Trước đây, anh Quách Vũ Đăng (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), chỉ cần làm việc khoảng 5 tiếng/ngày đã có thể kiếm được từ 200.000-250.000 đồng, khoảng 40.000 đồng/giờ.
Song, trong 3 tuần gần đây, mỗi giờ anh Đăng chỉ kiếm được khoảng 25.000 - 30.000 đồng. Đỉnh điểm, nhiều đồng nghiệp của anh còn phản ánh có nhiều ngày chỉ kiếm được hơn 20.000 đồng/giờ, thu nhập giảm 50%.
"Đôi khi ngồi rất lâu, tầm 1 đến 2 tiếng vẫn không có cuốc xe nào. Có những ngày chạy hơn 8 tiếng, chỉ kiếm được khoảng 150.000 đồng. Số tiền này chỉ mới trừ phí trên ứng dụng thôi, chưa kể xăng, dầu, bảo dưỡng và các chi phí phát sinh khác", anh Đăng bộc bạch.
Làm tài xế xe ôm công nghệ từ tháng 7/2022, Đăng đã từng hi vọng công việc này sẽ cải thiện đời sống của mình nhưng giờ thực tế đã thay đổi.
TS. Huỳnh Thanh Điền (Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM) cho biết, đối với những tài xế công nghệ làm việc bán thời gian, việc ế cuốc là chuyện bình thường.
Tuy vậy, theo TS Điền, không phải ai cũng bị ế cuốc. Những người làm việc xuyên suốt, toàn thời gian vẫn nhận được cuốc chạy cả ngày. Nguyên nhân là do hệ thống xe ôm công nghệ đã có lập trình sẵn, thường sẽ ưu tiên đơn hàng cho những tài xế hoạt động xuyên suốt.
"Làm bất kỳ công việc gì cũng nên hoạt động xuyên suốt, còn không thì hãy chọn một công việc khác, nguyên tắc là như vậy. Rảnh thì chạy, không rảnh thì thôi sẽ rất khó cho tài xế xe ôm công nghệ bám trụ với nghề", ông Điền nói.
Không những vậy, công việc này vốn không cần tay nghề, ai cũng làm được nên lượng tài xế ngày càng tăng khiến cho cung vượt quá cầu. Thời điểm này, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh, cung và cầu sẽ tự cân bằng nhau. Từ đó, ông Điền dự đoán sẽ không còn nhiều người theo nghề tài xế xe ôm công nghệ nữa, nguồn lao động sẽ được "trả" lại cho những ngành nghề khác.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, công việc có ổn định hay không còn phụ thuộc vào thu nhập của từng người. Theo đó, nếu lao động đã có tay nghề thì nên tập trung làm đúng chuyên môn, không nên cố làm hai việc cùng lúc thì mới tối ưu được hiệu quả công việc và thu nhập.
Không những vậy, tài xế xe ôm công nghệ cũng không có bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp chi trả, nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về sức khỏe, tai nạn giao thông khi hành nghề.
"Ví dụ như đã làm công nhân, ngoài giờ thì nên nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Làm công nhân 8 tiếng/ngày, tối còn chạy xe ôm thì không đáng. Vì làm việc không thường xuyên, bản thân người lao động cũng không có cuốc chạy nhiều mà còn ảnh hưởng sức khỏe, thời gian", ông Điền cho hay.
Ông Điền nhấn mạnh, không nên xem công việc lái xe ôm công nghệ là một nghề, bởi nó chỉ như "phao cứu sinh" khi lao động chưa có tay nghề hoặc đang không biết làm gì. Công việc này chỉ có thể giải quyết được lượng lao động nhàn rỗi, không phải là công việc mang lại sự ổn định lâu dài, "nghĩa là nó không bền".
Theo vị tiến sĩ, công việc nào càng dễ thì càng có nhiều người làm. Đồng nghĩa với việc thu nhập sẽ bị giảm do phải "chia" với những người khác.
"Cái gì ai cũng làm được thì mình đừng làm, vì càng dễ thì càng nhiều người làm. Mà nhiều người làm thì sao mình cạnh tranh lại. Cái nào ít người làm, đòi hỏi tay nghề cao thì hãy làm", TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
Không những vậy, nếu công việc tài xế xe ôm công nghệ có thể kiếm ra rất nhiều tiền, thì không công bằng với những ngành đòi hỏi chuyên môn cao khác. Ông Điền cho rằng, lời đồn nghề lái xe ôm công nghệ kiếm thu nhập cao là vô căn cứ, bởi khó có thể thống kê được thu nhập bình quân của một tài xế.
"Nếu nói thu nhập của tài xế xe ôm công nghệ cao hơn các nghề như bác sĩ là hoàn toàn sai, vì có bác sĩ kiếm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm là chuyện bình thường. Còn đối với lĩnh vực xe ôm công nghệ, thực tế có người kiếm được vài triệu mỗi ngày, nhưng cũng có người kiếm được vài chục nghìn", ông Điền nói.
Qua đó, ông cho rằng, người lao động nên học nghề và làm đúng với chuyên môn nghề, không nên thấy lợi nhuận, công việc dễ dàng trước mắt mà bỏ phí thời gian học nghề, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên hiện nay.
Khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình (trong đó có 182 người là lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ) của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mới đây cho thấy, do đặc thù công việc, nhóm lái xe, giao hàng công nghệ phải đối mặt với áp lực cường độ làm việc cao, tai nạn lao động; nguy cơ bị lạm dụng/quấy rối; cướp giật… Hầu hết, họ đều bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc.
Về phúc lợi, hầu hết người lao động không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết... Người lao động chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng/hoa hồng - thưởng do làm vượt định mức và tip của khách hàng.
Trong khi đó, thời gian làm việc của nhóm đối tượng này rất cao. 6% người lao động được khảo sát đang làm việc trên 12 giờ/ngày, 40% số người lao động làm 7 ngày/tuần. Điều này cho thấy nhóm lao động này đang làm việc cường độ rất lớn, ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động.
Hầu hết họ chỉ có giao kết hợp đồng công việc/hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, với tỷ lệ 79,26%. Thực tế, chỉ 2% có hợp đồng lao động.