Bộ GD-ĐT vừa công bố ngưỡng điểm sàn khối ngành sức khỏe, sư phạm. Theo đó, ngưỡng xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng đối với các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật là 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm đối với tổ hợp xét tuyển 3 môn văn hóa, các tổ hợp xét tuyển khác thực hiện theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành.
PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức nhận định, ngưỡng đảm bảo chất lượng là một trong những yếu tố, điều kiện có thể ảnh hưởng đến chất lượng sinh viên sau này, giúp lựa chọn những sinh viên phù hợp. Sau đó, cùng với quá trình đào tạo của nhà trường, sự cố gắng của người học sẽ quyết định chất lượng đào tạo giáo viên.
“Ngưỡng đảm bảo chất lượng khối đào tạo giáo viên năm 2022 vừa được xác định, theo tôi, là phù hợp. Ngưỡng này đã được cân nhắc, tính toán rất kỹ trên rất nhiều phương diện khác nhau, trong đó có quá trình tuyển sinh các năm trước, thực tế kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, phổ điểm từng tổ hợp, tình hình tuyển sinh của các cơ sở đào tạo. Ngưỡng này đã phù hợp với các yếu tố nói trên, đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu vào, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời đủ để các trường có dư địa tuyển sinh.
Phó Hiệu trưởng ĐH Hồng Đức cũng lưu ý thí sinh đây là mức tối thiểu, tuỳ theo chỉ tiêu, uy tín thương hiệu từng trường, tuỳ nhu cầu và thực tế đăng ký nguyện vọng của các em, các trường sẽ xác định được mức điểm chuẩn.
“Theo tôi, điểm chuẩn năm nay có thể tương đương hoặc cao hơn năm ngoái một chút”, thầy Huyền nói.
Với trường ĐH Hồng Đức, điểm chuẩn của trường năm 2020, đặc biệt là năm 2021 khá cao, từ 22 điểm trở lên tùy theo từng ngành.
PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền dự báo, năm nay, phổ điểm chuẩn của Trường ĐH Hồng Đức có thể rơi vào từ 22 đến 27-28 điểm, tuỳ từng ngành. Đây chỉ là dự báo còn thực tế phụ thuộc vào rất nhiều biến số, phụ thuộc sự lựa chọn của thí sinh.
“Hiện giờ là thời điểm rất quan trọng, thí sinh và phụ huynh cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Các em lựa chọn sao cho phù hợp với sở thích, năng lực của mình. Tư vấn định hướng của cơ sở giáo dục đại học cũng như xã hội rất cần thiết, để thông tin tới thí sinh, phụ huynh được đầy đủ, chính xác nhất”, PGS.TS Lê Hoằng Bá Huyền nói.
Nhận xét về mức điểm sàn này, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để trở thành thầy cô giáo tương lai, cần phải có những chuẩn mực nhất định, những cơ sở ban đầu, nên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho ngành sư phạm là điều cần thiết.
“Các vấn đề liên quan đến điểm học THPT cho chúng ta thông tin rằng các em ấy đã có nỗ lực nhất định trong quá trình học tập để trở thành sinh viên trong tương lai.
Việc đảm bảo chất lượng sư phạm hàng năm chúng ta xác định là điều kiện cần. Tức là phải có khả năng tối thiểu để quy định đầu vào. Còn về sau các trường trên cơ sở nền tảng này có thể lấy các điểm chuẩn cao hơn nhiều so với điểm sàn đã đặt ra.
Thí sinh lưu ý đây là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Ví dụ, ngưỡng điểm sàn năm ngoái đặt ra là 19 điểm trong khi đó ngành tiếng Anh của trường chúng tôi đã lấy 28 điểm, hoặc Toán tiếng Anh lấy 27,7 điểm. Điều đó phụ thuộc vào các trường”, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng lưu ý, trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, thí sinh cần bảo đảm về ngưỡng, và đảm bảo những điều kiện khác, ví dụ như hạnh kiểm. Hồ sơ phải đầy đủ, phải đúng. Mặt khác, các em nên tham khảo các điểm xét tuyển, trúng tuyển của các trường khác nhau trong những năm gần đây.