Du lịch xanh là gì?
Theo Huffington Post, cô Anna Decam, Giám đốc chương trình môi trường của Liên minh Khách sạn Bền vững (Sustainable Hospitality Alliance) cho biết, du lịch xanh có thể duy trì sự phát triển bền vững hơn so với du lịch truyền thống, mục tiêu của nó là giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của con người đối với môi trường.
Cô Decam cho biết việc chuyển sang du lịch xanh có thể làm giảm lượng khí thải carbon, giảm lượng nước mà bạn sử dụng, rác thải bạn tạo ra, cũng như bất kỳ tác động nào đối với hệ sinh thái địa phương. Nó không chỉ giảm thiểu tác hại đối với môi trường mà còn tích cực thúc đẩy sự phồn thịnh của con người, địa phương và hành tinh.
Cô Rachel Dodds, Giáo sư và Chuyên gia Du lịch tại Đại học Toronto Metropolitan ở Canada cho biết, có nhiều thuật ngữ khác nhau để mô tả khái niệm này, ví dụ như du lịch xanh, du lịch tái tạo (regenerative travel) và du lịch bền vững (sustainable travel). Tuy tên gọi khác nhau nhưng thông điệp mà chúng truyền tải đều như nhau, đều là phương thức du lịch xem trọng việc bảo vệ môi trường.
Chuyên gia du lịch người Mỹ, ông Brian McMahon cho biết về mặt tổng quát, du lịch xanh có thể được xem là “du lịch có trách nhiệm” (responsible travel), nó cân nhắc đồng thời tới môi trường, cộng đồng địa phương, kinh tế và văn hóa du lịch.
Ông nói: “Tất cả chúng đều có mối liên hệ với nhau, vì vậy quý vị không thể chỉ bàn về một thứ trong đó mà bỏ qua những thứ khác. May mắn là xu hướng du lịch đang ngày càng chuyển dịch theo hướng này, giờ đây người ta thường thấy các khách sạn, hãng hàng không và đại lý du lịch thể hiện cam kết của họ đối với sự bền vững này một cách tự hào.”
Vì sao du lịch xanh đang trỗi dậy?
Cô Rebecca Benner, Phó giám đốc Nhóm khí hậu toàn cầu tại Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (The Nature Conservancy) cho biết, du lịch xanh đã xuất hiện dưới các loại hình thức khác nhau trong một thời gian rất dài, với các khu nghỉ dưỡng sinh thái (ecolodge) ngay từ những năm 1980.
Trong những năm gần đây, dư luận ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tác động của con người với thiên nhiên, vậy nên cô tin rằng du lịch xanh sẽ ngày càng phổ biến và được xem trọng.
Cô Decam nói rằng xã hội nhân loại đang phải đối mặt với một số thách thức to lớn, trong đó bao gồm việc tiêu thụ quá nhiều tài nguyên của Trái đất và hiệu ứng nhà kính. Ngành du lịch cũng không ngoại lệ, lượng khí thải carbon hàng năm từ ngành này chiếm khoảng 8% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Khi tác động của con người đối với môi trường ngày càng trở nên rõ ràng, các doanh nghiệp và cá nhân cũng đang dần thức tỉnh và hành động để bảo vệ các thế hệ tương lai.
Cô trích dẫn một ví dụ, báo cáo của công ty thương mại điện tử du lịch Booking.com vào năm 2023 cho thấy có 76% khách du lịch nói rằng họ muốn tham gia vào những chuyến du lịch bền vững hơn trong năm tới. So với năm trước, tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể.
Làm thế nào để tham gia du lịch xanh?
Cô Paula Espinoza, Giám đốc Sáng tạo của công ty du lịch Naya Traveler cho biết, trước tiên, bạn nên hiểu lý do tại sao bạn muốn tham gia vào du lịch xanh, đồng thời biến du lịch xanh thành giá trị quan của bạn, như thế bạn mới tiến hành nghiên cứu nó và thay đổi hành động của mình.
Cô Espinoza gợi ý rằng mọi người có thể mua Carbon Offset [*] để giảm thiểu lượng khí thải carbon không thể tránh được, chẳng hạn như khí thải do nhiên liệu sử dụng của phi cơ tạo ra.
Hãy cố gắng mang theo loại chai có thể tái sử dụng khi bạn đóng gói hành lý và mang theo túi mua hàng của riêng bạn khi đi mua sắm. Hãy nhớ tắt điều hòa hoặc các thiết bị điện tử khi bạn không sử dụng chúng. Nếu bạn thấy rác, hãy nhặt nó lên.
Khi bạn đi du lịch, hãy sử dụng các hệ thống giao thông công cộng, chọn các hoạt động có lượng khí thải carbon ít nhất, chẳng hạn như đi bộ đường dài, đi xe đạp và chèo thuyền kayak. Cần bảo đảm rằng cách bạn tương tác với động vật hoang dã là đúng đắn và có trách nhiệm.
Ngoài ra, khi chọn khách sạn cũng như trong các hoạt động, bạn nên ưu tiên những hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng và môi trường ở địa phương. Ví dụ: bạn có thể chọn một nhà hàng sử dụng nguyên liệu địa phương.
Cô Jan Louise Jones, điều phối viên quản trị dịch vụ ăn uống và du lịch tại Đại học New Haven tại Hoa Kỳ nói rằng dù là việc lớn hay nhỏ, chỉ cần bạn làm điều đó, nó đều sẽ mang lại sự khác biệt.
Cô đề nghị mọi người nên chọn các công ty du lịch lấy sứ mệnh và mục tiêu là phát triển bền vững, nỗ lực tái chế tài nguyên, sử dụng phương tiện giao thông ít khí thải carbon, tiêu dùng tại địa phương, đồng thời tương tác với người dân địa phương một cách tích cực và có ý nghĩa.
Cô Kelly Bricker, Giám đốc Trung tâm Du lịch Bền vững tại Đại học bang Arizona nói rằng: “Lời khuyên của tôi là, hãy thực sự nghĩ về những điểm đến mà chúng ta ghé thăm như những nơi mà chúng ta mong đợi các thế hệ tương lai sẽ ghé thăm.”
Cô kêu gọi du khách ủng hộ quyền sở hữu của địa phương, tôn trọng văn hóa của từng điểm đến và bảo vệ môi trường tự nhiên, như vậy mới có thể giúp mọi người có cuộc sống khỏe mạnh và hoàn mỹ hơn.
Chú thích của dịch giả: [*] Carbon Offsets được hiểu là sự đền bù Carbon. Có nghĩa là, các dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả hoặc tái sinh rừng tạo ra những tín chỉ Carbon (Carbon credits). Sau đó, các tín chỉ Carbon này sẽ được bán cho chính phủ các nước hoặc tổ chức/cá nhân có nhu cầu giảm dấu chân Carbon (Carbon footprint).