Du lịch Đông Nam Á: Phục hồi cần đi cùng bền vững

Thanh Xuân| 05/09/2022 15:31

Sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa du lịch trở lại nhằm hồi phục tổn thất kinh tế nhưng điều này cũng có thể dẫn đến hệ luỵ với thiên nhiên nếu khai thác du lịch quá mức.

Du lịch Đông Nam Á: Phục hồi cần đi cùng bền vững
Khai thác du lịch quá mức có thể gây tác động không thể đảo ngược tới thiên nhiên. Ảnh minh hoạ: Rác thải trên bãi biển Kuta, Bali, Indonesia, ngày 19/12/2017. (Nguồn: Getty)

Mặc dù làm tê liệt ngành công nghiệp du lịch trị giá 393 tỷ USD của Đông Nam Á và khiến hàng triệu người mất việc làm, nhưng đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội cho các cảnh quan thiên nhiên cùng các di sản văn hóa được "nghỉ ngơi", phục hồi sau nhiều năm bị khai thác và ô nhiễm quá mức.

Một số địa phương trong khu vực Đông Nam Á đang thúc đẩy sự quay trở lại của du lịch không kiểm soát, điều mà các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều năm là sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường. Đồng thời, những người kinh doanh du lịch đang trông chờ để chào đón lượng du khách càng nhiều càng tốt.

Khi thiên nhiên được nghỉ ngơi

Theo bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành của Hiệp hội du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA), một tổ chức phi chính phủ ủng hộ du lịch bền vững, nền công nghiệp du lịch đang có xu hướng thay đổi. Ngày càng nhiều chính phủ và các doanh nghiệp quan tâm tìm kiếm các biện pháp để du lịch ít tàn phá thiên nhiên hơn.

Bên cạnh đó, bà Liz Ortiguera cũng lưu ý khi đại dịch qua đi, sự hồi sinh của hàng loạt loại hình du lịch có thể gây tổn hại đến sinh thái và cản trở du lịch bền vững.

Một tháng sau khi Thái Lan đóng cửa biên giới vào năm 2020, người ta nhìn thấy đàn cá nược, một trong những loài động vật biển có vú (cùng họ với cá heo) có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới, ở vùng nước nông ngoài khơi bờ biển phía Nam nước này.

Trong khi đó, rùa da (rùa luýt) đã thế chỗ cho khách du lịch ở Phuket những năm trước đó, và làm tổ trên các bãi biển với tốc độ khiến các nhà khoa học địa phương phải sửng sốt.

Bàn luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-archa nhấn mạnh: “Theo một cách nào đó, đại dịch là một cơ hội tuyệt vời cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi con người để cho thiên nhiên nghỉ ngơi”.

Năm 2020, Thái Lan lần đầu đóng cửa toàn bộ 155 công viên tự nhiên. Khi mở cửa trở lại vào tháng 7, Bộ trưởng Varawut đã yêu cầu mọi công viên sẽ phải đóng cửa ít nhất một tháng trong năm. Ông cũng cấm việc sử dụng các đồ nhựa dùng một lần trong công viên và khẳng định "sẽ không ngần ngại" đóng cửa dài hạn với bất kỳ điểm du lịch nào để du khách tàn phá thiên nhiên.

Tỏ ra không mấy lo ngại về sự phản đối có thể đến từ các doanh nghiệp, ông Varawut nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo tồn thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.

Du lịch Đông Nam Á: Phục hồi cần đi cùng bền vững
Philippines từng đóng cửa du lịch 6 tháng vào năm 2018 để bảo tồn thiên nhiên sau một thời gian quá tải. Ảnh minh hoạ: Cảnh sát tuần tra trên bãi biển ở đảo Boracay, Philippines ngày 26/4/2018. (Nguồn: Getty)

Bắt đầu lại với tốc độ từ từ...

Số lượng du khách tới Đông Nam Á hằng năm đã tăng gấp đôi từ năm 2010 tới 2019, đạt đỉnh ngay trước đại dịch với 137 triệu người. Sự tăng trưởng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục ít nhất cho đến năm 2030, phần lớn là do tầng lớp trung lưu trong khu vực đang gia tăng.

Ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ đã đầu tư lớn để chuẩn bị và thu lợi nhuận từ đối tượng du khách này.

Tuy nhiên, ông Steven Schipani, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết phần lớn cơ sở hạ tầng như sân bay, khách sạn, hệ thống thoát nước thải... vẫn y nguyên, trong khi số du khách không ngừng tăng.

Vị chuyên gia này cũng cảnh báo về áp lực rất lớn để đáp ứng công suất cao của các khu du lịch.

Năm 2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đóng cửa đảo cát trắng Boracay trong vòng 6 tháng do khai thác du lịch quá mức đã biến nơi này thành một nơi “tập kết rác”. Kể từ khi mở cửa trở lại, hòn đảo này đã áp dụng một số biện pháp hướng tới yếu tố bền vững mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Ông Nowie Potenciano, hiện đang điều hành một số nhà hàng và chuỗi khách sạn tại Boracay, rất vui khi lượng du khách tăng trở lại nhưng còn nhiều băn khoăn. Việc duy trì lượng khách mà không làm đảo lộn sự cân bằng mong manh của toàn bộ hòn đảo là mối quan tâm lớn của ông Potenciano cũng như các nhà chức trách.

Năm 2019, gần 40 triệu khách du lịch thăm Thái Lan, đặc biệt là vùng biển phía Nam nước này. Nghiên cứu cho thấy từ năm 2017-2019, có ít nhất 2 điểm du lịch ở phía Nam Thái Lan là bãi biển Patong và vịnh Maya thường xuyên vượt quá “công suất vận hành”, tức là vượt quá số lượng người mà một nơi có thể chứa để không gây tổn hại đến môi trường hoặc cộng đồng địa phương.

Thái Lan nổi tiếng về du lịch khi ngành này chiếm tới 11% GDP trước đại dịch. Giống như nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, "xứ sở nụ cười" thiếu các loại quy định về quy hoạch, sử dụng đất, cấp phép khách sạn, cho phép chính phủ quản lý hiệu quả tác động của du lịch...

Sau đại dịch, ông Thon Thamrongnawasawat, nhà khoa học hàng hải tại Đại học Kasetsart ở Bangkok (Thái Lan), tin rằng có lý do để lạc quan về một tương lai du lịch bền vững.

Ông Thon Thamrongnawasawat nói: “Khi bạn lái xe với tốc độ rất cao, rất khó để giảm tốc độ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch như ô tô dừng lại. Bây giờ chúng ta đang bắt đầu lại và chúng ta có thể đi một cách cẩn thận, từ từ”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Đông Nam Á: Phục hồi cần đi cùng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO