Động thái khôn ngoan giúp Hàn Quốc mở rộng thị phần xuất khẩu vũ khí

25/08/2024 11:32

Thời gian qua, sự gia tăng đột biến trong chi tiêu quốc phòng do xung đột và bất ổn khắp toàn cầu đã giúp nhiều quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới hưởng lợi, trong đó có Hàn Quốc.

Năm 2023, với 14 tỷ USD thu về từ việc xuất khẩu vũ khí sang 12 quốc gia, Hàn Quốc chính thức bước vào tốp 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Seoul là nhà cung cấp lớn thứ hai cho 6 trong tổng số 40 quốc gia nhập khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới giai đoạn 2019-2023, gồm: Indonesia, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Thái Lan và Anh.

Bắn thử nghiệm pháo tự hành K9 tại một cơ sở quân sự ở Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Australia

Năm 2022 chứng kiến một thương vụ xuất khẩu vũ khí kỷ lục của Hàn Quốc, khi nước này ký với Ba Lan một thỏa thuận khung lên tới 22 tỷ USD. 2022 cũng là năm xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, mở ra một cuộc chạy đua vũ trang mới trên phạm vi toàn cầu. Kể từ đó, ngành xuất khẩu quốc phòng Hàn Quốc đã tiến một bước lớn trong việc đa dạng hóa các điểm đến của mình. Sau Ba Lan đến Estonia, Phần Lan và Na Uy đặt bút ký hàng loạt hợp đồng mua vũ khí của Hàn Quốc. Gần nhất, Romania xác nhận mua 54 hệ thống pháo tự hành K9 và 36 xe tiếp tế đạn dược K10 của Hàn Quốc với tổng trị giá 920 triệu USD.

Bên cạnh châu Âu, xuất khẩu quốc phòng Hàn Quốc sang các nước Arab cũng tăng đáng kể. Hàng loạt hợp đồng béo bở được Seoul ký kết với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Saudi Arabia, với các loại vũ khí chủ yếu gồm pháo tự hành K9, pháo phản lực phóng loạt Chunmoo, tên lửa đất đối không tầm trung Cheongung II.

Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc lại thành công trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu vũ khí. Một trong những động thái khôn ngoan là cùng với hợp đồng mua bán vũ khí, các nhà sản xuất quốc phòng Hàn Quốc còn rất tích cực hợp tác với các doanh nghiệp đối tác trong chuyển giao công nghệ và thành lập liên doanh sản xuất ở nước sở tại. Đơn cử như Korea Aerospace Industries có thỏa thuận phát triển chung máy bay vận tải quân sự với Tawazun của UAE, trong khi Hyundai Heavy Industries (HHI) đang tham gia vào dự án đóng khinh hạm cho Chính phủ Saudi Arabia với International Maritime Industries-một liên doanh giữa HHI và Saudi Aramco.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng cung cấp "trọn gói" các sản phẩm phi quân sự song song với các hợp đồng vũ khí quan trọng. Thí dụ như năm 2019, Hyundai Rotem cung cấp cả pháo tự hành K9 và ô tô điện cho Ba Lan. Một thỏa thuận vũ khí gần đây của công ty này với đối tác Romania cũng đề cập đến việc cung cấp xe điện, hiện đại hóa mạng lưới đường bộ và đường sắt của quốc gia Đông Âu này.

Trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, Seoul tiếp tục đặt mục tiêu lọt tốp 4 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới vào năm 2027. Tuy nhiên, Politico nhận định, tham vọng này có thể bị cản trở bởi một số thách thức tiềm ẩn như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, xung đột ở Ukraine, cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu vũ khí...

Theo tờ báo, nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ thêm một nhiệm kỳ, quan điểm châu Âu phải trả "phần chia sẻ công bằng" về chi phí quốc phòng của ông Trump có thể buộc nhiều nước châu Âu tăng đầu tư vào các hệ thống và vũ khí do trong nước phát triển, thay vì nhập khẩu từ bên ngoài. Khả năng xung đột ở Ukraine đi đến hồi kết cũng có thể làm sụt giảm nhu cầu mua sắm vũ khí của châu Âu. Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ giữa châu Âu với Nga có thể còn kéo dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường xuất khẩu vũ khí.

Về cạnh tranh, quốc gia láng giềng của Hàn Quốc là Nhật Bản cũng đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vũ khí. Bước ngoặt là vào năm 2023, Chính phủ Nhật Bản  sửa đổi 3 nguyên tắc về chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng, giúp việc xuất khẩu công nghệ-vũ khí phi sát thương và sát thương sang các nước dễ dàng hơn. Một khi thị phần xuất khẩu vũ khí của Tokyo tăng lên cũng có nghĩa là mẩu bánh thị phần của Seoul sẽ phải co lại.

Trong bối cảnh đó, Seoul đang tích cực nhắm tới thị trường tiềm năng ở Mỹ Latin, cho dù “hầu bao” của các quốc gia khu vực này không “rủng rỉnh” như các “ông lớn” ở Trung Đông, chưa chắc đem lại lợi nhuận “khủng” trong ngắn hạn. Song về dài hạn, đó là cách giúp Seoul củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, dấn sâu hơn và tiên phong chiếm lĩnh thị trường khu vực.

HÀ PHƯƠNG

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Động thái khôn ngoan giúp Hàn Quốc mở rộng thị phần xuất khẩu vũ khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO