Nghiên cứu cho thấy rằng các chuyến bay quốc tế sẽ đạt 68% so với mức trước khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 82% vào năm 2023 và 97% vào năm 2024. Đến năm 2025, con số dự kiến sẽ đạt 101% so với năm 2019 tương đương khoảng 1,5 tỷ lượt di chuyển quốc tế.
Triển vọng từ Bắc Mỹ
Hannah Free, nhà phân tích du lịch và lữ hành tại GlobalData, cho biết Mỹ đã vươn lên trở thành thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới vào năm 2021.
Bắc Mỹ được đánh giá là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới vào năm 2021. Ảnh: Reuters
“Các chuyến du lịch nước ngoài từ Bắc Mỹ đã cho thấy sự cải thiện vào năm 2021 khi lượng khởi hành quốc tế tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào năm 2022, con số này được dự báo sẽ đạt 69% mức của năm 2019, trước khi phục hồi hoàn toàn. Đến năm 2024, Bắc Mỹ sẽ là khu vực đầu tiên trên thế giới cán mốc 102% so với của năm 2019", bà Free cho hay.
Sự phục hồi của châu Âu
Bên cạnh đó, tốc độ hồi phục ngành du lịch của châu Âu được đánh giá đang ngang bằng khu vực Bắc Mỹ. Trong năm 2022, du lịch nước ngoài ở châu lục này sẽ đạt 69% con số của năm 2019.
"Khi niềm tin du lịch được xây dựng lại, thị trường nội khối châu Âu dự kiến sẽ được hưởng lợi, được thúc đẩy bởi sở thích du lịch chặng ngắn", Hannah Free chia sẻ.
Du lịch châu Âu đang dần phục hồi nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: The Travel
Tuy nhiên, theo nữ chuyên gia, việc phục hồi du lịch cũng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như lạm phát, chi phí sinh hoạt gia tăng và xung đột ở Ukraine. "Đến năm 2025, lượng khởi hành quốc tế dự kiến là 98% so với mức của năm 2019. Về mặt địa lý, những xung đột hiện nay vẫn chưa lan ra ngoài biên giới Ukraine. Tuy nhiên, Nga là thị trường du lịch nước ngoài lớn thứ 5 thế giới vào năm 2019, trong khi Ukraine đứng thứ 12. Trong tương lai, số lượng các chuyến du lịch ra nước ngoài bị hạn chế từ các quốc gia này sẽ cản trở tới sự phục hồi du lịch chung của châu Âu", bà Free phân tích.
Trong khi đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ có phần tụt hậu so với Châu Âu và Bắc Mỹ. Dự kiến, lượng khởi hành đi từ khu vực này trong năm nay sẽ chỉ đạt 67% so với năm 2019, bởi lẽ việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại trong khu vực chậm hơn, đặc biệt ở Trung Quốc, thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất trong khu vực.
Châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới. Ảnh: Japan Times
Free cho biết: “Du lịch quốc tế toàn cầu đang hướng tới việc phục hồi trở lại mức trước đại dịch vào năm 2025. Tuy nhiên, giờ đây, nhu cầu du lịch của mọi người đang dần thay đổi. Người tiêu dùng thường chuộng những trải nghiệm đích thực, yêu cầu các dịch vụ du lịch được cá nhân hóa, kết hợp giữa du lịch kinh doanh và du lịch giải trí, đồng thời có ý thức hơn về các tác động tới môi trường. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt tới trạng thái bình thường. Tuy nhiên, tiềm năng phục hồi chậm nhất vào năm 2025 là lý do chính đáng để ngành du lịch và lữ hành lạc quan cho tương lai”.