Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hải Phòng thông báo kết quả kiểm tra liên quan phản ánh, học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (Hải Phòng) đóng gần 3 triệu đồng đi trải nghiệm và nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng với vai trò người đứng đầu trong sự việc này.
"Trách nhiệm để xảy ra hạn chế và khuyết điểm về công tác tổ chức triển khai hoạt động trải nghiệm nêu trên trước tiên thuộc về Hiệu trưởng nhà trường với vai trò người đứng đầu. Sau đó là trách nhiệm liên quan của lãnh đạo, các tổ chức, cá nhân đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường với vai trò tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn tồn tại, hạn chế khi tổ chức triển khai thực hiện", văn bản của Sở GD&ĐT Hải Phòng khẳng định.
Theo Sở GD&ĐT Hải Phòng, công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt việc tổ chức triển khai về chuyến đi hiệu quả chưa cao nên vẫn còn có giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh chưa hiểu đúng chủ trương, bản chất của sự việc và đã có phụ huynh bày tỏ sự bức xúc trên mạng xã hội.
Công tác chỉ đạo, quán triệt của nhà trường chưa được kiên quyết, mạch lạc, vẫn còn người hiểu và thực hiện chưa đúng bản chất hoạt động trải nghiệm của trường, phân kỳ thu.
Cụ thể, giáo viên chủ nghiệm đăng tin trên nhóm thông tin của lớp về số tiền 2.830.000 đồng của chuyến đi trải nghiệm cùng tiền học tháng 2 là 872.000 đồng, tổng 3.702.000 đồng với mốc thời gian đóng đến 9/3.
Tuy nhiên, giáo viên không giải thích rõ ràng việc không bắt buộc, phân kỳ thu là không đúng quy định, không đúng chỉ đạo của các cấp về thực hiện các khoản thu.
Theo kế hoạch, từ 13-15/3, học sinh khối 12, trường THPT Lê Hồng Phong tham gia hành trình trải nghiệm “Theo dòng lịch sử” được sinh hoạt, hoạt động tập thể cùng nhau; trải nghiệm, tham quan, học hỏi tại các địa danh lịch sử: Ngã ba Đồng Lộc, Vũng chùa Đảo Yến (mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, làng Sen quê Bác.
Chuyến đi dự kiến kéo dài trong 3 ngày 2 đêm, kinh phí 2.830.000 đồng/học sinh, phục vụ trực tiếp đi lại, ăn nghỉ, phí dịch vụ khác, được triển khai thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Đa số (423/483) học sinh đăng ký tham gia nhưng vẫn có (60/483) học sinh không tham gia.
Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm không gây áp lực cho phụ huynh học sinh, khảo sát ý kiến, nguyện vọng của học sinh; phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp có biện pháp giúp đỡ, miễn, giảm, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia.
"Công tác tổ chức triển khai cho học sinh lớp 12 đi hoạt động học tập trải nghiệm năm học 2023-2024 được nhà trường thực hiện về cơ bản đúng văn bản của các cấp", văn bản của Sở GD&ĐT TP Hải Phòng nêu.
Có ý kiến cho rằng, thời điểm tổ chức chuyến đi học tập trải nghiệm trong 3 ngày 2 đêm mất nhiều thời gian, Sở GD&ĐT nêu, kế hoạch tổ chức 3 ngày 2 đêm về cơ bản phù hợp thực tế, đảm bảo sức khỏe và mục tiêu giáo dục.
Trước đó có phụ huynh chia sẻ lên mạng xã hội Facebook bày tỏ bức xúc khi giáo viên chủ nhiệm của một lớp tại trường THPT Lê Hồng Phong thông báo số tiền phải đóng gồm: tiền học trong tháng 2 là 872.000 đồng và tiền đi dâng hương, học tập trải nghiệm là 2.830.000 đồng.
Tổng số tiền hơn 3,7 triệu đồng, phụ huynh phải đóng cho con đến ngày 9/3 để giáo viên chủ nhiệm nộp về trường.
Phụ huynh băn khoăn chương trình được tổ chức vào khoảng cuối tháng 3, là thời điểm học sinh lớp 12 tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và hoàn thiện các điều kiện để thi tuyển đại học. Trong khi đó, chương trình dài tới 3 ngày 2 đêm. Kinh phí cho chuyến đi là hơn 2,8 triệu đồng/học sinh - khoản tiền cao so với thu nhập của những hộ gia đình có kinh tế khó khăn.
Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng phát đi văn bản chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường.
Sở GD&ĐT Hải Phòng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tuyệt đối không tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm mang tính tự phát. Nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hoạt động trải nghiệm để đi thăm quan, du lịch, dâng hương, thu tiền của học sinh, phụ huynh trái quy định.