Động thái ông lớn: Mua lại 1.200 tỷ trái phiếu, lùi ngày trả 400 tỷ cổ tức

03/06/2022 10:23

Gelex của TGĐ Nguyễn Văn Tuấn lùi thời gian trả cổ tức trị giá hơn 420 tỷ đồng sang tháng 7 trong bối cảnh doanh nghiệp dồn dập mua trái phiếu trước hạn.

Tập đoàn Gelex (GEX) vừa thông báo điều chỉnh lùi ngày chốt danh sách cổ đông được hưởng cổ tức bằng tiền năm 2021 từ ngày 9/6 như trong thông báo trước sang ngày 14/7 và lùi ngày chi trả từ 29/6 sang 28/7.

Theo kế hoạch, Gelex sẽ trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, tương đương với mức 500 đồng cho mỗi cổ phần. Hiện, Gelex có hơn 851 triệu cổ phiếu lưu hành cho nên số tiền mà Gelex của TGĐ Nguyễn Văn Tuấn dự chi trả cổ tức đợt này là 426 tỷ đồng.

Quyết định lùi trả cổ tức diễn ra ngay sau khi Gelex liên tiếp mua lại 3 lô trái phiếu, với lô mới nhất trị giá 500 tỷ đồng mới phát hành cuối 2021, trong bối cảnh trái phiếu đang bị soi kỹ và là nỗi lo sợ của nhiều doanh nghiệp.

Trong nghị quyết Gelex hôm 27/5/2022, HĐQT doanh nghiệp này quyết định mua trước hạn trái phiếu mã GEXH2124003 phát hành ngày 31/12/2021 và đáo hạn ngày 31/12/2024 với tổng giá trị 500 tỷ đồng. Nguồn tiền mua lại là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư hợp pháp của Gelex. Thời gian dự kiến mua lại là 8/6 tới.

Gelex dồn dập mua lại trái phiếu.

Trước đó, ngày 27/5 TGĐ Gelex Nguyễn Văn Tuấn cũng đã công bố thông tin việc mua lại lô trái phiếu TP.GEX.03.2020 phát hành ngày 13/5/2020 đáo hạn 13/5/2023 (lãi suất cố định 9,5%) với tổng trị giá 300 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại là 18/6.

Ngày 26/5 CEO Nguyễn Văn Tuấn cũng đã công bố thông tin việc mua lại lô trái phiếu GELEXBOND_150420_3Y phát hành 15/4/2020, đáo hạn 15/4/2023, lãi suất ban đầu 9,5%, với tổng trị giá 400 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại là 19/6.

Như vậy, chỉ trong vài ngày, Gelex đã quyết định mua lại 3 lô trái phiếu phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Đây đều là các trái phiếu có kỳ hạn 3 năm.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản dồn dập mua lại trái phiếu trước sau sự kiện Tân Hoàng Minh bị hủy các lô trái phiếu trị giá hơn 10 nghìn tỷ và cựu chủ tịch Đỗ Anh Dũng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đầu tư mạnh vào nhiều lĩnh vực, trong đó có năng lượng.

Hoạt động phát hành trái phiếu tụt giảm thời gian gần đây. Theo báo cáo của SSI Research, lượng trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh, từ 26.000 tỷ cùng kỳ chỉ còn 820 tỷ đồng trong tháng 4/2022.

Gelex là một doanh nghiệp nổi lên trong vài năm gần đây sau nhiều vụ thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây và cấp điện, thiết bị điện và mở rộng thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thâu qua M&A. Sau 5 năm tái cấu trúc (M&A, thoái vốn, sắp xếp các đơn vị thành viên), GEX đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings. Gelex gần đây lấn sang lĩnh vực mới: điện gió với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025.

Đi đôi với các thương vụ M&A, Gelex ghi nhận tổng tài sản và nợ tăng mạnh. Tính tới cuối quý I/2022, Gelex có tổng nợ phải trả đạt gần 39,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có gần 22,8 nghìn tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính (dài hạn là hơn 15 nghìn tỷ đồng).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần đây phát triển bùng nổ và là một kênh quan trọng giúp các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ về quy mô. Tuy nhiên, kênh huy động vốn này cũng có nhiều rủi ro đối với người cho vay, nhất là trong bối cảnh kênh này phát triển quá mạnh trong vài năm qua.

Gần đây, cổ phiếu GEX giảm nhanh. Ông Nguyễn Văn Tuấn cuối tháng 5 công bố hoàn tất mua 10 triệu cổ phiếu GEX, nâng sở hữu lên 202,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 23,8%).

Dao động quanh 1.280-1.300 điểm

Theo BSC, nguyên nhân của sự sụt giảm phiên 2/6 có lẽ đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi 22/30 mã thuộc nhóm VN30 giảm điểm, chỉ có 6/30 mã đóng cửa trong sắc xanh. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 15/19 ngành kết phiên giảm điểm; tuy nhiên ngành điện, nước & xăng dầu, khí đốt vẫn tăng tích cực. Thị trường tỏ ra e dè trước ngưỡng kháng cự 1.300; trong những phiên tới, chỉ số có thể tiếp tục dao động quanh ngưỡng 1.280-1.300, chờ dòng tiền vào đẩy chỉ số bật lên.

Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục giằng co quanh mức hiện tại. Điểm tiêu cực là áp lực bán có dấu hiệu gia tăng, nhưng dấu hiệu này chưa quá rủi ro. Do vậy, YSVN đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức thấp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp tăng giảm đan xen và VN-Index vẫn có nhịp tăng để kiểm định vùng kháng cự 1.315 – 1.328 điểm. Ngoài ra, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn vẫn tiếp tục gia tăng.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung duy trì ở mức tăng.

Chốt phiên giao dịch chiều 2/6, chỉ số VN-Index giảm 10,90 điểm xuống 1.288,62 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 3,59 điểm xuống 311,77 điểm. Upcom-Index giảm 0,78 điểm xuống 94,32 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 19,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 16,5 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

V. Hà

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/dong-thai-ong-lon-mua-lai-1-200-ty-dong-trai-phieu-lui-ngay-tra-400-ty-co-tuc-2026147.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/dong-thai-ong-lon-mua-lai-1-200-ty-dong-trai-phieu-lui-ngay-tra-400-ty-co-tuc-2026147.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Động thái ông lớn: Mua lại 1.200 tỷ trái phiếu, lùi ngày trả 400 tỷ cổ tức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO