Thu nhập khủng từ kinh doanh sản phẩm ‘trend’
Từ giữa tháng 3 đến nay, kẹp tóc hoa sứ đang “khuynh đảo" mạng xã hội, đặc biệt trên nền tảng Tiktok, trở thành xu hướng thời trang của giới trẻ.
So với một chiếc cặp tóc hoa sứ chính hãng thương hiệu Emi Jay giá khoảng 400.000 đồng, những chiếc cặp tóc có mẫu mã tương tự gắn mác Việt Nam hay Trung Quốc có giá rất rẻ, chỉ từ 15.000-30.000 đồng nên hấp dẫn nhiều cô gái. Theo trend (trào lưu) mới này, trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), các cửa hàng bán ra tới hàng nghìn, thậm chí vài chục nghìn sản phẩm.
Thái Hương (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ, cô bán được gần 15.000 đơn hàng trên nền tảng Shopee và Tiktok, lợi nhuận thu về khoảng 80 triệu đồng/tháng. Ban đầu, Hương nhập sản phẩm về bán thông qua trung gian. Nhưng khi số lượng đơn hàng ngày càng lớn, cô tìm được một xưởng gia công lại, giá rẻ gần một nửa. Ngoài bán lẻ, Hương còn đổ sỉ cho khách hàng ở khắp các tỉnh.
Thu nhập này cao gấp hơn 4 lần so với công việc văn phòng của cô. Hương cho hay, ban đầu cô xác định việc bán hàng này chỉ để kiếm thêm, song lợi nhuận “khủng” thu được khiến cô nhận ra rằng sẽ rất lãng phí nếu không tận dụng khai thác. Do đó, Hương dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tìm hiểu sản phẩm, thị trường để tung ra nhiều mẫu mới.
Gấu bông Jellycat cũng đang là sản phẩm hot ở Việt Nam, được nhiều khách hàng quan tâm, tìm mua. Thấy có thể thu lời cao, Thu Thảo (24 tuổi, sống tại Australia) đăng bán sản phẩm này lên tài khoản Tiktok của mình. Khách đặt hàng, Thảo sẽ đi mua và gửi về Việt Nam.
Cô ước tính, lượng gấu Jellycat đầu tiên bán vào tháng 10/2023 chỉ từ 50-70 sản phẩm/tháng. Tuy nhiên, khi độ nóng của sản phẩm ngày càng tăng, Thảo bán được từ 300-500 sản phẩm/tháng. Thảo tiết lộ, lợi nhuận thu được cũng kha khá, đủ tiền trang trải sinh hoạt phí của mình ở Australia.
Ngoài việc bán hàng theo “trend", cũng có người bán hàng bằng cách tự tạo “trend". Thái Duy (32 tuổi) - người có 7 năm kinh nghiệm bán hàng trên các sàn TMĐT - cho hay, kinh doanh theo “trend" chưa đủ mà muốn kinh doanh lâu dài đôi khi phải biết tự tạo “trend" cho người khác bắt.
Duy và đội ngũ của anh thường xuyên tìm kiếm sản phẩm ở nước ngoài, nhất là tại Trung Quốc, từ đó nghiên cứu xem có phù hợp với nhu cầu của khách hàng Việt Nam không trước khi thử nghiệm ở thị trường trong nước.
“Yếu tố quan trọng nhất là sản phẩm đó tôi phải là người đầu tiên kinh doanh tại thị trường Việt Nam, khi ấy sản phẩm mới có cơ hội bán được nhiều hàng và trở thành người đầu tiên tạo trend", anh Duy nói.
Nhờ việc tiên phong tạo “trend", Thái Duy cùng cộng sự của anh liên tục có những sản phẩm tiên phong trên thị trường. Điển hình như máy làm sữa hạt, mặc dù không còn xa lạ với khách hàng nhưng để mua được một sản phẩm tốt với giá phải chăng thì không dễ. Vì vậy, anh đã trực tiếp tìm hiểu, đưa ra một dòng máy làm sữa hạt có giá chỉ từ 900.000 đồng mà chất lượng tốt, bảo hành 1 năm.
Tận dụng sức mạnh của kênh bán hàng online, Duy hợp tác với nhiều KOL/KOC có tiếng quảng cáo sản phẩm, tiếp thị. Kết quả nhiều người biết đến, số lượng bán ra rất lớn, giúp anh thu về lợi nhuận 3-6 tỷ đồng/tháng.
‘Đu’ theo trend không khó nhưng rủi ro lớn
Thế nhưng, không phải ai đu “trend” cũng thành công. Ngọc Sơn, chủ một cửa hàng trà sữa ở Hà Nội, gặp thất bại khi cố bắt trend bán bánh đồng xu Hàn Quốc.
Anh kể, thấy hình ảnh khách rồng rắn xếp hàng mua bánh, anh cũng bỏ tiền mua máy làm bánh, mua dụng cụ và đi học công thức. Thế nhưng, khi anh vừa mở bán được 1 tháng thì lượng khách giảm đáng kể, vì trend bánh đồng xu hết "hot".
“Tôi phải thanh lý 2 máy làm bánh giá chỉ 1 triệu đồng, lỗ gần 4 triệu”, Sơn cho hay.
Hoàng An (25 tuổi) cũng lỗ gần 100 triệu đồng khi lựa chọn kinh doanh sản phẩm “trend". Ban đầu, anh bỏ ra số vốn nhỏ khoảng 20 triệu đồng, thu nhập khá trong 3 tháng đầu tiên. Nhận thấy cơ hội tốt đến, anh quyết định dồn hết số tiền tiết kiệm được để nhập đơn hàng lớn, hy vọng giá sản phẩm thấp thì sẽ lãi nhiều.
Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 tháng, sản phẩm trở nên ế ẩm, có những ngày chỉ vài người mua. An buộc phải thanh lý hàng với giá bèo, chưa bằng 1/3 giá nhập.
Trên thực tế, chỉ cần một mặt hàng hot xuất hiện, hàng trăm hàng nghìn người lập tức ăn theo. “Trăm hoa đua nở”, số lượng người bán tăng chóng mặt mà người mua thì ít. Trong khi khách mua hàng theo “trend" đa phần là bởi tò mò, thử một lần rồi bỏ. Vì thế, không ít hàng quán vắng vẻ, thậm chí là phải thanh lý máy móc, đóng cửa sớm khi chưa kịp thấy lãi.
Không chỉ những sản phẩm “trend" bán trên các sàn TMĐT mới đối mặt tình trạng “sớm nở tối tàn" mà ngay cả những mô hình kinh doanh trực tiếp cũng gặp rủi ro này. Điển hình như trào lưu bánh đồng xu, trà chanh giã tay, trà sữa nướng Vân Nam, lạp xưởng nướng đá,... vốn “làm mưa, làm gió” một thời gian, giờ cũng dần tắt lịm.
Chính vì vậy, nhiều sản phẩm “trend" dễ nổi mà cũng sớm tàn bởi mức độ quay vòng sản phẩm rất khó, sản phẩm vừa mới “hot" chưa kịp trải nghiệm thì đã có sản phẩm mới ra đời. Điều này đặt ra cho nhiều người bán hàng phải liên tục tìm kiếm khách hàng mới, làm sao để thu hồi vốn tạo ra lãi trước khi sản phẩm “out trend".
Với kinh nghiệm 5 năm kinh doanh trên sàn TMĐT, Diệu Linh nhận xét, 2 năm trở lại đây kinh doanh trên sàn TMĐT trở nên vô cùng khốc liệt bởi mức độ cạnh tranh rất lớn và các sàn ngày càng thắt chặt quản lý người bán hàng.
Việc bán hàng không đơn giản chỉ là việc chụp hình sản phẩm, đăng bài, chạy quảng cáo rồi chờ người mua hàng mà cần phải liên tục đổi mới sáng tạo, bán hàng thông qua câu chuyện, thông qua thương hiệu cá nhân mình tạo dựng,...
Linh cho rằng, để tìm được “trend" và cập nhật kịp thời, phải liên tục "nằm vùng" ở nhiều trang mạng xã hội trong và ngoài nước để có thể tìm hiểu được xu hướng, sở thích, hành vi của khách hàng, thậm chí chính mình phải tạo được “trend" cho khách hàng.