Theo thông tin từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), sáng 9/2, 5 trận động đất có độ lớn từ 2,8 đến 3,4 độ richter liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum).
Trận động đất lớn nhất 3,4 độ richter xảy ra lúc 11h03 (giờ Hà Nội) tại vị trí có tọa độ 14.962 độ Vĩ Bắc, 108.165 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trận động đất nhỏ nhất 2,8 độ richter xảy ra ngay sau đó vào lúc 11h29' tại vị trị có tọa độ 15.026 độ Vĩ Bắc, 108.186 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km, tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất trên.
Tính từ ngày 4/2 đến nay, đã xảy ra hơn 10 trận động đất có độ lớn trên 2,5 độ richter tại Kon Tum.
Theo Viện Vật lý địa cầu, từ giữa năm 2021, hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại huyện Kon Plông và các huyện lân cận của tỉnh Kon Tum, trong đó nhiều trận động đất gây rung chấn diện rộng, lớn nhất là trận động đất xảy ra chiều 23/8/2022 có độ lớn 4,7 độ richter.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, nhận định ban đầu, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa.
Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai nhằm đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.
Từ thực trạng, nguyên nhân ban đầu nói trên, Viện Vật lý địa cầu kiến nghị thiết lập các mạng trạm quan sát động đất địa phương tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Anh, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện ngay nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận.
Về vấn đề động đất có cảnh báo sớm được không? ông Xuân Anh cho biết, hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chứ không thể đưa ra thông tin chính xác thời điểm nào xảy động đất.
"Thông tin cảnh báo khu vực này có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó đã là rất tốt rồi. Bởi từ thông tin này, chính quyền địa phương và người dân sẽ xây dựng các công trình như thủy điện, nhà dân,... có khả năng chống chịu với độ lớn của động đất từ thông tin cảnh báo", ông Xuân Anh nói và cho biết thêm, thông thường vùng nào đó xảy ra động đất nó sẽ kèm theo rất nhiều trận rung chấn tiếp theo. Thông tin này các nhà khoa học sẽ cảnh báo được, nhưng cũng không thể đưa ra chính xác thời điểm xảy ra rung chấn.
"Sau rạng sáng 6/2, còn xuất hiện nhiều trận rung chấn khác. Những rung chấn này các nhà khoa học cảnh báo sớm được, từ thông tin này người dân có thể sơ tán khỏi vùng còn nguy cơ xảy ra rung chấn tiếp theo. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ cảnh báo khu vực nào đó còn xảy ra rung chấn, chứ không đưa ra thời gian chính xác được", ông Xuân Anh chia sẻ thêm.
Liên quan đến trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, hãng tin Reuters dẫn số liệu từ giới chức địa phương cho hay, tính đến cuối ngày 9/2, số người chết do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lên ít nhất 17.674, trong khi số người bị thương xấp xỉ 73.000. Tại Syria, ít nhất 3.377 người thiệt mạng. Tổng cộng, số người chết sau động đất kép ở hai quốc gia láng giềng này đã lên hơn 21.000 người.