Du khách Trung Quốc được chào đón nồng hậu ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Công ty tư vấn quản trị Oliver Wyman (Mỹ) tổ chức một cuộc khảo sát dành riêng giới trung lưu Trung Quốc (thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 4.000 USD) vào tháng 9-2023 và nhận thấy những con số báo động.
Cụ thể, số lượng du khách từng đi nước ngoài trước khi đại dịch bùng phát và lên kế hoạch tiếp tục du lịch vào năm 2023 đã giảm còn 54%, so với con số 62% trong cuộc khảo sát diễn ra vào tháng 6-2023.
Tỉ lệ người không có kế hoạch du lịch nước ngoài trong 3 năm tới tăng đáng kể, từ 6% lên 22%.
Số người có ý định du lịch quốc tế là 19%, trong khi số người không sẵn sàng xuất ngoại (do suy thoái kinh tế và tình hình chính trị) lên đến 32%.
Ngược lại, du khách vẫn dành nhiều ưu ái cho du lịch nội địa. 35% số người được hỏi cho biết họ chuộng ngao du trong nước và chỉ 14% không thích.
Nỗi bất an về kinh tế của tầng lớp trung lưu Trung Quốc còn được thể hiện qua cách họ chi tiêu cho những món xa xỉ.
Theo khảo sát về việc mua sắm hàng hiệu của Oliver Wyman dành cho những người tiêu dưới 40.000 nhân dân tệ (khoảng 5.500 USD) trong năm 2023, chỉ 16% số người tham gia cho biết họ sẵn sàng chi tiền cho đồ xa xỉ trong khi 30% cân nhắc cắt giảm.
Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu khởi sắc vào tháng 8 nhờ xu hướng du lịch mùa hè, kết hợp với nỗ lực kích thích tiêu dùng của chính phủ nước này. Tuần lễ vàng sắp tới sẽ là thử thách thực sự để chứng minh chính sách cải thiện nền kinh tế của Bắc Kinh thật sự có hiệu quả.
Tuần lễ vàng dùng để chỉ kỳ nghỉ Quốc khánh của Trung Quốc, kéo dài từ ngày 1-10 đến ngày 7-10 hằng năm. Đây là thời điểm du lịch bùng nổ ở quốc gia tỉ dân.
Dự kiến sẽ có khoảng 21 triệu khách đi máy bay trong Tuần lễ vàng khiến giá vé dịch vụ này tăng cao. Bên cạnh các địa điểm du lịch nội địa thì Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc là những lựa chọn hàng đầu của du khách Trung Quốc.