TP.HCM có 2 dự án trọng điểm về đường sắt là ga Bình Triệu và Thủ Thiêm. Tuy nhiên, hàng thập kỷ trôi qua, các dự án này chỉ tồn tại ‘trên giấy’, chưa thể triển khai gì ngoài vẽ ranh quy hoạch. Hệ lụy kéo theo là cuộc sống chật vật của hàng nghìn hộ dân sống trong khu quy hoạch 'treo’. Phóng viên VietNamNet ghi nhận thực tế các dự án này.
Quy hoạch 'treo' hơn 2 thập kỷ
21 năm trước, vào tháng 3/2002, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 Khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (nay TP Thủ Đức) với hơn 41 ha.
5 năm sau, UBND TP.HCM kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc, di dời ga Bình Triệu và ga Sài Gòn ra ngoài trung tâm TP nhằm chống kẹt xe và xóa quy hoạch treo cho người dân. Thế nhưng, thời điểm đó Bộ GTVT không đồng ý và tham mưu Chính phủ việc tiếp tục giữ quy hoạch.
Đến tháng 4/2013, Thủ tướng ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Trong đó, ga Bình Triệu được quy hoạch là ga khách kỹ thuật phía Bắc trong khu đầu mối đường sắt TP.HCM.
Đến tháng 6/2013, Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Trong đó, quy hoạch ga Bình Triệu là một trong các ga chính trong khu đầu mối, có chức năng lập tàu khách, đầu mối trung chuyển khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.
Bộ GTVT thống nhất giao Cục Đường sắt Việt Nam ưu tiên nghiên cứu đầu tư khu vực ga Bình Triệu.
Đến tháng 9/2013, UBND TP.HCM cũng ban hành Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đầu mối giao thông Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh. Trong đó, đất ga đường sắt có diện tích 47,35 ha (tăng gần 6 ha so với quy hoạch lập trước đó).
Đến nay, dự án chưa có sự thay đổi, điều chỉnh nào khác, hiện đã ‘treo’ suốt hơn hai thập kỷ nên phát sinh nhiều hệ lụy, không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai mà còn ảnh hưởng mọi mặt đời sống của người dân.
Dự án đóng băng, 'treo' luôn quyền lợi của dân
Ga Bình Triệu nằm sát trục đường Kha Vạn Cân - Quốc lộ 13, cách cầu Bình Lợi mới khoảng 100 mét. Nơi đây là một trong những ga nhỏ trên tuyến đường sắt Bắc- Nam, trực thuộc ga Sài Gòn.
Hiện ga này là một bãi đất rộng, chủ yếu để tránh tàu, không còn chức năng đón trả khách hay hàng hóa. Bên trong khu đất có nhiều đường ray cùng những toa tàu cũ kỹ đang đậu. Sát đường ray là con đường đất đá lởm chởm với dãy nhà cấp 4 xập xệ của người dân. Do khu vực quy hoạch bỏ hoang nên nhiều người dân tận dụng để trồng rau, thả gà... ngay bên trong đường ray xe lửa.
Là chủ căn nhà cấp 4 rộng 50m2 nằm cách đường ray xe lửa chừng 20m, bà Bùi Thị Vân (45 tuổi) cho biết, từng nghe địa phương công bố quy hoạch mở rộng ga Bình Triệu từ khi đứa con trai chưa lọt lòng.
“Thấm thoát 21 năm trôi qua, con trai tôi đã bước vào năm ba đại học nhưng dự án vẫn chưa rục rịch gì. Những năm trước, nhiều lần thấy các đơn vị về đo đạc, cắm mốc, người dân ai cũng phấn khởi nhưng rồi sau đó lại lắng xuống”- bà Vân nói.
Dính quy hoạch quá lâu, nhiều hộ dân ở đây 'làm gì cũng khó': từ sửa chữa nhà xuống cấp, có đất nhưng bán không được, không thể chia cho con cháu hay xây dựng nhà kiên cố nên đành chấp nhận cuộc sống vất vưởng bên trong những căn nhà chật hẹp, cũ nát.
Ông Trần Quang Sang (58 tuổi, ngụ tại khu phố 6) cho biết thêm, hơn hai thập kỷ chờ đợi dự án nhà ga mới vẫn...bất động khiến ông cùng hàng nghìn người dân chịu cảnh "ở không yên, đi không đặng'.
“Những năm trở về trước, nhà xuống cấp muốn sửa chữa cũng khó, không thể mở rộng hay xây thêm lầu nên gia đình đành cam chịu sống trong cảnh chật hẹp suốt thời gian dài. Hiện nay, người dân kêu quá nên chính quyền cũng cho sửa nhưng chỉ được thực hiện theo hiện trạng”- ông Sang chia sẻ.
Theo báo cáo của UBND TP Thủ Đức, từ năm 2002 đến nay, hơn 3.200 hộ dân với trên 15.000 nhân khẩu thuộc địa bàn khu phố 2, khu phố 6, khu phố 7 của phường Hiệp Bình Chánh chịu ảnh hưởng bởi dự án. Việc chậm triển khai trên ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân như vấn đề cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở tạo lập sau ngày công bố quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng. Người dân đang phải sống trong các căn nhà cấp bốn hư hỏng, xuống cấp nặng.
Về giao thông, hiện chỉ có một đường giao thông chính, chiều rộng mặt đường khoảng 5 mét là đường song hành với đường sắt. Hầu hết các con đường trong khu quy hoạch đều tự phát, quá nhỏ, ngoằn ngoèo khó đi, gây khó khăn trong công tác PCCC nếu xảy ra sự cố.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho biết, chính quyền địa phương rất đồng cảm với khó khăn của người dân những năm qua.
“Dự án này do Bộ GTVT thực hiện. Nhiều năm qua, không chỉ chính quyền phường Hiệp Bình Chánh mà phía TP Thủ Đức, thậm chí cả UBND TP.HCM cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, sớm triển khai dự án hoặc có sự điều chỉnh để phù hợp, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân do dự án kéo dài quá lâu”- ông Tuấn chia sẻ.