Không có gì ngạc nhiên khi Đông Nam Á đang gấp rút chào đón du khách quốc tế trở lại. Năm 2019, du lịch đóng góp tới 393 tỉ USD cho nền kinh tế khu vực. Du lịch chiếm khoảng 1/3 GDP của Campuchia và 1/5 GDP của Thái Lan.
Những chiếc ghế trống người trên bãi biển ở Sanur, đảo Bali hôm 14/10. Đây là ngày đầu Bali mở cửa lại cho du khách đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID-19 từ 19 quốc gia nhưng không có chuyến bay nào đáp xuống. Ảnh: AFP.
Sau Phuket (Thái Lan) và Bali, nhiều điểm du lịch khác trong khu vực dự kiến cũng mở cửa đón khách quốc tế. Lúc này, một vấn đề rất được quan tâm là khách nước nào sẽ đến Đông Nam Á, vì điều đó quyết định tới nguồn thu.
Trước đại dịch COVID-19, số khách Trung Quốc chiếm tỉ lệ rất lớn trong số khách du lịch quốc tế đến Đông Nam Á. Nhưng hiện tại số khách Trung Quốc sụt giảm mạnh do các biện pháp chống dịch khắt khe của Bắc Kinh. Nước này vẫn đang theo đuổi chiến lược "Zero COVID" (quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng).
Chẳng hạn, tại Thái Lan, số khách du lịch Trung Quốc đến đã giảm 88,6% vào năm 2020 so với năm trước. Theo Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp Quốc, du khách Trung Quốc đã chi 254,6 tỉ USD ở nước ngoài vào năm 2019, chiếm khoảng 1/5 chi tiêu du lịch toàn cầu.
Hồi tháng 5, tổ chức Economist Intelligence Unit dự báo Trung Quốc sẽ không nới lỏng các yêu cầu cách ly đối với du khách trở về cho đến cuối năm 2022. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các điểm đến Đông Nam Á mở cửa trong khi khách Trung Quốc không còn đến nhiều nữa?
Chuyên gia cho rằng các nước Đông Nam Á sẽ phải tăng gấp đôi nỗ lực thu hút du khách từ nhiều thị trường khác, trong đó có châu Âu.
Ông Steven Schipani, chuyên gia về ngành du lịch tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường.
Trong tháng 9, tân Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob của Malaysia đề xuất ASEAN nên tạo ra "bong bóng du lịch" với Trung Quốc để đón những du khách đã tiêm đủ vắc xin COVID-19.