Căn cứ hải quân ở đảo Guam là cơ sở quân sự Mỹ có khoảng cách gần nhất so với lãnh thổ Trung Quốc.
Một chiếc tàu ngầm của hải quân Mỹ mang theo hàng chục đầu đạn hạt nhân đã có chuyến đi hiếm hoi tới một căn cứ ở Thái Bình Dương vào ngày 15/1. Theo hải quân Mỹ, chuyến đi của chiếc tàu ngầm là nhằm gửi thông điệp tới các nước đồng minh của Washington trong khu vực.
Tàu ngầm hạt nhân USS Nevada tới căn cứ hải quân Mỹ trên đảo Guam nằm cách Đài Loan 3.000 km. (Ảnh: Hải quân Mỹ) |
CNN đưa tin, tàu ngầm hạt nhân USS Nevada được biên chế vào hải quân Mỹ vào năm 1986 mang theo 20 tên lửa Trident II D-5 và “hàng chục đầu đạn hạt nhân”. Tàu ngầm USS Nevada đã tới thăm căn cứ hải quân Mỹ ở đảo Guam vào ngày 15/1. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới căn cứ ở Thái Bình Dương kể từ năm 2016.
Trong tuyên bố, hải quân Mỹ nhấn mạnh chuyến thăm “tăng cường quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh trong khu vực”, và thể hiện “năng lực, sự linh hoạt, khả năng sẵn sàng của Mỹ, cũng như cam kết của Mỹ đối với nền an ninh và sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Chuyến thăm của tàu ngầm USS Nevada diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung vẫn tiếp tục gia tăng mà cụ thể liên quan tới những bất đồng về vấn đề Đài Loan.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”. Về phần mình, Mỹ cũng cam kết tôn trọng chính sách "một Trung Quốc" được thi hành kể từ khi Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1979.
Song thông qua Đạo luật các mối Quan hệ với Đài Loan năm 1979 và nguyên tắc "Sáu điều đảm bảo" được ban hành từ năm 1982, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ Đài Loan dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này.
Đảo Guam nằm cách đảo Đài Loan gần 3.000 km và là căn cứ quân sự gần nhất của Mỹ so với lãnh thổ Trung Quốc.
Kế hoạch 8 tỉ USD phòng vệ của Đài Loan
Theo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), Đài Loan sẽ chi gần 240 tỉ Đài tệ (8,71 tỉ USD) cho 8 loại vũ khí giúp tăng khả năng phòng vệ trước mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ phía Trung Quốc.
Các nhà quan sát quân sự nhận định, những vũ khí này được Đài Loan phát triển bao gồm tên lửa có tầm bắn bao phủ bờ biển và đất liền của Trung Quốc.
Trong tuần qua, cơ quan lập pháp Đài Loan đã thông qua gói ngân sách quân sự đặc biệt giai đoạn 5 năm trị giá 237 tỉ Đài tệ, bên cạnh khoản ngân sách quốc phòng đạt kỷ lục 471,7 tỉ Đài tệ cho năm nay.
Tên lửa siêu thanh Hsiung Feng 3 của Đài Loan. (Ảnh: Reuters) |
Báo cáo từ Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho hay, khoản ngân sách đặc biệt sẽ được sử dụng để sản xuất hàng loạt tên lửa tầm xa và tấn công chính xác, cũng như đóng tàu chiến hải quân nhằm tăng cường năng lực phòng vệ trên biển và phòng không của hòn đảo.
Giữa lúc Trung Quốc liên tiếp có hành động bắt nạt quân sự như tăng cường tập trận và điều động các chiến đấu cơ vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan với tần suất gần như hàng ngày, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh việc tăng cường năng lực phòng thủ là cần thiết.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 3/2021, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Phil Davidson cảnh báo quân đội Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm tới.
Tới tháng 10/2021, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng thừa nhận quân đội Trung Quốc có thể tấn công tổng lực Đài Loan vào năm 2025.
Trong gói ngân sách đặc biệt, quân đội Đài Loan sẽ chi 79,7 tỉ Đài tệ cho hệ thống tên lửa chống hạm từ bờ biển như tên lửa siêu thanh Hsiung Feng 3 cùng phiên bản có tầm bắn rộng hơn; 34,7 tỉ Đài tệ cho hệ thống phòng không đặt trên mặt đất như tên lửa chống tên lửa đạn đạo đất đối không Tien Kung 3; 17 tỉ Đài tệ cho dự án tên lửa đất đối đất Hsiung Sheng; 12,6 tỉ Đài tệ cho tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien; và 8,9 tỉ Đài tệ phát triển các tên lửa phòng không như tên lửa phòng không tầm trung radar dẫn đường Tien Chien 2.
Ngoài ra, khoản chi 12 tỉ Đài tệ sẽ phục vụ dự án phát triển máy bay không người lái (UAV) tấn công; 69,2 tỉ Đài tệ cho dự án tàu chiến tối tân; và 3,2 tỉ Đài tệ cho hệ thống vũ khí trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển.
Liên quan tới các tàu chiến hải quân hiện đại, Đài Loan sẽ mua thêm 10 tàu hộ tống tên lửa tàng hình Ta Jiang. Hải quân Đài Loan đã cho biên chế tàu hộ tống Ta Jiang đầu tiên vào tháng 9/2021. Ta Jiang được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay” với năng lực tấn công các tàu chiến có kích cỡ lớn hơn.
Ông Chieh Chung, nhà nghiên cứu an ninh tại Viện Chính sách ở Đài Loan, cho hay tàu hộ tống Ta Jiang được trang bị các tên lửa chống hạm Hsiung Feng 2 và 3, cùng tên lửa phòng không Hai Chien 2.
“Tàu Ta Jiang được thiết kế để đối phó với các chiến hạm cỡ lớn hơn của quân đội Trung Quốc. Được trang bị chức năng tàng hình cùng độ cơ động cao, việc theo dõi tàu Ta Jiang trở nên khó khăn hơn, và nó có thể thực hiện chiến thuật vừa đánh vừa rút”, ông Chieh nói.
Theo các nhà quan sát, dàn tên lửa và chiến hạm hiện đại mà Đài Loan muốn sở hữu có thể đóng vai trò lớn trong chiến lược chiến tranh bất đối xứng nhằm đối phó với lực lượng quân sự quy mô lớn của Trung Quốc.
“Các hệ thống này không chỉ có tính cơ động cao, mà còn đủ năng lực để hình thành lực lượng phản công trước quân đội Trung Quốc. Một số loại tên lửa như Hsiung Sheng có khả năng tấn công khu vực bờ biển và trong lãnh thổ đất liền của Trung Quốc”, ông Su Tzu-yun, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Quốc phòng và Nghiên cứu An ninh Đài Loan nhận định.
Được biết tên lửa đất đối đất Hsiung Sheng của Đài Loan có tầm bắn 1.200 km. Với tầm bắn này, các thành phố của Trung Quốc như Nam Kinh và Vũ Hán nằm trong vòng tấn công của tên lửa Đài Loan.
Vào tháng 3/2021, lực lượng không quân Đài Loan được biết đã tìm cách mua Hệ thống Phòng thủ Tên lửa đạn đạo 3 MSE (PAC-3 MSE) của Mỹ để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng ở eo biển Đài Loan.
Theo các chuyên gia quân sự, PAC-3 MSE có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn so với PAC-2 và PAC-3 mà Đài Loan đã cho triển khai.
Minh Thu (lược dịch)