Đồng tính không phải là bệnh, nhiều cha mẹ vẫn ép con đi khám

Phương Linh| 26/04/2022 16:46

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định rằng đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, nên không thể chữa và không cần phải chữa. Thế nhưng, thời gian qua, rất nhiều cha mẹ lại ép con đi khám khi con có biểu hiện lạ.

Chỉ cần tư vấn tâm lý

Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc vừa tiếp nhận một bệnh nhân 14 tuổi, được ba mẹ đưa đến khám vì cho rằng con mình có bất thường sinh lý hay đột biến gene.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, khoảng 3-4 năm nay em đã nhận ra mình có nhiều khác biệt, chỉ có cảm xúc với bạn nam và chỉ muốn mặc váy, tô son, để tóc dài như con gái. Gặp bác sĩ, cha mẹ bệnh nhân lo lắng, sợ con phát triển không bình thường. Họ mong con mình được điều trị sớm.

Bác sĩ Lê Duy Thảo là người tiếp nhận bệnh nhân, cho biết em là người đồng tính. "Tôi rất hiểu tâm lý phụ huynh, mục đích cuối cùng của họ là muốn con cái hạnh phúc nhưng có thể do hiểu biết còn hạn chế nên xử lý chưa phù hợp", bác sĩ Thảo chia sẻ.

2.png
Ảnh minh họa.

Tương tự trường hợp trên, cuối tháng 3 vừa qua, Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận nhiều phụ huynh đưa con tới muốn tư vấn về các vấn đề liên quan đến giới. Họ chia sẻ: “Con gái tôi nhắn tin rất tình cảm với 1 bạn nữ trong lớp, con trai tôi bị các bạn trêu vì nói năng nhỏ nhẹ, thích mặc quần áo nhiều màu sắc”.

Có người mẹ nói bằng giọng lo lắng: “Con tôi là con gái nhưng lại tự cảm nhận mình là con trai”…

Cha mẹ cần hiểu con hơn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định rằng đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể chữa, không cần chữa và cũng không thể làm cách nào thay đổi được.

TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên cho hay, chính vì sự quá lo lắng của ba mẹ đã khiến một số trẻ vị thành niên buồn bã, trầm cảm, có hành vi chống đối hoặc thậm chí có ý định tự tử.

“Khi làm việc với cha mẹ và các trẻ, chúng tôi nhận thấy sự hiểu biết của một số cha mẹ, trẻ vị thành niên về giới và sự đa dạng tính dục còn khá hạn chế. Thậm chí, một số phụ huynh còn coi đây là một bệnh, xấu hổ vì con bị như vậy. Họ mong muốn có thể dùng thuốc để điều trị cho con. Đây là sự thiếu hỗ trợ phù hợp và đúng đắn của cha mẹ dành cho trẻ vị thành niên”, bác sĩ Loan chia sẻ.

web-nhan-dien-gioi-tinh.png

Theo bác Loan, mỗi cá nhân sẽ có 4 đặc điểm: Giới tính sinh học, bản dạng giới, thể hiện giới, và xu hướng tính dục. Các đặc điểm này độc lập với nhau và kết hợp với nhau theo những cách khác nhau tạo ra sự đa dạng về giới.

Hiện nay, khi đời sống xã hội phát triển, các vấn đề liên quan đến giới và bình đẳng giới ngày càng được quan tâm. Các khái niệm “giới tính thứ ba”; “chuyển giới”, “đồng tính/song tính” “LGBT”… không còn quá xa lạ khi được nhắc đến trên Thế giới cũng như tại Việt Nam. Tuy nhiên, các định kiến mang tính kỳ thị, trêu chọc, mỉa mai hay cô lập vẫn còn nhiều. Chính điều này làm cho các bậc cha mẹ khi thấy con có những biểu hiện gọi là lệch lạc đã hết sức hoang mang, lo lắng.

Không ít cha mẹ nghĩ rằng do ảnh hưởng từ bên ngoài, từ bạn bè, phim ảnh… đã khiến cho con mình có những dấu hiệu “không phù hợp với giới tính” và có thể “điều trị” bằng thuốc men hay liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, đây đều là những tình trạng đã “ẩn náu” ngay bên trong đứa trẻ và dần dần bộc lộ khi trẻ bước vào lứa tuổi dậy thì.

Theo bác sĩ Loan, khi biết con là người đồng tính, cha mẹ nên bình tĩnh, đừng đổ lỗi cho con cũng như bản thân mình. Cha mẹ cần biết rằng, đồng tính không phải là bệnh, chỉ là sự khác biệt về khuynh hướng tính dục. Người đồng tính vẫn phát triển thể chất và tinh thần bình thường, có tương lai và cuộc sống như bao người khác. Do đó, thay vì không chấp nhận mà giám sát, cấm đoán con, cha mẹ nên cố gắng vượt qua định kiến, để tạo cho con một môi trường “an toàn tinh thần”. Cha mẹ hãy đồng hành cùng con, hỗ trợ cho con đúng cách như luôn tôn trọng, chia sẻ cùng con.

Bác sĩ Thảo thì cho rằng, đối với các trường hợp trên chủ yêu là tư vấn tâm lý cho bố mẹ, giúp họ hiểu con mình hơn.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đồng tính không phải là bệnh, nhiều cha mẹ vẫn ép con đi khám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO