Mở cửa trở lại sẽ diễn ra cực kỳ cẩn thận và từ từ
Nếu nhìn lại lịch sử ngành du lịch từ thế chiến II có thể thấy, hoạt động du lịch luôn bùng nổ mạnh mẽ sau các cuộc khủng hoảng. Điều tương tự sẽ xảy ra khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát hoặc cả thế giới học cách sống chung với nó, như cách chúng ta đang sống chung với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh cúm. Du lịch quốc tế đang bắt đầu hồi phục ở một số nơi trên thế giới và Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ.
Đảo ngọc Phú Quốc đang chuẩn bị mở cửa thí điểm đón du khách quốc tế có hộ chiếu vắc xin. Nếu tất cả các biện pháp đảm bảo sức khỏe và an toàn cũng như phòng chống dịch bệnh đều được tuân thủ nghiêm ngặt, đây có thể là bước khởi đầu tốt để dần tái thiết du lịch Việt Nam.
Nhằm đảm bảo an toàn khi mở cửa lại, toàn bộ người dân Phú Quốc phải được tiêm phòng đầy đủ và chỉ những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ mới được phép đến đây. Du khách phải xét nghiệm COVID-19 thường xuyên và chỉ lưu trú trong một số khu vực nhất định.
Phải đảm bảo rằng mọi du khách quốc tế tới Việt Nam phải đến từ các quốc gia nơi đại dịch đã được kiểm soát hoàn toàn. Một số thị trường quốc tế chính của Việt Nam, như Trung Quốc, hiện không cho phép người dân nước họ đi du lịch nước ngoài. Vì vậy, chúng ta sẽ đa dạng hóa đối tượng du khách quốc tế đến từ các nước châu Âu, đồng thời củng cố hơn nữa vị thế vượt trội của du lịch Việt tại các thị trường hiện có như Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phú Quốc là địa phương rất phù hợp để thí điểm mở cửa du lịch vì các khu vực đảo thường dễ kiểm soát hơn. Phú Quốc cũng có cơ sở hạ tầng y tế tốt và là điểm đến được du khách quốc tế ưa chuộng. Nếu kế hoạch thí điểm này thành công, từ giữa đến cuối năm sau, Việt Nam có thể thăm dò mở cửa cục bộ trở lại đối với một số địa phương và tỉnh thành khác.
Chắc chắn việc mở cửa trở lại sẽ diễn ra cực kỳ cẩn thận và từ từ. Và trước khi nghĩ đến việc mở cửa cho du khách quốc tế (trừ những địa điểm như Phú Quốc), chúng ta phải đảm bảo an toàn cho du lịch nội địa trước.
Bài học kinh nghiệm
Trước Phú Quốc, đảo Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia) đã mở cửa đón du khách quốc tế trở lại. Có bốn bài học kinh nghiệm chính có thể rút ra từ những nỗ lực ban đầu để thích ứng với “trạng thái du lịch bình thường mới” từ các địa phương này.
Thứ nhất, cần chuẩn bị đội ngũ nhân sự có trình độ và được đào tạo tốt trước khi mở cửa trở lại. Sau nhiều tháng ngừng làm việc, cần ưu tiên thu hút và giữ chân nhân sự có năng lực làm việc trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.
Thứ hai, đối thoại và hợp tác cởi mở cũng như trung thực giữa tất cả các bên liên quan trong ngành du lịch là vô cùng cần thiết. Các bên liên quan phải kể đến gồm chính phủ, các hãng hàng không, chủ sở hữu và người điều hành các khách sạn, các đại lý du lịch và công ty lữ hành, các ban cố vấn, và các đơn vị quảng bá du lịch. Toàn bộ những người này đều phải tham gia vào quá trình mở cửa lại ngay từ đầu và được phép đưa ra ý kiến của mình.
Thứ ba, các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung cho ngành khách sạn là vô cùng cần thiết, có thể dưới hình thức giảm thuế, trợ cấp tiền điện nước, giảm nợ và/hay hỗ trợ nhân viên.
Thứ tư, một điều cực kỳ quan trọng là dịch vụ logistics phải tốt, và chuỗi cung ứng du lịch và khách sạn không được gián đoạn, vì nguyên liệu, vật tư, thực phẩm và đồ uống, bộ đồ dùng trong các phòng lưu trú, … là những thứ thiết yếu để ngành khách sạn có thể hoạt động tối ưu. Thiếu chuỗi cung ứng chuẩn mạnh, bất kỳ nỗ lực mở cửa trở lại nào cũng sẽ gặp khó khăn.
Nhìn chung, chuẩn bị kỹ lưỡng, truyền thông đầy đủ và triển khai nghiêm túc sẽ là chìa khóa giúp việc mở cửa du lịch Việt Nam trở lại thành công. Tại thời điểm hiện tại, tốt hơn hết vẫn nên cẩn thận và chậm rãi mở cửa trở lại, thay vì vội vã để phải đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch mới và gây thêm áp lực cho hệ thống y tế.
Nếu chúng ta có thể đảm bảo phối hợp tốt giữa Chính phủ và tất cả các bên liên quan trong ngành, đồng thời áp dụng các biện pháp an toàn và sức khỏe cần thiết, tôi cho rằng năm 2022 sẽ là “ánh sáng cuối đường hầm” cho ngành du lịch Việt Nam.