Thu nhập giảm
Mới sang Nhật hơn 2 tháng, còn trong thời gian học việc, anh Trần Duy Khải (kỹ sư cơ khí) không vui khi nhận được tháng lương đầu tiên. Theo hợp đồng đã ký với công ty bên Nhật, mỗi tháng anh sẽ nhận mức lương 220.000 Yen. Trừ các khoản thuế, chi phí tiền nhà, ăn uống sinh hoạt hàng này, anh còn lại khoảng 150.000 Yen. Quy đổi sang VND thời điểm hiện tại, anh chỉ nhận khoảng 25 triệu đồng.
Thời điểm nộp hồ sơ xin sang Nhật làm việc, anh dự tính mức lương khoảng 45 triệu đồng. Do khoản vay nợ làm hồ sơ đi Nhật nên anh Khải buộc phải chuyển đổi ngoại để gửi về Việt Nam, chấp nhận thiệt hàng triệu đồng.
Tương tự, anh Lưu Đức Anh (một lao động người Việt tại Nhật) cho hay, Yen giảm giá khiến cho người lao động thu nhập giảm nếu quy đổi sang USD hoặc tiền Việt.
Anh cho hay, thời điểm tháng 12/2020, một lao động xuất khẩu có thu nhập 130.000 Yen (khoảng 29 triệu đồng), nay họ chỉ nhận được 21,9 triệu đồng, giảm hẳn 7 triệu đồng nếu quy đổi sang tiền Việt.
“Mình đi lao động xuất khẩu cũng dành dụm được một ít nhưng chưa đổi sang USD để gửi về nhà vì tiền yen đang quá thấp. Nếu đồng Yen tiếp tục mất giá thế này thì người lao động như mình rất thiệt thòi”, anh nói.
Tương chị chị Nguyễn Thị Nga (công nhân chế biến thuỷ sản ở Osaka, Nhật Bản) cho hay, lương của chị đang là 150.000 Yen/tháng. Đầu năm ngoái, chị đổi sang tiền Việt được 33 triệu đồng, nhưng nay chỉ khoảng 26 triệu đồng/tháng.
“Mình sang đúng thời điểm dịch, làm ăn khó khăn, dành dụm được ít tiền làm vốn sau này thì đồng yen lại mất giá. Mình đang giữ tiền Yen trong tài khoản, chờ tỷ giá lên mới đổi sang USD, gửi về Việt Nam cho gia đình”, chị nói.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có gần 500.000 lao động đang làm việc tại Nhật Bản. Việc Yen Nhật mất giá mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của lực lượng lao động này.
Hiện thu nhập của lao động Việt Nam tại Nhật, sau khi trừ hết chi phí, dao động từ 15-25 triệu đồng, tùy từng ngành nghề. Mức lương này vẫn tương đối tốt so với làm công nhân ở Việt Nam, kể cả khi tỷ giá giảm.
Ngày 15/7, tỷ giá Yen so với VND chốt ở mức 162 đồng (mua) và 172 (bán). Tại một số ngân hàng thương mại, Vietcombank niêm yết ở mức 165,8 đồng (mua) và 173,78 đồng (bán), Eximbank niêm yết ở mức 166,94 đồng (mua) và 170,61 đồng (bán)
Yen giảm mạnh nhất 24 năm
Ngày 14/7, tỷ giá Yen/USD ghi nhận mức thấp nhất trong 24 năm qua, trong bối cảnh Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc lên tới 137,99-138 yen/USD, cao nhất kể từ tháng 9/1998.
Yen giảm mạnh so với USD trong bối cảnh lo ngại khoảng cách lãi suất của Nhật và Mỹ ngày càng tăng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong phiên họp chính sách vào các ngày 27-28/7 để đối phó với lạm phát kỷ lục trong hơn 40 năm.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên trì duy trì chính sáchh tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế. BOJ dự báo, lạm phát trung bình của nước này trong năm tài khóa 2022 có thể đạt mức 1,9%, sau đó lại giảm xuống 1,1% trong năm tài khóa 2023 và 2024.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno ngày 13/6 cảnh báo cho các thị trường rằng Toyko đã quan ngại về sự sụt giảm mạnh của đồng Yen và sẵn sàng “phản ứng thích hợp” nếu cần thiết.
Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát các diễn biến trên thị trường ngoại hối và tác động đến nền kinh tế Nhật Bản.”
Một cuộc khảo sát chuyên gia do Bloomberg thực hiện dự báo tỷ giá đồng Yen sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 128 Yên đổi 1 USD, không có nhiều thay đổi so với mức hiện tại. Tuy nhiên, một số nhà dự báo, gồm Commerzbank và Societe Generale, cho rằng đến cuối năm, Yen có thể giảm về 150 Yên đổi 1 USD.
Trong thời gian dài, Nhật Bản được cho là đã hưởng lợi từ Yen yếu. Yen yếu sẽ làm gia tăng năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời, các ngành phi chế tạo như dịch vụ cũng được hưởng lợi từ hoạt động tiêu dùng của khách nước ngoài đến Nhật Bản gia tăng.