Cha mẹ nào cũng yêu con cái và không ngừng cố gắng để mang đến cho đứa trẻ những điều tốt đẹp nhất, muốn gì được nấy. Nhiều ông bố bà mẹ cứ lao vào kiếm tiền, không ngại làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya hay làm cả ngày nghỉ, miễn sao con cái họ có được cuộc sống đầy đủ nhưng lại không biết rằng họ đang gạt đứa trẻ sang một bên và bỏ qua những gì chúng thực sự muốn.
Tất cả chúng ta phải hiểu rằng tiền không phải là tốt nhất trên thế giới này, và nhiều thứ quý giá không thể đổi bằng tiền và vật chất. Nếu một đứa trẻ được thỏa mãn về vật chất, nhưng tinh thần lại kém cỏi thiếu thốn thì cũng thật đáng thương. Sự thiệt thòi ấy không những khiến đứa trẻ không được hạnh phúc mà tương lai cũng sẽ không dễ dàng, lúc đó cha mẹ mới hối hận thì đã quá muộn. Vì vậy các bậc cha mẹ dù bận rộn đến đâu cũng phải cố gắng hết sức để dành cho con những điều này.
1. Có đủ sự đồng hành
Ngày nay, nhịp sống của xã hội ngày càng nhanh, nếu không chú ý, con có thể bị người khác bỏ lại phía sau, chính vì vậy, các bậc cha mẹ hãy nỗ lực để tránh bị đào thải. Nhiều phụ huynh đi làm cả ngày mệt mỏi, trở về nhà chỉ muốn nằm trên giường vuốt điện thoại cho thư giãn mà không có thời gian dành cho con. Một số người thậm chí đã thức dậy vào buổi sáng khi con cái đã đi học, và khi họ trở về nhà vào ban đêm, đứa trẻ đã ngủ một mình.
Trên thực tế, ai cũng cảm thấy cha mẹ ngày càng khó cư xử, một bên là áp lực công việc nặng nề, một bên là con cái rất cá tính và khó quản lý. Tuy nhiên, phụ huynh nên cố gắng bình tĩnh và nghiêm túc suy xét xem con cái muốn cha mẹ ở mức độ nào. Bạn có thể dành một chút thời gian để trò chuyện với con, lặng lẽ ăn một bữa ăn hoặc xem một bộ phim cùng con, dù bạn không nói gì nhưng ở bên con bạn sẽ khiến con bạn cảm thấy an toàn hơn.
Các cuộc điều tra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ thiếu sự đồng hành ngay từ nhỏ sẽ có phần tự ti, mất mát trong tâm hồn, tình cảm của cha mẹ sẽ không còn khăng khít khi lớn lên. Ngược lại, những đứa trẻ có đủ thời gian bên cha mẹ nhiều hơn sẽ tự tin, hạnh phúc và phát triển toàn diện hơn. Vì vậy, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Tiền thì không kiếm được lúc này ta có thể kiếm lúc khác, nhưng tuổi thơ của con thì chỉ có một lần.
2. Tôn trọng và hiểu biết
Có một cảnh chắc chắn nhiều người đã quen thuộc đó là khi trẻ khóc, thay vì nhẹ nhàng hỏi trẻ có chuyện gì hay ôm trẻ an ủi và hướng dẫn trẻ nói ra những suy nghĩ buồn phiền của mình, không ít phụ huynh sẽ mắng trẻ, thậm chí quát tháo trong giận dữ để trẻ nín khóc bởi họ cho rằng đứa trẻ hư, mè nheo quá quắt, hơi tí đã khóc…
Thực tế, tiêu chuẩn và hướng suy nghĩ của người lớn và trẻ em là khác nhau. Có lẽ chúng ta đã rời xa tuổi thơ quá lâu nên không hiểu cho con trẻ. Khi trẻ bị ngã bị đau hay thất vọng vì một điều gì đó… chúng sẽ không nín nhịn mà sẽ khóc, điều đó là hết sức bình thường. Trẻ con được gọi là trẻ con vì chúng còn nhỏ, chưa có kinh nghiệm trong cuộc sống, khả năng đối mặt với mọi việc và kiềm chế cảm xúc còn thấp và chúng cũng không thể mạnh mẽ được như người lớn mong muốn.
Vì vậy trẻ đôi khi khóc chỉ để trút bỏ cảm xúc và để cha mẹ biết rằng chúng đã gặp phải khó khăn. Lúc này trước hết cha mẹ nên chấp nhận những cảm xúc của trẻ, sau đó tìm hiểu nguyên nhân và tôn trọng trẻ, hướng dẫn trẻ cách xử lý vấn đề này một cách chính xác, dần dần trẻ sẽ có thể kiểm soát cảm xúc của mình và giải quyết tốt mọi việc. Hãy cho trẻ đủ sự tôn trọng và hiểu biết, chỉ khi có đủ hai điểm này, trẻ mới có thể từ từ đi theo hướng lành mạnh và tích cực mà chúng ta mong đợi.
3. Giáo dục kịp thời
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái, muốn con cái học hành đến nơi đến chốn đừng đẩy hết trách nhiệm cho nhà trường, mà còn là trách nhiệm của phụ huynh. Giáo dục từ nhà trường có thể dừng lại ở việc giúp con cái bạn tốt nghiệp và có bằng cấp, nhưng giáo dục của gia đình còn bao gồm cả quá trình dạy dỗ từ khi trẻ sinh ra đến khi trưởng thành. Trong suốt giai đoạn tăng trưởng, sự giáo dục phù hợp và kịp thời của cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển một thái độ sống tích cực, lạc quan, độc lập và một thái độ sống đúng đắn.
Ở mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, không thể tách rời sự giáo dục của cha mẹ. Khi trẻ lớn lên, cách giáo dục ở mỗi giai đoạn sẽ khác nhau, nhưng kiểu giáo dục này không chỉ thể hiện ở kết quả đầu ra của từng cá nhân trẻ. Điều cần thiết hơn là sự giao tiếp hiệu quả giữa từng thành viên trong gia đình trong cuộc sống hàng ngày, tấm gương của cha mẹ, cách xử lý sự việc và thái độ khi gặp sự cố. Đây đều là những cách giáo dục con cái một cách tinh tế, vì vậy cha mẹ cần dành thời gian chú ý đến con từ lời nói đến việc làm, và đóng một tấm gương tích cực cho con bạn.
Giáo dục con cái là sự nghiệp khó khăn nhất và quan trọng nhất trong cuộc đời của các bậc cha mẹ. Người ta nói rằng mỗi đứa trẻ là một thiên thần nhỏ nhoi nhoẻn miệng cười, nhưng đó cũng là trái tim và tâm hồn của cha mẹ. Sau cùng, dù chúng có đáng yêu đến đâu thì chúng ta cũng không thể nắm tay cả đời để bảo bọc, cũng chẳng thể ngăn cản chúng bay cao bay xa ra ngoài xã hội. Vì vậy để chuẩn bị cho điều đó được thuận lợi và an toàn, ngay từ thuở còn thơ, cha mẹ càng phải dành nhiều thời gian và kiên nhẫn để giúp con khôn lớn, trưởng thành. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con nhiều hơn, cho con đủ sự tôn trọng và thấu hiểu, cùng con chia sẻ để trở thành người tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Theo V.K - Vietnamnet