Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất
Vào đầu năm mới, nhiều ngân hàng đã nâng biểu lãi suất huy động nhằm thu hút tiền nhàn rỗi trong dân, đáp ứng nhu cầu cho vay dịp cao điểm.
Theo biểu lãi suất mới nhất của một số ngân hàng, lãi suất tiết kiệm ở một số kỳ hạn đã tăng từ 0,1-0,3 điểm %/năm so với hồi đầu tháng trước. Thậm chí, có ngân hàng đã nâng lãi suất huy động lên hơn 10%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố biểu lãi suất mới cho khách hàng cá nhân. Theo đó, nhà băng này sẽ tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất huy động cho kỳ hạn từ 1-36 tháng là từ 3,2-6,3%/năm. Lãi suất huy động tăng mạnh ở các khoản tiền gửi lớn. Theo đó, với hạn mức từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất từ 3,7-5,7%/năm, tăng từ 0,1-0,6 điểm % so với tháng trước. Gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất huy động dao động từ 3,9-6,3%/năm, tăng 0,3-0,9 điểm %/năm.
Với kênh tiền gửi online, VPBank cũng điều chỉnh tăng so với tháng trước. Ở kỳ hạn 36 tháng với số tiền từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất huy động cao hơn tháng trước 0,3 điểm %.
Nhiều ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân. |
Tương tự, Sacombank cũng vừa tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,2 điểm %/năm ở một số kỳ hạn. Với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Sacombank là 6,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng cũng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm. Với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất huy động cao hơn từ 0,4-0,5 điểm %/năm tùy kỳ hạn.
Cùng xu hướng, OceanBank cũng tiến hành tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn trong tháng 1/2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,3 điểm % và 0,2 điểm % lên cùng mức 3,6%/năm; các kỳ hạn 3-5 tháng cùng ở mức 3,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,7 điểm % lên mức 6%/năm; các kỳ hạn 7-10 tháng tăng 0,3 điểm % trong khoảng 5,6-5,8%/năm; các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng ở mức 6,55%/năm và 6,4%/năm.
Mới đây, Techcombank và NamABank cũng điều chỉnh tăng 0,1 điểm % cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy ở một số kỳ hạn.
Có thể thấy, xu hướng tăng lãi suất huy động không còn diễn ra cục bộ ở một vài ngân hàng nhỏ mà đã xuất hiện ở cả những ngân hàng lớn.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản, thanh khoản hệ thống gặp khó khăn thì việc tăng lãi suất là điều dễ hiểu để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng. Đây là tín hiệu cho thấy lãi suất ngân hàng sắp tới sẽ hấp dẫn hơn.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25-0,5 điểm %), nhất là vào nửa cuối năm 2022.
Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng dự báo, lãi suất huy động trong năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %. Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát cộng thêm sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như BĐS và chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên.
Lãi suất cao nhất là bao nhiêu?
Theo biểu lãi suất tại hơn 30 ngân hàng vào ngày 11/1, mức lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 7,6%/năm, thuộc về ngân hàng SCB. Điều kiện là khách hàng cần có 500 tỷ đồng và gửi 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Techcombank, ACB, MSB cũng có lãi suất cao nhất trên 7%/năm song chỉ áp dụng cho số tiền cực lớn, từ hàng trăm tỷ đồng trở lên.
Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất hấp dẫn, như: VRB (7%/năm), LienVietPostBank (6,9%/năm), MBBank (6,9%/năm), VietABank (6,9%/năm)...
Ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động giữa các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại quầy dao động từ 2,5-4%, GPBank và SCB là hai ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất tại kỳ hạn này.
Ở kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 3,2-4%, cao nhất tại kỳ hạn này vẫn là GPBank và SCB.
Với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động từ 4-6,6%. CBBank là ngân hàng có mức lãi suất huy động tại quầy cao nhất ở hai kỳ hạn này.
Với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,85-7%, đứng đầu là ngân hàng SCB.
Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5,1-6,8%. GPBank là ngân hàng cùng giữ mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này.
Đối với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-7%, SCB là ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này.
Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,3-7%. SCB và VRB đều được xếp ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở các kỳ hạn này.
Trong khi đó, mức lãi suất gửi tiết kiệm online đang cao hơn khá nhiều lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy. Mức lãi suất mà các ngân hàng cộng thêm cho hình thức gửi online phổ biến là 0,1-0,3 điểm %/năm nhưng cũng có nhà băng cộng thêm tới hơn 1 %/năm ở một số kỳ hạn.
Anh Tuấn