Gojek vừa cho hay đã triển khai dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” tại Việt Nam, một sáng kiến toàn diện nhằm hỗ trợ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ cải thiện sinh kế nhờ chuyển đổi số.
Thông qua dự án này, hàng chục nghìn cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam sẽ có thể truy cập vào một thư viện thông tin miễn phí bao gồm các kiến thức, kỹ năng và công cụ về tài chính và công nghệ, nhằm giúp họ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh trực tuyến trong lĩnh vực ẩm thực.
Ngoài ra, Gojek cũng sẽ hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh để trao quyền và nâng cao kỹ năng cho những người phụ nữ làm chủ, nhằm giúp họ tận dụng thương mại điện tử để tiếp cận các cơ hội thu nhập mới, giảm bớt rào cản liên quan đến tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Với việc xây dựng một thư viện thông tin trực tuyến, dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” hướng tới việc trang bị cho các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ các kiến thức, kỹ năng và công cụ cần thiết để có thể bắt tay vào việc bán hàng và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, linh hoạt trên cơ sở tận dụng được thế mạnh của nền tảng kỹ thuật số, từ đó giúp họ bắt kịp xu hướng của thị trường cũng như những thay đổi trong thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng.
Từ các nội dung về cách xác định khách hàng mục tiêu, chính sách định giá đến phương pháp quản lý nguyên vật liệu, marketing, quy trình đóng gói, giao hàng,..., trang thông tin của Gojek có thể coi là một thư viện tổng hợp dành riêng cho các cửa hàng kinh doanh ẩm thực. Bên cạnh đó, trang thông tin còn truyền cảm hứng cho người dùng với những câu chuyện thành công của các cửa hàng kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ đã mở rộng và phát triển nhờ vào việc số hoá.
Thông qua việc hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Gojek sẽ cùng với các đối tác đào tạo kỹ năng kinh doanh cho 200 chị em phụ nữ đang làm chủ các cửa hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào các chủ đề lập kế hoạch tài chính, quản lý kinh doanh và cách vận hành một cửa hàng trực tuyến.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các học viên có thể bắt tay vào xây dựng một cửa hàng kinh doanh ẩm thực của riêng họ trên GoFood - nền tảng giao đồ ăn trực tuyến của Gojek, để có thể tiếp cận hàng triệu người đang sử dụng ứng dụng Gojek tại Việt Nam. Gojek sẽ góp phần thúc đẩy hành trình kinh doanh trực tuyến của các cửa hàng này thông qua các chương trình hỗ trợ dành riêng cho từng cửa hàng, các hoạt động truyền thông tiếp thị cùng các đãi ngộ về phí dịch vụ.
Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam cho biết: “Những bất ổn về kinh tế sau đại dịch đang tạo ra nhiều thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, các doanh nghiệp truyền thống này cần nhanh chóng chuyển mình để trở thành một doanh nghiệp số thì mới có thể thích nghi được với những thay đổi trong hành vi cũng như thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Tại Gojek, chúng tôi tin rằng việc chuyển đổi số không chỉ liên quan đến công nghệ, mà còn cần cả kiến thức và kỹ năng. Thông qua sáng kiến lần này, chúng tôi mong muốn trao quyền cho các chủ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là đối tượng phụ nữ, để họ có thể tận dụng và hưởng lợi từ việc tiếp cận nền kinh tế kỹ thuật số, với mục tiêu cuối cùng là tăng các cơ hội thu nhập”.
Bà Trần Thị Phương Hoa, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình nhưng còn gặp không ít rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Do vậy, các giải pháp hỗ trợ toàn diện để giúp họ có thể thích ứng nhanh với bối cảnh mới khi nền kinh tế đang phục hồi là hết sức cần thiết. Việc hợp tác với Gojek sẽ là nền tảng cho các dự án trong tương lai, giúp tạo ra tác động tích cực trong cộng đồng nói chung và cho các chị em phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nói riêng”.
Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và đóng góp 45% GDP quốc gia. Theo thống kê, 90% các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và đang cần được hỗ trợ. Với nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, việc số hóa là vô cùng cần thiết để nhóm này có thể sớm phục hồi.