Đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Phạm Lý| 08/09/2024 10:15

Trước thềm chương trình Ngày Tôn vinh tiếng Việt được tổ chức tối 8/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thứ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng trả lời phỏng vấn báo chí về công tác tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

-Xin Thứ trưởng bình luận về những kết quả nổi bật của Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” trong thời gian qua?

Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/8/2022, có thể coi là đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.

Qua 2 năm thực hiện, Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của kiều bào. Ủy ban Nhà nước về NVNONN – Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai các hoạt động đồng bộ, như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt ở Việt Nam và sở tại cho giáo viên kiều bào; xây dựng Tủ sách tiếng Việt và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại một số địa bàn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc…); Áo, Pháp, Séc, Hungary, Slovakia, Bỉ, Qatar…); phối hợp xây dựng website dạy tiếng Việt cho NVNONN của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Chương trình “Chào Tiếng Việt” và “Dấu ấn Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4)…

Cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước phối hợp tích cực với cơ quan đại diện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt như: thành lập các Ban tiếng Việt chuyên trách trong hội đoàn; mở mới hoặc mở rộng quy mô các trường, lớp dạy và học tiếng Việt; thành lập “Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài”; tổ chức các hội thảo, tọa đàm… chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy và học tiếng Việt.

Đặc biệt là chuỗi hoạt động Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8/9 và cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN” - sau 2 năm tổ chức - đã lựa chọn và vinh danh 10 sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau, trong đó Sứ giả nhỏ tuổi nhất mới 8 tuổi (Nhật Bản) và có cả Sứ giả là người nước ngoài (Lào).

Sự tham gia tích cực của các cơ quan đại diện, sự năng động, hưởng ứng của các hội đoàn, tổ chức, cá nhân kiều bào, đã cộng hưởng cùng trong nước để chúng ta từng bước tổ chức được chuỗi hoạt động tôn vinh tiếng Việt ở các địa bàn.

Có thể thấy rằng, với chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nếu có sự đồng lòng, chung tay của xã hội và đặc biệt là cộng đồng NVNONN, chúng ta sẽ không chỉ tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho kiều bào, tạo cơ hội nâng cao năng lực tiếng Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài; mà đồng thời còn khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc kết nối mạng lưới hội đoàn kiều bào, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không chỉ trong cộng đồng NVNONN mà còn tới bạn bè quốc tế, từ đó góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam.

Đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khai trương Tủ sách tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại Pháp vào tháng 7/2024.

-Vừa qua, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ chính thức tại San Francisco, Mỹ. Đây là một trong những ví dụ cho thấy nhu cầu sử dụng tiếng Việt ngày càng tăng ở các nơi trên thế giới, có vai trò không nhỏ trong thúc đẩy sự hội nhập và phát triển của cộng đồng. Bà đánh giá như thế nào về điều này?

Ngày 11/6/2024, Hội đồng Giám sát thành phố và quận hạt San Francisco đã thông qua Nghị quyết quyết định sử dụng tiếng Việt trong các dịch vụ công như phiên dịch, thông báo, văn bản trên website, bên cạnh tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, Tây Ban Nha và Philippines.

Mới đây, tại Lễ Thượng cờ nhân kỷ niệm quốc khánh Việt Nam tại Tòa Thị chính Thành phố San Francisco, tôi đã thay mặt Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tiếp nhận bản tuyên bố do thị trưởng thành phố San Francisco ký với nội dung công bố ngày 2/9/2024 là Ngày Di sản hữu nghị Việt Nam - Mỹ tại thành phố và địa hạt San Francisco năm 2024.

Có thể nói, đây là một trong những dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa nổi bật đối với cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco nói riêng, cộng đồng NVNONN nói chung. Sự kiện thể hiện sự hội nhập mạnh mẽ của cộng đồng người Việt nơi đây.

Được công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức tại San Francisco, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp của riêng cộng đồng người Việt mà còn là phương tiện để cộng đồng có tiếng nói trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và chính trị của sở tại. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc duy trì, quảng bá tiếng Việt và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng. Thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có thể tiếp tục học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, qua đó giữ vững mối liên hệ với nguồn cội và văn hóa dân tộc.

Hơn thế nữa, việc tiếng Việt được công nhận tại San Francisco có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, giúp tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy quảng bá hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Đây cũng có thể là tiền đề cho việc công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ hành chính chính thức ở những nơi khác có đông người Việt Nam sinh sống.

- Bà đánh giá như thế nào về vai trò của đội ngũ “sứ giả” tiếng Việt - các giáo viên tình nguyện - trong duy trì và phát huy tiếng Việt ở nước ngoài?

Đội ngũ “sứ giả tiếng Việt” này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Họ không chỉ là những người trực tiếp giảng dạy ngôn ngữ, mà còn là những nhân tố then chốt trong việc giữ gìn và truyền tải bản sắc văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế. Họ giúp người học, đặc biệt là thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở nước ngoài, hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc học tiếng Việt không chỉ là học một ngôn ngữ, mà còn là tiếp thu những truyền thống, phong tục tập quán của quê hương.

Các thầy cô đóng vai trò như những người truyền cảm hứng, khơi dậy và lan tỏa tình yêu đối với tiếng Việt trong cộng đồng. Đối với nhiều người học, đặc biệt là những người trẻ sinh ra trong môi trường không nói tiếng Việt, việc học ngôn ngữ mẹ đẻ có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt huyết và tận tâm của các giáo viên tình nguyện, các em có thể dần yêu thích và gắn bó với tiếng Việt.

Chúng ta đều biết rằng, sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng bền vững phụ thuộc vào việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa gốc. Các “sứ giả tiếng Việt” này đã góp phần xây dựng nền tảng cho cộng đồng NVNONN thông qua việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt. Điều này không chỉ giúp thế hệ trẻ có thể giữ liên kết với cội nguồn, mà còn tạo điều kiện cho sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa các thành viên trong cộng đồng.

Các “sứ giả” này hoạt động hoàn toàn tình nguyện, nhiều người không nhận thù lao nhưng vẫn tận tụy cống hiến thời gian và công sức của mình vì mục tiêu gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, với đất nước, và là nguồn động viên lớn cho NVNONN trong việc duy trì tiếng Việt trong môi trường quốc tế. Chúng tôi rất trân trọng, biết ơn và nguyện sẽ đồng hành cùng các thầy cô trong sự nghiệp cao cả của mình.

-Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo thoidai.com.vn
https://thoidai.com.vn/dot-pha-trong-cong-tac-duy-tri-phat-trien-tieng-viet-trong-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-204523.html
Copy Link
https://thoidai.com.vn/dot-pha-trong-cong-tac-duy-tri-phat-trien-tieng-viet-trong-cong-dong-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-204523.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO