Điểm sáng hút khách trong khu vực
Ghi nhận của phóng viên tại các khu vực trọng điểm du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết như Hàm Tiến, Mũi Né, Hòn Rơm, Tiến Thành, Đồi Dương… cho thấy, hoạt động du lịch rất nhộn nhịp. Bên cạnh đó, tuyến du lịch đảo Phú Quý, Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ, các tour camping… thu hút nhiều khách du lịch. Đại diện một số cơ sở lưu trú tại khu vực Hàm Tiến cho biết, hiện nay, thị trường khách chính vẫn là khách nội địa. Cùng với các nhóm nhỏ gia đình, sinh viên, nhiều công ty, đơn vị đi theo tour với số lượng lớn, không chỉ tập trung vào những ngày cuối tuần mà cả các ngày trong tuần.
Các bãi biển công cộng thu hút đông du khách trong mùa hè này. Ảnh: Hồng Hiếu-TTXVN
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch của Bình Thuận đã có sự chuyển mình rõ nét. Nhiều dự án trọng điểm hoàn thiện, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, rút ngắn thời gian di chuyển. Điều này khiến đối tượng khách gia đình, nhóm khách nhỏ đi du lịch bằng xe cá nhân đã lựa chọn Bình Thuận là điểm đến. Chị Nguyễn Ngọc Trâm (đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, có cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, việc di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Phan Thiết đã được rút ngắn còn khoảng hơn 2 giờ. Bên cạnh đó, khí hậu, thiên nhiên, hải sản ngon và sự gần gũi, thân thiện của con người nơi đây là một điểm cộng để mọi người lựa chọn.
Số liệu từ Cục Thống kê Bình Thuận cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn diễn ra khá sôi động với lượng khách tăng mạnh. Đặc biệt, tháng 6/2023, bước vào mùa hè - cao điểm du lịch nội địa, Bình Thuận gây ấn tượng khi đón gần 830 nghìn lượt khách trong một tháng. Lũy kế trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đón 4,46 triệu lượt khách, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 66% kế hoạch năm). Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 133.000 lượt khách, tăng 5 lần so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 11.348 tỷ đồng, tăng 2,5 lần. Những con số này cho thấy tín hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch; đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của tỉnh.
Theo bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, bên cạnh các yếu tố lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, việc tỉnh đã và đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, tận dụng cơ hội từ tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết được khánh thành, đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển của du khách đến địa phương. Cùng với đó, việc tổ chức thành công Lễ khai mạc và các hoạt động, sự kiện của Năm Du lịch Quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" đã trở thành cơ hội lớn để du lịch địa phương trở thành điểm "hút khách" trong bản đồ du lịch miền Trung và cả nước.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, du lịch Bình Thuận đón tín hiệu vui khác khi lao động trong lĩnh vực này của địa phương đã trở lại và dần ổn định sau thời gian dài thiếu hụt nhân lực do ảnh hưởng từ COVID-19. Các cơ sở lưu trú đã phục hồi; đồng thời, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới và chú trọng đào tạo nâng cao nguồn nhân lực tại chỗ.
Giải pháp để "giữ chân" khách
Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2023 có tăng trưởng mạnh với 133 nghìn lượt người. Tuy nhiên, nếu so với năm 2019, lượng khách quốc tế giảm hơn 64%. Điều này cho thấy, sự phục hồi của ngành Du lịch chưa đồng đều. Việc thu hút khách quốc tế quay trở lại sau COVID-19 và những bất ổn về kinh tế, chính trị hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Bình Thuận đang có sức hút lớn đối với du khách trong nước nhờ các yếu tố "địa lợi, nhân hòa". Tuy nhiên, sự phát triển của các điểm đến mới từ các địa phương lân cận với sự đầu tư mạnh đã chia sẻ khá lớn thị phần khách của tỉnh. Đây là thách thức lớn cho điểm đến Bình Thuận trong việc "níu chân" các thị trường khách cũ cũng như thu hút thêm thị trường khách mới. Bên cạnh đó, một số yếu tố về vệ sinh môi trường, tình trạng rác thải, nước thải tại các khu du lịch, bãi biển và các khu dân cư, các điểm sinh hoạt công cộng… cũng là những vấn đề mà ngành Du lịch tỉnh phải đối mặt.
Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh yêu cầu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, nhiều kênh nhằm phát triển thị trường khách mới; đồng thời, khuyến khích, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng yêu cầu du khách của các thị trường tiềm năng, tạo đà phát triển cho các thị trường nhằm tăng lượng khách quốc tế đến tỉnh. Sở chú trọng xây dựng hình ảnh điểm đến "An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng", giữ vững thương hiệu du lịch Bình Thuận.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ du khách; tăng cường kết nối liên ngành, liên vùng, tạo ra chuỗi sản phẩm, dịch vụ vừa đa dạng, phong phú nhưng vẫn mang những nét đặc trưng riêng của từng vùng…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, các sở, ban, ngành cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai các dự án du lịch; kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực kinh tế để giữ vai trò định hướng, tạo đột phá phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường rà soát, triển khai có hiệu quả các quy hoạch, đề án, chính sách có liên quan trên lĩnh vực du lịch; trong đó có các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch...
Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu thu hút 6,7 triệu lượt khách; trong đó có hơn 220.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch là 15.900 tỷ đồng. Với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 "Bình Thuận - Hội tụ xanh" cùng các nỗ lực thu hút du khách, hy vọng du lịch Bình Thuận sẽ giữ vững đà tăng trưởng, thực hiện thành công quyết tâm phát triển du lịch xanh, bền vững, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hồng Hiếu