Dự án sân golf Đak Đoa: phập phồng nỗi lo!

Nguyễn Thùy Linh| 19/05/2022 17:37

Rừng thông Đak Đoa cách trung tâm Pleiku 20 phút đi xe máy, nơi có đồi cỏ hồng Glar nổi tiếng. Sau một mùa khô, Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) trở mình xanh tốt. Nhưng không lâu nữa, nếu không có gì thay đổi, một dự án sân golf sẽ "mọc lên" ở khu rừng thông này. Từ những vấn đề được dư luận quan tâm về Dự án sân golf Đak Đoa (do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư) đặc biệt này, phóng viên đã tìm về huyện Đak Đoa...

Từ trung tâm Pleiku, thẳng theo đường Lê Duẩn - một trục đường chính của thành phố, xe bon bon chạy chưa đầy hai mươi phút là tới bùng binh trung tâm thị trấn Đăk Đoa, rẽ phải đi tiếp chỉ chốc lát, chúng tôi bắt gặp rừng thông bên trái, nơi có đồi cỏ hồng Glar nổi tiếng. Mùa khô mới vừa qua, cỏ hồng còn chưa kịp nhú, sau hai trận mưa đầu mùa những cây thông bonsai đang trổ lá. Trên mỗi chùm lá thông, những sợi già đã ngả nâu rủ xuống, nhường chỗ cho lá kim còn cứng cáp, và những đọt non nhất hướng thẳng lên trời như hàng vạn ngọn nến xanh ngời còn lung linh sương. Rừng thơm ngát mùi nhựa và vỏ thông, mùi đất. Trong những tán thông tiếng ve râm ran hòa với tiếng chim, bướm lượn từng đàn như những cánh hoa sáng chập chờn dưới nắng.

1.jpg
Một góc rừng thông Đak Đoa. Ảnh: Thùy Linh

Chúng tôi tản bộ, cầm điện thoại vừa chụp, quay cảnh rừng thông thì một người mặc đồng phục bảo vệ xuất hiện: “Chị chụp hình làm gì? Khu rừng đã được Ủy ban giao lại cho dự án quản lí từ hai tuần nay rồi”. Một anh chủ đất kiêm môi giới gần đó, cho biết: “Dự án đã động thổ chỉ một, hai ngày sau khi được cựu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hôm 1.4”.

Trôi đất, mất nguồn nước

Vào xã Tân Bình, chúng tôi gặp bác M., người đã sống ở đây từ những năm 1960. Bác không đồng tình với dự án và muốn giữ rừng vì rừng thông có tác dụng phòng hộ, chống xói lở đất. Trên đường chiều hôm ấy, anh H., con trai bác M. vừa ghìm tay lái băng qua con đường đất đỏ lổn nhổn giữa những rẫy cà phê, vừa bảo: “Đấy, mưa một lần là đất trôi như vậy. Mất rừng nữa thì trôi hết đất.”

Theo chú S. (ngụ thôn 3, xã Tân Bình), dự án sân golf đã gây sốt đất từ hơn hai năm nay, gián tiếp ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất của dân địa phương. “Sốt đất thì người nơi khác đến mua chứ dân đây nghèo đâu có tiền mua. Dân đây đều cần nông, lẽ ra phải chia đất giãn dân cho người dân có đất sản xuất, nhưng người dân ngày càng ít đất. Có người di cư đến đây từ năm 1957 mà giờ không có đất để làm nữa,” rồi chú chỉ về cánh rừng cao su ở đằng xa: “Bên này cao su bên kia sân golf thì dân Tân Bình đây hết chỗ rồi, lại đi làm thuê xa ăn nhờ ở đậu mất thôi”.

Mất rừng thông, cả gia đình chú S. cũng lo lắng về nguồn nước. Chú bảo: “Xưa đào giếng ở đây 15m là có nước, mấy năm nữa thì 20m, vài năm nay là 30m. Chính quyền giờ cũng đã cấm người dân khoan giếng, thế mà mất đồi thông nữa thì nước còn khó đến đâu?”

2.jpg
Một góc cánh đồng An Mỹ, nơi người dân canh tác lúa và hoa màu ngay kề bên rừng thông. Ảnh: Thùy Linh

Đồng bào Bahnar ở đây không đào giếng mà uống nước từ “giọt” - những mạch nước ngầm chảy ra từ đất ven rừng. Ở thôn Hlâm thuộc xã Glar, chú T.L. tự hào: “Dân bảy, tám thôn của xã Tân Bình và ba làng xã Glar đều dùng nước giọt vì rất trong lành, chứ nước giếng đào thì nhiều chì”.

Chúng tôi tìm đến một “giọt” nước cách rừng thông chừng hơn trăm mét. Anh L., người dân tộc Bahnar ở thôn Tuơh Ktu, trồng lúa trong khu đất cạnh đó. Anh khoe, cả vùng chỉ có khu này có giọt nước nhiều, chứ các nơi khác đều thiếu nước. Mấy năm trước, huyện phải đầu tư xây một hồ đập nhỏ ở thôn 1 xã Tân Bình để trữ nước tưới tiêu cho mùa hạn. “Nếu làm sân golf, nước giọt chắc hết, mà có còn thì cũng bị nhiễm bẩn. Chưa kể, ngay lúc này người ta đã đào mương quanh đồi thông để ngăn người dân lấn vào đất sân golf. Khi trời mưa nước theo mương chảy dồn xuống các vùng thấp hơn sẽ làm úng và chết lúa”, anh L. buồn rầu cho biết.

3.jpg
Một giọt nước của thôn Tuơh Ktu, cách rừng thông khoảng 200m. Một gia đình người Bahnar đang lấy nước từ một giọt nước khác cạnh rừng thông. Ảnh: Thùy Linh

Tại một giọt nước khác, chưa đầy một giờ chúng tôi đã gặp ba gia đình người Bahnar ra lấy nước uống. Họ chở nhau bằng xe máy, thồ theo trong gùi chừng 20 -30 chai nhựa đựng nước đủ kích cỡ. Tôi hỏi chuyện một người mẹ đi lấy nước cùng con gái. Chị có ruộng gần rừng thông, nghe nói sẽ bị lấy làm sân golf và được đền bù. Có thích đền bù không, tôi hỏi. Chị trả lời ngay: "Không thích đâu. Lấy đất thì chết hết thôi". Thế họ có hỏi ý kiến mình không? - "Có chớ. Làng không đồng ý. Chỉ nghe nói là FLC mua hết đất rồi"Thế sao không đồng ý mà người ta vẫn làm?” chúng tôi hỏi. Chị chỉ cười, không trả lời.

Đôi vợ chồng cùng ở thôn Tuơh Ktu ra lấy nước cũng cười như thế, nụ cười của người Bahnar vừa hồn nhiên vừa phảng phất vẻ cam chịu. Chúng tôi hỏi: “Sắp có dự án sân golf rồi, cô chú có thích không?”. Cả hai đều lắc đầu cười. “Thế mình có nói với họ là mình không thích không?” “Không thích không cho ấy chứ,” người chồng đáp gọn.

Tác động từ bất động sản còn nặng hơn

Ông Trương Văn Vinh, là người có 20 năm công tác trong ngành lâm nghiệp thì tại khu vực Tây Nguyên, thị trấn Đak Đoa, xã Tân Bình và xã Glar (huyện Đak Đoa) nhiều năm nay đã thiếu nước vì diện tích rừng xung quanh gần như không còn, chỉ còn duy nhất khu rừng thông sắp bị chuyển sang làm sân golf. Lượng nước ngầm phục vụ canh tác nông nghiệp ngày càng thiếu trầm trọng.

Trong khi đó, vận hành sân golf cần lượng nước rất lớn, nếu khoan giếng để lấy nước sẽ làm tụt mạch nước ngầm của người dân, dẫn tới xung đột nguồn nước. Chưa kể, lượng phân bón và thuốc trừ sâu thẩm thấu xuống đất và ngấm vào các mạch ngầm sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đất và nước trong toàn khu vực.

4.jpg
Giọt nước sạch này cách rừng thông 200m, là nguồn cung cấp nước uống cho người dân địa phương. Ảnh: Thùy Linh

Cạnh đó, theo vị chuyên gia lâm nghiệp sinh ra và lớn lên ở huyện Đak Đoa này, thì chính sách trồng rừng thay thế của ngành lâm nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập. Theo Nghị định 156/2018-NĐ/CP và Thông tư 13/2019-TT-BNNPTNT, chủ đầu tư chỉ phải nộp Quỹ bảo vệ phát triển rừng số tiền trồng rừng một lần và chăm sóc trong 3 năm, trong khi rừng thông ở đây đã 45 tuổi. “Ai sẽ chịu trách nhiệm bù đắp khoảng thời gian còn lại? Loài thông ở Đak Đoa có di thực được không, với diện tích 156ha số lượng cây phải di thực là bao nhiêu, chủ đầu tư có cam kết gì về tỷ lệ sống sau khi di thực? Cây sẽ được đem đi trồng ở đâu trong bối cảnh Tây Nguyên nói chung và Đak Đoa nói riêng giờ đã thiếu đất cho dân canh tác?” vị chuyên gia trăn trở.

Theo TS. Lê Hoàng Lan, chuyên gia tư vấn về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và truyền thông môi trường, thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc tham vấn người dân là nội dung quan trọng không thể thiếu trong quá trình ra quyết định. Luật Bảo vệ môi trường cũng có quy định bắt buộc công khai thông tin và tham vấn cộng đồng, không chỉ riêng về ĐTM. Tuy nhiên, thực tế triển khai các quy định này vẫn đang là một lỗ hổng lớn của thể chế, với các dự án đầu tư nói chung không chỉ riêng dự án sân golf.

5.jpg
6.jpg
Những tấm biển bán đất, môi giới bất động sản mọc lên khắp khu vực quanh đồi thông từ hơn 2 năm nay. Ảnh: Thùy Linh

Theo quan sát của TS. Lan, dự án sân golf gây bức xúc dư luận còn liên quan đến đối tượng hưởng thụ. Những người chơi golf đều là người giàu, và thực tế không có sân golf nào không đi kèm khu đô thị hay resort bên cạnh với diện tích gần tương đương diện tích sân golf. Trường hợp Đak Đoa cũng có một khu biệt thự nhà ở diện tích 105 ha. Vậy có phải chủ đầu tư đầu tư bất động sản là chính?

Thực tế các dự án đầu tư bất động sản luôn có tác động bất lợi đến cảnh quan môi trường và hệ sinh thái (rừng, thảm thực vật, hồ nước), thông thường các tác động bất lợi này còn lớn hơn các tác động bất lợi cùng loại từ dự án sân golf. “Cần xem xét, đánh giá tác động từ dự án sân golf cần được điều tra khảo sát cụ thể và phải đặt trong bối cảnh có cả các dự án bất động sản đi kèm để có những điều chỉnh chính sách thích hợp”, TS. Lan đề nghị.

Nhà văn Nguyên Ngọc:

Có nên đánh đổi?

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, ở Tây Nguyên tác dụng đầu tiên của rừng là giữ nước, nước mặt và nước ngầm. Có rừng thì 95% nước mưa sẽ thấm xuống thành nước ngầm, giữ ẩm cho đất, từ đó mới có nước giọt được lọc qua đất, mát và sạch. Không có rừng thì ngược lại, 95% nước mưa sẽ quét trên mặt đất thành lũ, trôi sạch màu. Đất sẽ thành đất chết, nước ngầm sẽ càng ngày càng cạn.

7.jpg
Một khu đất đối diện đồi thông đã được chăng dây, đóng cọc để phân lô. Ảnh: Thùy Linh

Từ kháng chiến chống Pháp, nhà văn Nguyên Ngọc đã sống, chiến đấu và bị thương ở vùng này. Ngày ấy rừng còn mênh mông. Ông chia sẻ: “Theo tôi biết, từ lâu ở đây đã không còn rừng tự nhiên. Khôi phục rừng ở một vùng không còn rừng tự nhiên liên hoàn là rất khó. Gần nửa thế kỷ qua, bà con Glar đã trồng được một rừng thông xum xuê và một đồi cỏ hồng thật đẹp, tạo được nguồn nước giọt trong lành, dồi dào. Có nên đánh đổi một cánh rừng để lấy một sân golf xa xỉ?”

Thùy Linh

Làm rõ thông tin về Dự án sân golf Đak Đoa được phê duyệt

Ngày 19.4.2021, Báo điện tử Chính phủ có bài viết, trong đó cho biết ngày 1.4.2021, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01 ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện Dự án.

Theo đó, quá trình thực hiện, hồ sơ dự án đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa được tỉnh Gia Lai thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ và báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa. Khẳng định "Quá trình này không phải “một sớm, một chiều” là xong", theo Báo điện tử Chính phủ thì dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thẩm định, báo cáo lãnh đạo Chính phủ vào tháng 1.2020.

Cũng theo nguồn tin được dẫn trên, trong quá trình hơn một năm xem xét dự án này, với quan điểm phát triển hài hòa “kinh tế - xã hội - môi trường”, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương rà soát, kiểm tra lại nhiều vấn đề như xác định rõ rừng thông thuộc loại rừng nào để xác định việc quản lý và chuyển mục đích sử dụng rừng, xử lý tài sản công (rừng thông), đánh giá các yêu cầu đối với nhà đầu tư, tình hình đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên quan đến Dự án…

"Đặc biệt, cuối năm 2020, khi báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo, việc triển khai đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hơn 100 ha rừng, trong đó chủ yếu rừng thông ba lá và thảm thực vật tại đây có “nguy cơ” biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương, Thủ tướng Chính phủ (ông Nguyễn Xuân Phúc) đã có ý kiến giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng về nội dung báo chí phản ánh".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai và một số bộ liên quan về việc sử dụng đất của Dự án sân golf Đak Đoa, cũng như tổ chức Hội đồng thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng rừng với đa số phiếu tán thành việc trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ý kiến các bộ, ngành đều ủng hộ việc triển khai Dự án.

Một vấn đề mà nhiều người quan tâm là liệu Dự án sân golf Đak Đoa có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, có làm mất rừng, dù đây là rừng sản xuất, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, mục tiêu Dự án đề ra là phải giữ lại rừng thông để bảo vệ cảnh quan, môi trường, không được chặt hạ. Nhà đầu tư phải giữ lại phần lớn diện tích rừng trồng thông này, chỉ di thực những cây nằm trên đường golf hoặc các công trình xây dựng khác để trồng vào các vị trí phù hợp.

Khi thực hiện Dự án, nhà đầu tư còn phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời thực hiện việc trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích thực hiện dự án. Có nghĩa là Gia Lai không mất rừng mà còn nhân đôi số rừng trồng lên.

Trong văn bản ký phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, việc đáp ứng quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp và các pháp luật liên quan khác thuộc nhiệm vụ quản lý Nhà nước của mình.

UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Sân golf Đak Đoa nằm trong quy hoạch

Theo quy định tại Điều 30 của Luật Đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sân golf, không phân biệt quy mô nguồn vốn, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, về trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, theo Nghị định 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

Sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt "Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020”.

Dự án cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt Nghị định 52/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ ngày 15.6.2020. Theo đó, dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất, không phải là rừng tự nhiên, phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp…

"Như vậy, việc ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án sân golf Đak Đoa là thận trọng, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của Gia Lai, một tỉnh còn nhiều khó khăn và tính toán kỹ đến yếu tố bảo vệ môi trường, cảnh quan", bài viết trên Báo điện tử Chính phủ kết luận.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Dự án sân golf Đak Đoa: phập phồng nỗi lo!
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO