Đồng Nai: Nhiều cây xăng bán cầm chừng, mỗi lần chỉ bán 30.000-50.000 đồng

Hoàng Thọ| 21/02/2022 12:39

Nhiều cửa hàng xăng dầu tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) bán theo định mức mà không bán theo nhu cầu, mỗi lần người mua chỉ được mua từ 30.000 - 50.000 đồng, gây bức xúc.

Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã gây nên hiện tượng găm hàng ở nhiều cây xăng từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, kéo dài cho tới hiện tại. Ở nhiều địa phương, tình trạng cây xăng bán theo định mức mà không bán theo nhu cầu; cây xăng treo biển tạm ngưng bán... vẫn xuất hiện, gây bức xúc trong dư luận.

Sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu từ ngày 11/2 và dự báo giá sẽ tiếp tục tăng mạnh vào hôm nay (21/2), một số cửa hàng xăng dầu ở Đồng Nai bán theo định mức cho người dân.

Đồng Nai: Nhiều cây xăng bán cầm chừng, mỗi lần chỉ bán 30.000-50.000 đồng - 1

Ảnh minh họa.

Ghi nhận của PVVTC News, một số cây xăng ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chỉ bán 30.000 đồng (hơn 1 lít xăng), hoặc 50.000 đồng (2 lít) cho một lần đổ. Mặc dù các cây xăng thông báo chỉ bán như vậy nhưng người dân vẫn chấp nhận việc đổ xăng theo hình thức này.

Để mua được 50.000 đồng tiền xăng, chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (ngụ TP Biên Hòa) phải đi 2 nơi mới có. "Lúc nãy em chạy mua xăng phía trên nhưng họ không đổ, khan hiếm em mới chạy đến đây. Cây xăng ở đây em đổ quen rồi nhưng lúc nãy gấp công việc nên tạt xe vào trên đó mà đợi không được nên đến đây luôn", chị Trinh nói.

Chị Trinh cho rằng, nhiều cây xăng tinh vi lắm, lúc thì hạn chế lúc cũng cho đổ tùy ý, người bán giải thích do giá xăng mua vào cao, không có lãi, thậm chí lỗ. Không bán thì bị phạt nên chấp nhận bán cầm chừng.

Anh Đinh Thành Thương, ngụ TP Biên Hòa bày tỏ bức xúc khi các cây xăng không bán xăng RON95 mà chỉ bán xăng E5 RON92.

"Bất lợi là phải kiếm cây xăng khác, họ ép mình đổ xăng 92. Mình hay đổ xăng 95 mà đổ 92 sợ ảnh hưởng đến xe mà sợ đi xa hết xăng dắt bộ lại cực mình", anh Thương chia sẻ.

Nếu tiếp tục được điều chỉnh tăng giá chiều nay như dự báo, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp, là đợt tăng thứ 4 trong năm nay và ở mức cao nhất trong gần một thập niên trở về đây.

Một số doanh nghiệp lo ngại sau kỳ điều chỉnh ngày 21/2 thì chiết khấu cho đại lý rất thấp, có thể ở mức 0 đồng, gây khó khăn cho việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Anh Phan Nhựt Tân, Cửa hàng trưởng trạm xăng dầu Tân Tiến cho hay, trong giai đoạn này nguồn hàng khan hiếm do đầu mối không nhập được, phía công ty cũng không đủ hàng nhưng cũng cố gắng thông báo cho người dân sử dụng E5 nhiều hơn giảm áp lực cho xăng 95.

Còn anh Nguyễn Công Chính, Trạm xăng dầu Tín Nghĩa, TP Biên Hòa chia sẻ: "1 lít xăng dầu chúng tôi vận chuyển mất 100 - 200 đồng, chi phí nhân viên mất thêm 500 - 600 đồng. Mỗi lít lỗ trung bình trên dưới 1.000 đồng. Thù lao các trạm xăng là 0 đồng, lỗ rất là nhiều từ vận chuyển, trả lương, mặt bằng".

Theo một số tổng công ty, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn trong nước, giá xăng dầu từ hôm nay có thể tăng từ 800 - 1.000 đồng mỗi lít tùy loại.

Lãnh đạo một công ty đầu mối xăng dầu lớn tại thị trường phía nam chia sẻ, giá xăng dầu tại kỳ điều hành của liên bộ chiều nay sẽ tiếp tục tăng khoảng 1.000 đồng/lít nếu giữ nguyên cách tính của kỳ vừa rồi. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng dầu trong nước có thể tăng ít hơn.

"Nhưng thực tế, quỹ bình ổn của nhiều doanh nghiệp đã âm, cơ quan điều hành khó chi sử dụng quỹ ở mức cao hơn. Chưa bao giờ ngành kinh doanh xăng dầu đối diện áp lực nhiều về giá như lúc này”, vị này nói.

Tình trạng bán hàng nhỏ giọt trước kỳ điều chỉnh gây lo ngại việc duy trì thông suốt nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu và tình trạng thiếu nguồn cung được các doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tiếp diễn khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa trở lại hoạt động với công suất ổn định. Dự báo, khoảng 10 ngày nữa, cung và cầu thực trên thị trường mới có thể cân bằng.

Hoàng Thọ
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Nhiều cây xăng bán cầm chừng, mỗi lần chỉ bán 30.000-50.000 đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO