Theo kế hoạch, từ 17h chiều mai (15/9) đến trước 17h ngày 17/9 các trường mới công bố điểm chuẩn sau 6 lần lọc ảo, nhưng từ hôm nay Đặng Lê Kim Uyên (cựu học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã liên tục cập nhật thông tin trên web các trường và các trang báo điện tử để theo dõi điểm.
Thí sinh lo lắng
Với mức điểm 27,75 tổ hợp A01, Thảo đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân và nguyện vọng 2 vào ngành Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Năm ngoái, cả hai ngành học trên đều lấy điểm trúng tuyển bằng với điểm thi Uyên đạt được. Vì vậy, Uyên có chút lo lắng những ngành năm nay sẽ tăng điểm, mất cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích.
Nữ sinh hối hận vì chủ quan tin vào điểm số của bản thân mà không đăng ký thêm một số ngành điểm chuẩn thấp hơn, ở khoảng từ 24 - 26 điểm, khả năng đỗ sẽ cao hơn, không phải quá thấp thỏm, lo sợ rớt nguyện vọng 1.
Hoàng Thị Trà (cựu học sinh lớp 12, trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên) cũng lo lắng, ngóng điểm chuẩn. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Trà đạt 26,5 điểm khối D01. Em đăng ký tổng cộng 15 nguyện vọng theo ba phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và xét kết hợp học chứng chỉ tiếng Anh với kết quả học tập THPT. Trong đó xét tuyển nguyện vọng 1 vào chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Học viện Tài chính, nguyện vọng 2 vào ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội và một số trường khác.
Mức điểm của em xấp xỉ với điểm trúng tuyển vào các ngành năm 2021 nên khá lo lắng. Nếu các trường tăng từ 0,5 đến 1 điểm thì em vẫn có cơ hội trúng tuyển, còn nếu cao hơn thì nam sinh có thể đỗ ở những nguyện vọng thứ 3, 4, 5.
Trà mong đỗ vào đại học top đầu để vừa khẳng định bản thân, vừa làm bố mẹ tự hào. Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT và xét tuyển đại học, Trà quyết tâm lên kế hoạch học tập và miệt mài ôn thi ngay từ hè năm lớp 10 với lịch học thêm dày đặc 6 buổi/tuần ở ba môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Điểm chuẩn tăng?
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Truyền thông, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết, năm nay, trường dành 2.100/4.000 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường nhận được hơn 4.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (chưa tính các nguyện vọng khác). Với số lượng như vậy, điểm chuẩn được dự báo sẽ tăng nhẹ một số ngành.
"Những ngành như Công nghệ thông tin hay một số ngành thuộc khối Kinh tế như Kế toán, Tài chính Ngân hàng dự kiến có điểm chuẩn hơn 0,5 - 1 so với năm ngoái. Các ngành khác cơ bản giữ ổn định", ông Sơn nói và thông tin ngày 15/9, trường sẽ công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển.
Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo, Đại học Công nghiệp TP.HCM dự kiến điểm chuẩn vào khoảng 23 - 24, ngành tăng cao nhất là 2 điểm so với năm ngoái. Một số ngành khối Môi trường, Hóa học dự kiến mức điểm chuẩn có thể sẽ bằng hoặc nhỉnh hơn chút so với điểm sàn. Trong khi đó một số ngành như Luật học, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh có lượng nguyện vọng cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu, điểm chuẩn cao.
Theo ông Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Điện lực Hà Nội, trường trải qua 3 lần lọc ảo theo hệ thống của Bộ GD&ĐT. Dự báo điểm chuẩn một ngành đào tạo sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm so với năm ngoái.
Năm ngoái, trong 19 ngành tuyển sinh, ngành điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ thông tin lấy 24,5 điểm, dự kiến năm nay ngành này điểm chuẩn vẫn cao nhất. Điểm chuẩn một số khối ngành kinh tế (Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng) sẽ tăng nhẹ.
Ông Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, sau một số lần lọc ảo, đến thời điểm này điểm chuẩn các ngành của trường theo phương thức thi tốt nghiệp THPT khá ổn định so với năm ngoái. Một số ngành khối xã hội điểm chuẩn có thể tăng ở mức trên dưới nửa điểm so với năm ngoái như sư phạm văn, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý…
“Dự báo, điểm chuẩn các ngành đang dao động trong khoảng 20 - 28 điểm. Tuy nhiên, kết quả này chưa phải cuối cùng, có thể điều chỉnh sau các lần chạy lọc ảo tới”, ông Quốc chia sẻ.