Dư luận thế giới kỳ vọng gì sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung?

Thái Bình| 17/11/2021 20:31

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc các cuộc trao đổi giữa hai bên vào ngày 16/11, song theo nhiều nhận định, sự kiện kéo dài 3,5 giờ đồng hồ về cơ bản là chưa đủ để thu hẹp những bất đồng giữa hai siêu cường.

Lý giải nguyên nhân ít kỳ vọng đột phá sau hội đàm Mỹ-Trung
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các trợ lý hàng đầu của ông đã tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài hơn 3,5 giờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 16/11. (Nguồn: AP)

Nhiều quan điểm trái chiều

Truyền thông nhà nước Trung Quốc miêu tả hội nghị thượng đỉnh trực tuyếnMỹ-Trung bằng những từ ngữ như “thẳng thắn, có tính xây dựng, có ý nghĩa và đem lại thành quả”.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ nói rằng, cuộc thảo luận trực tuyến diễn ra dài hơn dự kiến và hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, từ Đài Loan, thương mại, cho đến Triều Tiên, Afghanistan và Iran.

Theo nhận định của Reuters, biên bản cuộc họp không cho thấy một trong hai bên có sự mềm mỏng về lập trường. Hãng thông tấn trên cũng cho rằng, rất khó để nhìn thấy những tác động mang tính quyết định từ cuộc hội đàm vừa qua.

Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, bình luận: “Có vẻ như hai bên đã trao đổi quan điểm về mọi thứ một cách công khai, song không công bố bất kỳ quyết định hay bước đi chính sách nào…

Cũng có thể sẽ có những nội dung được công bố trong những ngày tới, song nếu không, tất cả sẽ chỉ giống như việc nhắc lại các lập trường căn bản. Mỹ và Trung Quốc dường như nhất trí rằng, mối quan hệ cần một số ràng buộc và đảm bảo, cũng như sự ổn định, song hai bên vẫn chưa thể nhất trí về cách đạt được mục tiêu này”.

Chia sẻ với báo giới, nhà nghiên cứu trên nhấn mạnh: “Chúng tôi không kỳ vọng vào một bước đột phá”, đồng thời cho biết, mục tiêu Mỹ đặt ra cho những trao đổi này không cụ thể là xoa dịu căng thẳng và cũng không phải là những kết quả nào đó.

Đài RFI cho rằng, mặc dù có ít kỳ vọng vào sự đột phá, song cuộc hội đàm cho thấy hai bên không muốn leo thang căng thẳng một cách mất kiểm soát, ngay cả khi vẫn tồn tại nhiều bất đồng.

Daniel Russel, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society nhận định, hai nước Mỹ-Trung đã mất 10 tháng để triển khai cuộc hội đàm cấp cao dù chỉ diễn ra bằng hình thức trực tuyến, song trong tương lai, có thể sẽ có thêm những động thái khác.

Ông Daniel nêu rõ: “Đây không phải là hội nghị thượng đỉnh diễn ra một lần, mà là một trong chuỗi các cuộc thảo luận quan trọng có thể đưa quan hệ song phương đi theo lộ trình ổn định hơn trong khi cả hai vẫn cạnh tranh dữ dội…

Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu của quá trình vốn tồn tại rất nhiều vấn đề, đòi hỏi những giao thiệp thường xuyên hơn giữa hai nhà lãnh đạo”.

Về phần mình, Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng, cuộc thảo luận đã ổn định quan hệ Washington-Bắc Kinh trong ngắn hạn, song “những thách thức về cấu trúc trong mối quan hệ Mỹ-Trung chưa được giải quyết một cách thỏa đáng”.

Hội nghị trực tuyến và hơn thế nữa

Vài ngày trước khi bắt đầu cuộc họp trực tuyến, các nhà phân tích từng thảo luận về việc liệu có nên chờ đợi bất kỳ hành động cụ thể và nhượng bộ nào từ cả hai bên nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ thương mại, kinh tế và chính trị hay không.

Điều duy nhất có thể khẳng định ở thời điểm hiện tại là cả ông Biden và ông Tập Cận Bình đã bày tỏ quan điểm riêng về những vấn đề quan trọng nhất, trong đó, cạnh tranh là có thật, và hợp tác cũng khả thi ở nhiều khía cạnh.

Điều này có thể được lý giải thông qua việc phân tích nội dung 2 thông cáo chung do phía Trung Quốc và Mỹ công bố.

Phiên bản của Mỹ ngắn hơn, tập trung vào các vấn đề nhân quyền, duy trì một hệ thống thương mại quốc tế công bằng, cởi mở và tự do và trật tự quốc tế nói chung.

Còn thông cáo của phía Trung Quốc tập trung vào việc không nên chính trị hóa nền kinh tế và thương mại, về nhu cầu hợp tác trong việc chống lại đại dịch, về tầm quan trọng của chính sách không liên kết với các khối chính trị, về việc ngăn chặn sự lây lan của tư tưởng Chiến tranh Lạnh 2.0, về tính linh hoạt của khái niệm xã hội dân chủ.

Tựu chung lại, hai bản thông cáo chung phản ánh sự khác biệt giữa hai quốc gia trong cách hiểu về những vấn đề phát sinh cũng như trong cách tiếp cận và định hướng giải quyết.

Chuyên gia Yang Danzhi đến từ Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Tổng cục Hành chính Công Trung Quốc cho rằng, quá trình bình thường hóa quan hệ sẽ bắt đầu chính từ những vấn đề dễ đạt được sự đồng thuận nhất.

Tuy nhiên, về tổng thể, ông không mong đợi kết quả nhanh chóng, vì theo ông, quá nhiều mâu thuẫn đã được tích tụ.

Chuyên gia Yang nhận định: “Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nghiêm trọng kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống. Mỹ đang định vị quan hệ Washington-Bắc Kinh là mối quan hệ cạnh tranh chiến lược. Vì Mỹ thường coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược, nên khó có thể mong đợi một sự thay đổi chính sách triệt để.

Gần đây, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được nhận thức chung nhất định về vấn đề khí hậu. Chúng tôi mong muốn quan hệ hai nước ngày càng ấm áp và tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại dường như cả Washington và Bắc Kinh đều phải nỗ lực nhiều hơn nữa".

Theo chuyên gia Yang, Mỹ và Trung Quốc có thể bắt tay nhau giải quyết một số vấn đề từ dễ đến khó, chẳng hạn như khí hậu và môi trường, chống khủng bố và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác.

Theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông phương Tây, hai bên thừa nhận rằng, gặp gỡ dưới hình thức trực tuyến vẫn chưa đủ, mà Washington và Bắc Kinh cần có cuộc gặp trực tiếp để trao đổi sâu hơn về các vấn đề hiện có.

Igor Denisov, nhà nghiên cứu cấp cao làm việc Viện Nghiên cứu Quốc tế MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Nga thừa nhận, tiềm năng tích cực cho việc tiếp tục đối thoại ở cấp cao nhất vẫn chưa hoàn toàn khôi phục.

Ông nói: “Bất chấp tín hiệu tích cực từ hội nghị trực tuyến, khó có có khả năng chúng ta sẽ thấy một cuộc gặp trực tiếp giữa ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden trong tương lai gần”.

Dù thiếu những tiến bộ rõ ràng, một số nhà phân tích Trung Quốc tỏ ra khá lạc quan.

Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa Wang Huiyao nói rằng, cuộc họp đã gửi đi một "rất tín hiệu tích cực”.

Ông nói: “Tôi cho rằng sự kiện này sẽ ngăn chặn đà suy thoái của mối quan hệ song phương và ít nhiều ổn định quan hệ Mỹ-Trung”.

Wu Xinbo, Giám đốc Nghiên cứu các vấn đề Mỹ tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cho rằng, cuộc gặp đã tiếp nối xu hướng tích cực trong cải thiện quan hệ song phương sau cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình hồi tháng 9.

Chuyên gia này bình luận: “Tôi cho rằng, cả hai bên sẽ dồn sự quan tâm sang việc tăng cường hợp tác và quản lý hiệu quả hơn những khác biệt để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của những xung đột đối với mối quan hệ song phương”.

Global Times ngày 16/11 đăng bài bình luận cho rằng, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã phát đi tín hiệu tích cực và vấn đề then chốt là thực hiện tinh thần đồng thuận.

Bài viết có đoạn: “Cuộc họp phát đi thông điệp chiến lược rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ không tiếc công sức để cùng tồn tại hòa bình, và hai nước sẽ không quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh".

Theo ấn bản của Nhân dân Nhật báo, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ có những giao lưu kinh tế và xã hội rất mạnh mẽ. Điều này hoàn toàn khác với các mối quan hệ Mỹ-Liên Xô trong quá khứ.

Trung Quốc và Mỹ hiện đang đứng ở một ngã rẽ quan trọng: tiến tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay bắt đầu một kỷ nguyên mới của một mối quan hệ cường quốc?

Theo baoquocte.vn
https://baoquocte.vn/du-luan-the-gioi-ky-vong-gi-sau-hoi-nghi-thuong-dinh-truc-tuyen-my-trung-165157.html
Copy Link
https://baoquocte.vn/du-luan-the-gioi-ky-vong-gi-sau-hoi-nghi-thuong-dinh-truc-tuyen-my-trung-165157.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dư luận thế giới kỳ vọng gì sau Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO