Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM

17/02/2023 11:07

Đủ kiểu kinh doanh từ cửa hàng, nhà hàng đến hàng rong mỗi ngày đều sử dụng kín mặt vỉa hè tại nhiều quận TPHCM. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 1

Cứ khoảng từ 16h đến đêm, vỉa hè xung quanh Trường đại học Sài Gòn (đường Nguyễn Trãi, phường 3, quận 5) lại bị những sạp hàng vây quanh, bán đủ thứ như quần áo, giày dép, đồ chơi, mũ bảo hiểm, phụ kiện thời trang...

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 2

"Nhìn giống khu chợ hơn là trường học", một người đi đường đang dừng đèn đỏ nói với phóng viên.

Những người bán hàng tận dụng mọi chỗ trống trên vỉa hè để bày đồ, kể cả cột đèn tín hiệu giao thông, tủ trạm điện, thậm chí dán trang trí cả cột điện để khiến vị trí bán hàng của họ trông bắt mắt hơn để thu hút khách mua.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 3

Theo quy định của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, mọi hoạt động phải đảm bảo chiều rộng vỉa hè tối thiểu 1,5m phục vụ cho người đi bộ. Nếu hè phố hiện hữu không đủ chiều rộng thì đơn vị quản lý phải có lộ trình thay thế để ưu tiên người đi bộ, trước khi tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

Do đó, với hiện trạng vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận 5) đã vi phạm nghiêm trọng quy định của thành phố. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán tràn lan này đã tồn tại hàng chục năm.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 4

Tình trạng từ hàng rong đến cửa hàng bày đồ tràn kín độ rộng vỉa hè kéo dài hơn 1 km dọc đường Nguyễn Trãi qua hai phường 2 và 3, hầu như không còn chỗ cho người đi bộ và xe máy đậu.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 5

Đây là tuyến đường hai làn xe ngược chiều, không rộng, khi khách dừng xe vào mua hàng thường phải để phương tiện dưới lòng đường, gây ảnh hưởng đến những xe lưu thông.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 6

Nằm song song tuyến đường Nguyễn Trãi kể trên, vỉa hè đường An Dương Vương (phường 3, quận 5) cũng bị vây kín bởi hàng quán rong, rõ nhất tại mặt trước cổng hai Trường Đại học Sư phạm và Đại học Sài Gòn đối diện nhau.

Đoạn vỉa hè này đã được lắp khung chắn ngăn xe đi lên vỉa hè, nhằm giữ an toàn, trật tự cho lượng lớn sinh viên thường đi bộ, nhưng không thể ngăn được hàng quán len lỏi bày bán.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 7

Khu mặt tiền đoạn đường An Dương Vương trên hầu hết là mặt bằng kinh doanh trong nhà lẫn hàng rong, vỉa hè cũng kiêm luôn bãi trông giữ xe cho khách.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 8

Dọc đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), dãy cửa hàng kinh doanh phụ liệu nhà cửa mành, màn, chiếu, thảm... tận dụng hết khoảng vỉa hè nhỏ. Một chủ cửa hàng thản nhiên nói rằng đường này chẳng mấy ai đi bộ và đường cũng rộng nên không nghĩ việc bày bán sẽ ảnh hưởng giao thông.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 9

Nói đến lấn chiếm vỉa hè không thể bỏ qua tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa kéo dài qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình. Các quán ăn, quán nhậu, quán cà phê san sát nhau kê bàn ghế cho khách ngồi kín vỉa hè.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 10

Diện tích khiêm tốn của vỉa hè dọc hai con đường ven kênh dành cho khách ngồi ăn uống, còn xe máy và ô tô của khách thường được quán bố trí trông giữ ở đoạn vỉa hè khác hoặc hẻm gần đó.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 11

Tại trung tâm quận 1, dọc đường Hải Triều đối diện tòa nhà Bitexco, nối vào phố đi bộ Nguyễn Huệ, có dãy quán phở thu hút nhiều người dân địa phương và khách du lịch đến ăn từ sáng đến đêm. Ngoài giờ hành chính, con đường này bình thường không quá nhiều phương tiện qua lại và ô tô dừng đỗ. Do đó, khoảng thời gian này nhất là buổi tối, các quán "tự tin" kê bàn ghế tràn xuống lòng đường mà không ngại ảnh hưởng giao thông.

Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM - 12

Bề mặt gạch vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng (quận 1) không còn đẹp như vài năm trước. Mỗi ngày đoạn đường này "gánh" loạt hàng quán cho khách ngồi tràn ra vỉa hè; làm nơi trông giữ xe máy, chỉ chừa một lối nhỏ để người đi bộ lọt qua; ô tô quay đầu, dừng đỗ lên vỉa hè... trong khi đường này kết nối với phố Nguyễn Huệ nên có rất nhiều người đi bộ.

Các hàng ăn, quán cà phê từ đắt tiền đến bình dân cho khách ngồi tràn ra vỉa hè, thậm chí lòng đường, chiếm không gian của người đi bộ là khung cảnh không lạ ở TPHCM, nhất là khu trung tâm.

Trong dự thảo thay thế Quyết định số 74 năm 2008 của UBND TPHCM, Sở Giao thông Vận tải TP liệt kê 10 hoạt động được xem xét sử dụng tạm thời một phần hè phố.

Nhóm được tạm dùng vỉa hè và đóng phí gồm 7 trường hợp:

- Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa.

- Vị trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu phí.

- Vị trí lắp các công trình tạm, trụ quảng cáo tạm.

- Nơi tổ chức hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội).

- Điểm trông giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa.

- Nơi trung chuyển vật liệu, phế thải phục vụ thi công của hộ gia đình.

- Điểm trông giữ xe có thu phí.

3 trường hợp được sử dụng tạm một phần lòng đường và đóng phí:

- Nơi tổ chức sự kiện văn hóa kèm trông giữ ô tô phục vụ sự kiện (có thu tiền sử dụng).

- Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị.

- Điểm trông, giữ xe có thu phí.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/du-kieu-ban-hang-bua-vay-via-he-o-tphcm-20230216160609766.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/du-kieu-ban-hang-bua-vay-via-he-o-tphcm-20230216160609766.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đủ kiểu bán hàng bủa vây vỉa hè ở TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO