo đảm chất lượng, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hiện có 2 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội. Đó là, về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trì; đồng thời đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng và một số đối tượng của quyền tác giả (chương trình máy tính); cần có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, nội dung này được chỉnh lý theo hướng đối với đề nghị mở rộng giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì với một số đối tượng của quyền tác giả, do tính đặc thù của đối tượng quyền tác giả, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, dự thảo Luật không mở rộng giao quyền đăng ký đối với một số đối tượng của quyền tác giả.
Đối với các chương trình, phần mềm máy tính gắn liền với các thiết bị, máy móc được bảo hộ dưới dạng sáng chế, thiết kế bố trí để vận hành các thiết bị, máy móc đó thì có thể áp dụng cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với sáng chế, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước.
Cần có quy định riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam.
Theo giải trình của Uỷ ban Pháp luật, việc quy định như dự thảo Luật nhằm đạt các mục tiêu: Các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước thì trước tiên các đối tượng này phải được khai thác để phục vụ lợi ích của đất nước, thực hiện các mục tiêu, chính sách của quốc gia và việc khai thác trong nước để người dân có thể tiếp cận, sử dụng; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và các tổ chức chủ trì để thương mại hóa, tạo ra nhiều giá trị kinh tế và cũng như các giá trị khác như gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp và cơ hội việc làm; đối với sáng chế mang hàm lượng công nghệ cao, có giá trị quan trọng thì việc "giữ lại" sáng chế ở trong nước còn mang ý nghĩa thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hợp tác khai thác hay nghiên cứu mở rộng; việc hạn chế chuyển nhượng không tác động tiêu cực đến quá trình thương mại hóa các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí, do trong trường hợp này thì chủ văn bằng bảo hộ vẫn có thể khai thác dưới hình thức chuyển giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện.
Về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, báo cáo của Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, nhất là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến Nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn. Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất về sự cần thiết bổ sung quy định này.
Bày tỏ đồng tình, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ kịp thời bổ sung nội dung trên vào dự thảo luật lần này vì vừa qua trên thực tế cũng có vấn đề phát sinh.
Đại biểu Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) phân tích, về sở hữu trí tuệ có thể áp dụng quy định chung như các tác phẩm văn học, nghệ thuật để điều chỉnh, nhưng theo đại biểu, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, được ghi trong Hiến pháp nên cần quy định riêng và được đối xử đặc biệt hơn.
Lê Sơn