Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt 'ông vua' truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

24/03/2021 16:45

Sáng nay 24/3, đông đảo văn nhân, nghệ sĩ, giới xuất bản… đã đến Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng tiễn biệt "ông vua" truyện ngắn, một nhà văn lớn cuối thế kỷ 20.

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp diễn ra từ 9h15 đến 10h30 ngày 24/3 (tức 12/2 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Đông đảo văn nghệ sĩ đến tiễn biệt "ông vua" truyện ngắn - Nguyễn Huy Thiệp trong đó có: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Bảo Ninh, nhà văn Trần Thị Trường, nhà văn Đỗ Chu, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…

Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 1

Lễ viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp diễn ra từ 9h15 đến 10h30 ngày 24/3 (tức 12/2 âm lịch) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 2
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 3
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 4

Con cháu cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khóc thương trước sự ra đi của người cha, người ông đáng kính.

Đến viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Trần Đăng Khoa ngậm ngùi nói sự ra đi của cố nhà văn là một tổn thất lớn. "Nguyễn Huy Thiệp ra đi là tổn thất rất lớn cho văn đàn Việt Nam. Anh xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Có thể nói ngay từ khi bắt đầu xuất hiện, Nguyễn Huy Thiệp đã rất đặc biệt. Đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp chính là giọng điệu riêng biệt, không lẫn với bất cứ ai.

Tôi cho rằng, phong cách, giọng điệu là vô cùng quan trọng đối với một nhà văn. Nếu không có phong cách, giọng điệu riêng thì không thành nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp là người có giọng điệu đặc biệt, dù bịt tên anh lại, người ta vẫn nhận ra anh.

Không mấy người có giọng điệu đặc biệt như anh đâu.

Có thể nói, anh có cách nhìn rất mới về cuộc sống đương đại. Văn chương của anh rất gần với thơ dù về mặt ngôn ngữ khác biệt hoàn toàn. Nếu mọi người chọn những con chữ trau chuốt thì Nguyễn Huy Thiệp bê luôn từng mảng đời sống lên. Chữ của đời sống bỗ bã, bụi bặm nhưng đằng sau cái đó lại rất sắc sảo, có sức gợi. Chính sức gợi khiến người ta nghĩ nó gần với thơ. Câu chuyện là thế nhưng điều Nguyễn Huy Thiệp muốn nói ẩn đằng sau những con chữ…", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp là cây bút viết đa dạng nhiều thể loại từ văn xuôi, kịch, tiểu luận và thế mạnh lớn nhất là truyện ngắn. Tiếc là nhà văn ra đi sớm quá!

Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 5

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đến tiễn biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám cũng khẳng định: "Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là mất mát lớn đối với làng văn chương Việt Nam. Ông như cây đại thụ trong làng văn. Khoảng trống mà ông để lại khó có thể bù đắp. Qua tang lễ cũng thấy được niềm hạnh phúc của những nhà văn chân chính, tài năng đích thực. Sự ra đi của họ đã lay động hàng triệu trái tim…"

Ông Nicolas Warnery, đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến viếng một nhà văn Việt Nam vừa qua đời và ông vô cùng xúc động chứng kiến tình cảm của bạn đọc dành cho cố nhà văn. Ông nói, tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp được bạn đọc Pháp rất yêu thích. Ở Pháp, nói đến văn học Việt Nam là nói đến "Tướng về hưu" của Nguyễn Huy Thiệp…

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều là người viết và đọc điếu văn cho Nguyễn Huy Thiệp.

Ban tổ chức lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban tang lễ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nhà văn Nguyễn Bình Phương  phó Trưởng ban tang lễ. Ban lễ tang còn có nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, bà Dương Dương Hảo, bà Thân Thị Vân Anh và ông Phan Vĩnh Điển, đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 6
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc điếu văn

Sau Lễ viếng, thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống nhà hóa thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. Tro cốt và di hài ông sẽ được đưa về nghĩa trang gia đình thôn Tằng My, xã Nam Hồng , Đông Anh, Hà Nội dự kiến từ 15 giờ 30 đến 17 giờ cùng ngày.

Được biết, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tai biến lần đầu vào tháng 3/2020. Một cơn tai biến tiếp theo kéo đến vào tháng 6/2020. Năm tháng sau, tháng 11/2020, Nguyễn Huy Thiệp gánh nỗi đau mất vợ trong khi ông đang bệnh nặng. Sự ra đi của vợ ông, đã khiến Nguyễn Huy Thiệp suy sụp những ngày tháng sau này.

Ông qua đời lúc 16 giờ 45 phút ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi, sau một thời gian chống chọi với bệnh tật.

Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 7
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 8

Những dòng ghi sổ tang đầy xúc động...

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng trong các thể loại kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.

Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên… Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông.

Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu khá muộn với các truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ. Tuy nhiên chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông.

Ông viết cả truyện ngắn, kịch, tiểu luận, trong đó thành công nhất là truyện ngắn.

Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một "hiện tượng hiếm" của văn đàn Việt Nam.

Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn "Tướng về hưu", chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, "Những ngọn gió Hua Tát" (tập truyện ngắn và kịch, 1989), "Tiểu Long Nữ" (tiểu thuyết, 1996), "Tuổi 20 yêu dấu" (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...

Mới đây, cố nhà văn có tên trong danh sách được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 2 truyện ngắn "Tướng về hưu" và "Những ngọn gió Hua Tát".

Hình ảnh văn nghệ sĩ và bạn đọc ái mộ đến tiễn đưa cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:

Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 9
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 10
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 11
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 12
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 13
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 14
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 15
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp - 16

Nguyễn Hằng

Ảnh: Đỗ Linh

Clip: Ngọc Linh

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đông đảo văn nghệ sĩ tiễn biệt 'ông vua' truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO