Dòng tiền ‘cá mập’ xuất hiện sau tuần trở tay không kịp

22/10/2023 06:26

Dòng tiền từ các tổ chức “cá mập” trong và ngoài nước có dấu hiệu đổ vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những cú bán mạnh bất thường vào các phiên chiều trong tuần qua có thể khiến các nhà đầu tư cá nhân thận trọng.

Một tuần "toát mồ hôi"

Trong tuần 16-20/10, giới đầu tư chứng kiến những phiên bán mạnh bất ngờ vào cuối giờ chiều làm nhiều người trở tay không kịp và ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường.

Như ngày 17/10, thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên bán tháo vào cuối ngày với áp lực bán gia tăng ở phần lớn các cổ phiếu, trong đó có cả các cổ phiếu trụ cột và các mã mid-cap, gồm nhóm bất động sản như Vinhomes, Vingroup và nhiều mã ngân hàng.

Cú giảm đột ngột gần 20 điểm chỉ sau 15 phút cuối phiên (phiên ATC) được xem như một cú “đánh úp” cuốn bay hết mọi nỗ lực gượng dậy của thị trường chứng khoán. Chỉ số VN-Index xuống ngưỡng 1.122 điểm.

chứng khoán.jpg
Chứng khoán tuần qua có nhiều phiên giảm điểm mạnh (Ảnh Hoàng Hà)

Trong phiên sau đó, ngày 18/10, chỉ số VN-Index có lúc giảm tới 33 điểm với nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán tháo khiến giới đầu tư “toát mồ hôi”. Nhiều mã thành tâm điểm xả hàng, với hàng loạt mã lớn giảm sâu như Vingroup (VIC), VHM (Vinhomes), DXG (Đất Xanh), Novaland (NVL), Phát Đạt (PDR)…

Sang phiên 19/10, thị trường lại ghi nhận kịch bản giằng co trong phiên và lại bán mạnh vào cuối phiên, qua đó khiến VN-Index rớt hơn 15 điểm, xuống 1.087,85 điểm.

Trong 4 phiên đầu tuần, chỉ số VN-Index mất tổng cộng gần 70 điểm.

Có thể thấy, tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường trong phần lớn các phiên trong tuần trước áp lực tỷ giá tăng cao nhất kể từ đầu năm, đến từ việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiến đến gần 5%, cao nhất trong vòng 18 tháng.

Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước đưa ra liên tục lập đỉnh cao mới, nhanh chóng lên mức 24.100 đồng/USD hôm 19/10 rồi 24.110 đồng/USD trong phiên cuối tuần (20/10). Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại đồng loạt lên mức 24.700 đồng/USD (giá bán) - mức cao nhất kể từ đầu năm, và chỉ còn thấp hơn chút ít so với đỉnh cao kỷ lục 24.888 đồng/USD ghi nhận hôm 25/10/2022.

Đây được xem là một trong các yếu tố kích hoạt đà bán tháo kể từ đầu tuần, khiến các nhóm ngành đồng loạt giảm điểm. Hiệu ứng domino bán giải chấp càng khiến đà giảm kéo dài trong những phiên sau đó. Đỉnh điểm, chỉ số VN-Index đã rơi xuống dưới hỗ trợ quan trọng đường trung bình động 200 ngày (MA200) trong ngày thứ 4 (hôm 18/10). Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản và bán lẻ ghi nhận xu hướng giảm mạnh nhất.

Những cú giảm bất ngờ vào cuối phiên cũng được xem có thể là do hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin của một số bên cho vay.

Tuy nhiên, đến chiều phiên thứ 6 (ngày 20/10), lực cầu bắt đáy đã xuất hiện ở vùng 1.080 điểm, kéo chỉ số hồi phục 32 điểm từ vùng đáy, đang từ giảm hơn 10 điểm trở thành tăng hơn 20 điểm. Trong đó, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán và bất động sản tăng trần.

Kết tuần, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận giảm 46,7 điểm, tương đương mức giảm 4% so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index giảm 4,4% xuống 228,5 điểm và chỉ số Upcom-Indexgiảm 2,6% xuống 85,6 điểm.

Trong tuần 16-20/10, các cổ phiếu giảm sâu và tác động mạnh tới thị trường bao gồm: Vingroup (-6%), BIDV (-4,7%), Vietcombank (-2,1%). Ở chiều ngược lại, Vietjet tăng 1,4%; LPBank tăng 2,5% và Eximbank tăng 1,4%.

Triển vọng nào cho tuần mới?

Như vậy, trong phiên cuối tuần 20/10, thị trường đã đảo chiều tăng khá mạnh trở lại. Có tín hiệu dòng tiền từ các tổ chức trong và ngoài nước trở lại thị trường chứng khoán.

Trong tuần 16-20/10, khối ngoại quay trở lại mua ròng trên cả 3 sàn, với tổng giá trị hơn 900 tỷ đồng. Trong tuần trước, khối ngoại bán ròng 1.900 tỷ đồng.

Trong phiên 20/10, tự doanh các công ty chứng khoán cũng mua ròng hơn 500 tỷ đồng, trong đó có E1VFVN30, Sacombank, Hòa Phát, Techcombank, FPT, PVS…

Việc VN-Index trở lại ngưỡng 1.100 điểm giúp nhiều nhà đầu tư thở phào. Nó cho thấy, 1.070 điểm là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho đợt điều chỉnh.

Sức cầu của các tổ chức đã góp phần thanh khoản hồi phục nhẹ, trung bình trong tuần đạt 18.516 tỷ đồng/phiên, tăng 12,5% so với tuần trước.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán VnDirect cho rằng, điểm tích cực xuất hiện trong phiên cuối tuần đó là đã bắt đầu le lói những thông tin hỗ trợ cho tỷ giá.

Cụ thể, trong bài phát biểu về chính sách tiền tệ mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã phát đi tín hiệu có thể tiếp tục dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới vào đầu tháng 11. Điều này có thể kìm lại đà tăng mạnh gần đây của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, việc VPBank hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư Nhật Bản SMBC với quy mô 1,5 tỷ USD sẽ góp phần bổ sung nguồn cung ngoại tệ. Đồng thời, động thái mua ròng liên tục của khối ngoại trong những phiên giảm điểm tuần qua cũng là yếu tố hỗ trợ đáng chú ý cho thị trường.

Tuy nhiên, ông Hinh cũng lưu ý, sau những phiên bán bất ngờ vào cuối giờ chiều các phiên gần đây, các nhà đầu tư cần quan sát thêm tác động của diễn biến này tới xu thế thị trường trong những phiên tới.

Theo Chứng khoán Kiến thiết, phiên đảo chiều tăng điểm cuối tuần là rất ấn tượng. Tuy nhiên, khối lượng chưa thực sự bùng nổ, cộng với kết tuần vẫn là thân nến giảm giá áp đảo. Dù vậy, biểu đồ ngày có những tín hiệu rất tích cực. Chỉ số VN-Index đã test ngưỡng hỗ trợ 1.080 điểm và cho thấy đây là một ngưỡng hỗ trợ rất mạnh.

Trên thế giới, những yếu tố tác động tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu đã giảm bớt. Tình hình chiến sự Israel-Hamas có những chuyển biến tích cực và không ảnh hưởng trên diện rộng. Trong khi Fed đã bớt diều hâu, hứa hẹn một đồng USD hạ nhiệt.

Trên thị trường niêm yết, nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng mạnh như nhóm chứng khoán và một số ngân hàng, doanh nghiệp bán lẻ, công nghệ… Một số doanh nghiệp trong ngành khó khăn như bất động sản cũng báo lãi tăng mạnh như NLG, BGI, NDN…

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền ‘cá mập’ xuất hiện sau tuần trở tay không kịp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO